| Hotline: 0983.970.780

Cao su giúp bừng sáng buôn làng Tây Nguyên

[Bài 1] Cao su mở rộng đến đâu, buôn làng thay đổi diện mạo đến đó

Chủ Nhật 03/07/2022 , 09:32 (GMT+7)

Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng hoàn cảnh nào công ty cũng giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

LTS: Trước tình hình an ninh trật tự bất ổn, đời sống người dân vô cùng khó khăn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhận được chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc mở rộng sản xuất tại các tỉnh Tây Nguyên với 3 mục tiêu chính là mở rộng kinh doanh của tập đoàn, giúp người dân bản địa phát triển kinh tế và góp phần giữ vững an ninh trật tự. Hơn ba thập kỷ từ khi thành lập, đi vào hoạt động các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên đã giúp người dân nơi đây có cuộc sống ổn định. Đến nay có thể khẳng định, các công ty này đã giúp người dân thoát nghèo, những buôn làng Tây Nguyên bước sang một trang sử mới.

Những ngày đầu khó khăn

Cuối năm 1983, thực hiên chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Tổng cục Cao su Việt Nam về việc mở rộng, phát triển cao su trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Thực hiện chủ trương trên, Công ty Cao su Đồng Nai thuộc Tổng cục Cao su Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong quyết tâm đưa cây cao su phát triển trên địa bàn huyện Ea H’leo - vùng đất giàu tiềm năng và đầy triển vọng về kinh tế của tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 8/2/1984, Công ty Cao su Ea H’leo chính thức được thành lập, với 39 cán bộ. Công ty này được thành lập và phát triển trên địa bàn của 12 xã, thị trấn thuộc huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Đến năm 2010, công ty được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’Leo.

Ông Trương Công Lực, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'leo nói về những khó khăn trong những ngày đầu mang cao su đến Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Ông Trương Công Lực, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'leo nói về những khó khăn trong những ngày đầu mang cao su đến Tây Nguyên. Ảnh: Quang Yên.

Nhiệm vụ của công ty là khai hoang, trồng mới, chăm sóc, khai thác, chế biến và kinh doanh mủ cao su, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trên địa bàn huyện Ea H’Leo. Đặc biệt, công ty có nhiệm vụ lớn nhất là quan tâm đến người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, từng bước nâng cao đời sống cho người lao động, giải quyết an sinh xã hội, góp phần cùng với địa phương xây dựng phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định an ninh quốc phòng.

Là một trong những người gắng bó với Công ty Cao su Ea H’leo từ những năm đầu ông Trương Công Lực, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cao Su Ea H’leo khẳng định, đến nay đơn vị đã giúp đỡ người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương có cuộc sống ổn định.

“Mới đầu vận động, bà con đồng bào không biết và không hiểu gì về cây cao su. Thời gian này người đồng bào chỉ làm thủ công, lãnh đạo nông trường, các tổ sáng đánh kẻng đi làm, chiều đánh kẻng đi về chứ không khoán sản phẩm. Để giúp người dân tại chỗ, công ty có chính sách là người đồng bào dân tộc Tây Nguyên vào làm công nhân thì người thân được ăn theo. Ví dụ cha mẹ được 15 kg gạo còn con thì tùy theo lứa tuổi mà được 5 hay 10 kg gạo. Với chính sách này người lao động là đồng bào dân tộc xin vào công ty rất đông”, ông Lực nhớ lại.  

Theo ông Trương Công Lực tổng số lao động của công ty thời gian này là khoảng 3.000 người. Tuy nhiên sau đó trúng vào sự kiện Liên Xô tan rã nên cao su của Việt Nam chững lại. Đến những năm đầu 90 cao su phát triển lại thì công ty mới vận động lại người dân quay lại tham gia làm công nhân.

Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'leo có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao. Ảnh: Quang Yên.

Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'leo có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao. Ảnh: Quang Yên.

Từ năm 1995 đến nay, công ty phát triển ổn định thì tình hình an ninh trật tự tại địa phương đã ổn định. “Thời gian đầu khó khăn là vậy nhưng đến nay đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt, có của ăn, của để. Thấy những công nhân công ty có việc làm, thu nhập ổn định, người dân địa phương nhất là bà con đồng bào đăng ký xin vào làm công nhân ngày một đông”, ông Lực chia sẻ.

Khi phát triển cao su thời kỳ đầu thì đa số đất tại đây thuộc của người đồng bào, đời sống chưa phát triển. Sau khi công ty vào phát triển kinh tế thì toàn bộ đường, điện, trường học được đầu tư. “Cái thành công lớn nhất của tôi là công ty đã giúp đỡ chính quyền địa phương, người dân xã Ea Tir phát triển. Xã Ea Tir được thành lập vào năm 2007, thời điểm này cơ sở vật chất không có, đời sống người dân khó khăn. Bằng sự hỗ trợ của công ty đến nay có thể nói xã Ea Tir đã hoàn toàn thay đổi, có sức sống”, ông Lực nói thêm.

Khá giả nhờ cao su

Do gia đình không có đất sản xuất nên gia đình chị H’Lúc Niê (ngụ Buôn Đung, xã Ea Khal, huyện Ea H’leo) phải đi làm thuê, ai mướn cái gì thì làm cái đó, trong khi chị phải nuôi còn nhỏ nên kinh tế gia đình rất khó khăn. “Cả gia đình 6 người phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của chồng nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Con cái không được chăm sóc, ăn học”, chị H’Lúc chia sẻ.

Thế nhưng cuộc sống của gia đình chị nay đã khác, đó là hơn 2 năm trước, H’Lúc Niê được người thân giới thiệu vào làm công nhân cho Công ty Cao su Ea H’leo. Nhờ có công việc ổn định, hiện nay thu nhập hàng tháng được trên 7 triệu đồng nên chị H’Lúc đủ trang trải cuộc sống của gia đình và lo cho con cái ăn học.

Công ty tặng nhà 'Mái ấm công đoàn' cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Công ty tặng nhà "Mái ấm công đoàn" cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

“Bây giờ có lương ổn định nên cuộc sống tốt hơn, có điều kiện sửa lại căn nhà sập xệ lâu nay. Trong nhà cũng sắm được một số vật dụng thiết yếu như tivi, tủ lạnh. Chứ trước đây căn nhà xuống cấp sập xệp cuộc sống sinh hoạt rất cực khổ, mùa mưa thì ẩm thấp, mùa hè thì nóng bức, cực lắm”, chị H’Lúc nói.

Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo cho biết, trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển với 30 cán bộ ban đầu đến nay công ty đã có 1.390 lao động, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 45%.

Từ chỗ cơ sở vật chất không đáng kể, đến nay tổng giá trị tài sản của công ty đã đạt 757 tỷ đồng. Nhiều năm liền, các chỉ tiêu sản lượng, chỉ tiêu kinh tế - xã hội luôn đạt cao hơn năm trước. Năng suất vườn cây, năng suất lao động, tiền lương bình quân được nâng lên. Sản xuất kinh doanh ổn định, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao.

Theo ông Lê Anh Tuấn, lực lượng lao động của công ty được chú trọng trẻ hóa. Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật và trình độ lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, công nhân lao động dần được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Công ty cũng luôn quan tâm, coi trọng đến những lợi ích thiết thực của người lao động, đó là việc làm và thu nhập ổn định. Các chế độ chính sách, quyền lợi của người lao động được công ty thực hiện đầy đủ, chi trả kịp thời. Vì vậy, người lao động thực sự an tâm, tin tưởng và cống hiến vì sự phát triển của công ty.

Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'leo luôn quan tâm, chăm sóc cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Công ty TNHH MTV Cao su Ea H'leo luôn quan tâm, chăm sóc cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Từ chỗ đường giao thông chỉ toàn là đường đất đỏ, mùa nắng đầy bụi, mùa mưa sình lầy; điện nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt thiếu thốn... Đến nay, từ công ty đến các nông trường, nhà máy, xí nghiệp và các tổ đội, đường giao thông liên thôn, liên xã vùng sâu, vùng xa đã có đường trải nhựa, đường cấp phối; đầy đủ điện nước phục vụ cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt; có trạm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho công nhân và con em công nhân, nhân dân trong vùng đều được đến trường. Từ chỗ, cây cao su chỉ ở giai đoạn mới phát triển trên vùng đất mới, đầy khó khăn, đến nay đã trở thành vùng kinh tế cao su phát triển, góp phần thay đổi cơ bản bộ mặt nông nghiệp - nông thôn tại địa bàn chiến lược quan trọng tại huyện Ea H’Leo.

Công tác xã hội cũng được công ty thực hiện tốt như tổ chức thăm hỏi, tặng quà thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; vận động cán bộ, công nhân viên chức và người lao động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; quỹ “vì người nghèo”, “Mái ấm Công đoàn”...

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Hleo: “Công ty TNHH MTV Cao su Ea Hleo đã đóng góp rất nhiều cho địa phương trong việc tạo công ăn việc làm, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất. Đặc biệt, công ty luôn phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ an sinh xã hội đối với các hộ dân trên địa bàn. Có thể khẳng định với mục tiêu ban đầu là quan tâm đến người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, từng bước nâng cao đời sống cho người lao động, giải quyết an sinh xã hội, góp phần cùng với địa phương xây dựng phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định an ninh quốc phòng thì công ty đã hoàn thành tốt”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP chưa bắt kịp xu thế người tiêu dùng

ĐBSCL Giữa chủ thể OCOP và các đơn vị thương mại, siêu thị đã có buổi trao đổi về năng lực cung cầu, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL.

Bình luận mới nhất