| Hotline: 0983.970.780

Đại ngàn Tây Nguyên & nỗi đau của đất

[Bài 5] Thức tỉnh để cấp thiết giảm độc cho đất Tây Nguyên

Thứ Sáu 01/04/2022 , 10:31 (GMT+7)

Sau khi đọc loạt bài Đại ngàn Tây Nguyên và nỗi đau của đất, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý đã hiến kế giải độc cho vùng đất này.

Những tác động khôn lường từ vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Hoàng Anh.

Những tác động khôn lường từ vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Hoàng Anh.

PGS.TS Trình Công Tư, Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên cho rằng: Hạn chế ô nhiễm đất và giảm độc cho đất Tây Nguyên là nhiệm vụ cấp thiết, từng bước cải thiện và ổn định sản xuất nông nghiệp ở khu vực này.

Những tác động khôn lường

Theo PGS.TS Trình Công Tư, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường đất như chất thải công nghiệp, sinh hoạt, tồn dư hóa chất nông nghiệp... Song phải nói rằng việc sử dụng bất hợp lý hóa chất trong canh tác là nguyên nhân phổ biến làm tổn hại môi trường nói chung, nhiễm độc cho đất nói riêng. Trong quá trình sử dụng phân bón và thuốc BVTV, các chất gây độc đã xâm nhập vào đất, phân hủy khá chậm, tạo ra dư lượng đáng kể và bị cuốn vào chu trình đất - nước - cây - động vật - người, gây hiện tượng khuếch đại sinh học.

Tây Nguyên có diện tích tự nhiên khoảng 5,5 triệu ha, trong đó 2,5 triệu ha gieo trồng lúa, ngô, cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả... Nhờ có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, thời gian qua sản xuất nông nghiệp tại vùng này đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo kinh tế xã hội thay đổi theo hướng tích cực…

Trong quá trình canh tác, để theo đuổi mục tiêu năng suất cao, người dân đã không ngần ngại đầu tư một lượng lớn hóa chất nông nghiệp lên đồng ruộng. Hậu quả là, đất mất dần kết cấu và trở nên chai cứng hơn; khả năng giữ nước, giữ phân kém; hiện tượng phú dưỡng các kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) xảy ra; môi sinh bị hủy hoại, hệ động vật và vi sinh vật có lợi trong đất suy giảm nghiêm trọng…

Những tác động khôn lường đó đã gây bất lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển cây trồng, làm năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế giảm dần theo thời gian, nhiều trường hợp chỉ mang lại hiệu quả âm, sức sản xuất của đất bị lụi tàn đến mức không thể tái canh tác. Nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, gần 80% hộ nông dân sử dụng phân bón hóa học cho cà phê với tổng lượng cao hơn qui trình, đồng thời mất cân đối theo hướng thiếu kali nhưng thừa đạm, gây tích lũy nitrat trong nước hồ và giếng sinh hoạt.

Việc sử dụng bất hợp lý hóa chất trong canh tác là nguyên nhân phổ biến làm tổn hại môi trường nói chung, nhiễm độc cho đất nói riêng. Ảnh: Minh Quý.

Việc sử dụng bất hợp lý hóa chất trong canh tác là nguyên nhân phổ biến làm tổn hại môi trường nói chung, nhiễm độc cho đất nói riêng. Ảnh: Minh Quý.

Còn Trung tâm Tư vấn Đầu tư Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, nhiều mẫu đất được phân tích ở Tây Nguyên có dư lượng thuốc BVTV vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép. Hàm lượng các kim loại nặng trong đất như đồng, kẽm, chì… tại một số khu vực xuất hiện ở mức báo động.

Trước thực trạng đó, việc hạn chế ô nhiễm đất là nhiệm vụ cấp thiết, từng bước cải thiện và ổn định sản xuất nông nghiệp tại Tây Nguyên, một vùng đất giàu tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa không ít thách thức.

5 giải pháp

Để hạn chế ô nhiễm đất, giảm độc cho đất trồng vùng Tây Nguyên, PGS.TS Trình Công Tư đề xuất một số giải pháp cần phải triển khai ngay.

Thứ nhất là bón phân cân đối, hợp lý. Lịch sử phát triển nông nghiệp đã chứng tỏ ít có cây trồng nào cho năng suất sinh vật lớn và hiệu quả cao nếu trồng chay, cho nên để thâm canh thì việc sử dụng một lượng phân bón thích đáng là cần thiết. Tuy nhiên, không phải toàn bộ lượng phân bón vào sẽ được cây trồng hấp thụ, mà một phần đáng kể nằm lại trong đất hoặc bị rửa trôi, gây ra ô nhiễm. Để hạn chế thất thoát, tăng hiệu suất sử dụng phân bón cho cây trồng, cần áp dụng các nguyên tắc bón phân cân đối, hợp lý.

Hạn chế ô nhiễm đất, giảm độc cho đất trồng Tây Nguyên là vấn đề cấp thiết. Ảnh: Minh Quý. 

Hạn chế ô nhiễm đất, giảm độc cho đất trồng Tây Nguyên là vấn đề cấp thiết. Ảnh: Minh Quý. 

Cần phải bón đúng cây, đúng đất. Mỗi loại cây trồng thích ứng với những loại phân phân bón nhất định. Rau ăn lá ưa các loại phân chứa nhiều đạm; các loại cây cho hạt như cà phê, hồ tiêu thì có nhu cầu kali khá cao. Đất đồi thường có phản ứng chua, cần hạn chế bón những loại phân gây chua như supe lân, hoặc chua sinh lý như các muối clo, sunphat...

Bón đúng liều lượng, tỉ lệ. Cần điều chỉnh chủng loại, liều lượng và tỉ lệ các loại phân bón phù hợp với từng loại cây trồng, trên từng chân đất và ở từng thời kỳ sinh trưởng khác nhau.

Bón đúng lúc. Nên đáp ứng đúng và đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây theo từng giai đoạn sinh lý: Khi mới trồng, chú trọng bón nhiều lân để thúc đẩy sự ra rễ của cây con. Ở thời kỳ sinh trưởng có thể bón nhiều đạm để kích thích sự phát triển thân lá, nhưng trong giai đoạn nuôi quả thì cần bón nhiều kali… Mùa vụ và thời tiết cũng rất ảnh hưởng đến hiệu quả của phân bón: trời mưa quá to sẽ làm rửa trôi phân bón, gây lãng phí và ô nhiễm; nắng hạn thì đất không đủ ẩm để hòa tan phân, không được đáp ứng đủ dinh dưỡng cho cây. 

Bón đúng cách. Nếu rãi các loại phân dễ bay hơi (như urê) trên mặt đất, chúng sẽ bị bốc khi trời nắng; bón sâu quá, sẽ bị mất phân do thấm lậu. Vùi phân ở độ sâu 5 - 10cm là hợp lý. Đối với phân bón lá, nên phun khi thời tiết mát, không mưa, phun ướt đều để tăng cường hiệu quả.

Thứ hai là hữu cơ hóa đồng ruộng, giảm thiểu phân hóa học. Có thể nói hữu cơ là chỉ tiêu độ phì quan trọng nhất của đất trồng. Một khi hàm lượng chất hữu cơ trong đất bị sụt giảm, sẽ làm thay đổi tính chất đất theo hướng bất lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Sử dụng vật tư nông nghiệp hợp lý là giải pháp phục hồi đất Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Sử dụng vật tư nông nghiệp hợp lý là giải pháp phục hồi đất Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Do vậy, trong quá trình canh tác, cần lưu ý bảo vệ nguồn hữu cơ trong đất. Thường xuyên bón phân chuồng, khô dầu, xác mắm… là biện pháp ổn định và nâng cao chất hữu cơ cho đất rất hữu hiệu. Ngoài ra, trong thời kỳ kiến thiết cơ bản tỉ lệ đất trống trên vườn cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm khá cao (20 - 80%), rất thuận lợi cho việc trồng xen cây phân xanh để sản xuất sinh khối, sau 1 năm có thể sản xuất được 10 - 15 tấn hữu cơ/ha. Vào thời kỳ kinh doanh, khối lượng cành lá được rong tỉa; cỏ dại trên bờ, trong lô… có thể đạt đến 25 tấn/ha đối với đất đỏ và khoảng 20 tấn/ha ở đất xám. Lượng sinh khối này, nếu được vùi trả lại thì sẽ rất có ý nghĩa trong việc cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, giảm thiểu nhu cầu về phân hóa học.

Bài liên quan

Vùng Tây Nguyên có hơn 600 nghìn ha cà phê, 250 nghìn ha lúa, 200 nghìn ha ngô, hàng năm tạo ra hàng triệu tấn phụ phẩm. Đây là loại vật liệu có hàm lượng hữu cơ cao, chiếm trên 25% trọng lượng chất khô, tương đương lượng hữu cơ có trong than bùn được các cơ sở sản xuất phân bón sử dụng. Ngoài ra, trong nguồn vật liệu này còn chứa trung bình 1 - 2% đạm, 3% kali và nhiều nguyên tố trung, vi lượng thiết yếu như Ca, Mg, Si, S, Zn, B, Cu… Điều này cho thấy các phụ phẩm như vỏ cà phê, rơm rạ, thân lõi ngô nếu được chế biến tốt, sẽ trở  thành loại phân bón giàu hữu cơ và các khoáng chất, bón trả cho đồng ruộng sẽ giảm chi phí đầu tư, cải thiện độ phì nhiêu và ổn định môi trường đất.

Thứ ba là áp dụng biện pháp canh tác phù hợp. Xen canh hợp lý giữa các loại cây trồng, vừa đa dạng hóa thu nhập, vừa nhằm tăng độ che phủ mặt đất, hạn chế sự phát triển của cỏ dại; áp dụng phương thức luân canh để thay đổi ký chủ đối với các loài sâu, bệnh hại, trên cơ sở đó tiết kiệm chi phí và giảm thiểu thiệt hại môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật gây ra.

Thứ tư là sử dụng các chế phẩm sinh học thay hóa chất nông nghiệp. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế hóa chất trong sản xuất cây trồng. Bên cạnh các loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc như dịch chiết từ cây neem, tỏi, ớt…, một số chủng vi sinh vật có quan hệ thiên địch với sâu bệnh hại cần được khai thác sử dụng. Vi sinh vật có ích được nuôi cấy và nhân lên đạt đến nồng độ tế bào cao sẽ là những chế phẩm có vai trò bảo vệ cây trồng và cải tạo đất rất hiệu nghiệm. Chủng Bacillus thuringiensis (Bt) tiết ra dịch chứa các protein xua đuổi hoặc gây hại côn trùng.

Hiện nay trên thị trường có phân vi sinh vật cố định đạm được bán dưới một số tên thương phẩm như nitragin chứa vi khuẩn nốt sần cây đậu tương; azotobacterin chứa vi khuẩn hút đạm tự do; azozin chứa vi khuẩn hút đạm từ không khí sống trong ruộng lúa, có thể trộn với hạt giống...

Các loại đất đỏ bazan, đất đen có hàm lượng lân khá cao nhưng cây không hút được vì ở dưới dạng khó hòa tan. Để giải quyết vấn đề này, người ta đã nuôi cấy và sản xuất chế phẩm vi sinh vật hòa tan lân, đáng kể là loài VA mycorrhiza. Theo Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường Tây Nguyên, sử dụng phân vi sinh vật chức năng (cố định đạm và phân giải lân) để tẩm hạt giống ngô trước khi gieo có thể giảm được 20% lượng phân khoáng cần bón nhưng vẫn cho thu hoạch thêm 7 tấn ngô hạt/ha, tương ứng tăng 14% năng suất, mang lợi nhuận cao hơn 6 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường.

PGS.TS Phạm Thị Vượng: Không ai vô can với thực trạng đất trồng Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

PGS.TS Phạm Thị Vượng: Không ai vô can với thực trạng đất trồng Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Anh.

Thứ năm là sử dụng các chế phẩm làm tăng hiệu suất phân bón. Một số loại phân bón thế hệ mới có lớp "áo" giữ cho hạt phân ở trạng thái khô ráo, khi bón vào đất dinh dưỡng được giải phóng từ từ đảm bảo cây trồng có đủ dưỡng chất cần thiết ở mọi giai đoạn, giảm công lao động, chi phí đầu tư, làm môi trường trong sạch và an toàn hơn. Kết quả thử nghiệm của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho thấy sử dụng 75% lượng phân urê bọc Neb-26 bón cho cao su tại tỉnh Đăk Lăk đã làm năng suất mủ tăng 11% và lợi nhuận đạt được cao hơn 12 triệu đồng/ha so với bón 100% phân urê thông thường.

Sử dụng các loại muối humate, đất hiếm, chất giữ ẩm, silic… có tác dụng làm cải thiện sức chịu lạnh, nóng, khô hạn, phèn, mặn, độc hữu cơ... Một số loại phân bón lá có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng, kháng sinh, vitamin, axit amin làm kích thích sự phát triển cây trồng và tăng khả năng chống sâu bệnh. Sử dụng phân bón lá đúng quy trình, giảm lượng phân hóa học bón rễ là cách tăng hiệu quả đầu tư và hạn chế tồn dư các chất độc hại đối với môi trường đất.

Thức tỉnh để thay đổi

PGS.TS Phạm Thị Vượng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật BVTV Việt Nam nói, tôi thực sự cảm thấy đau xót khi đọc loạt bài Đại ngàn Tây Nguyên & nỗi đau của đất trên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Việt Nam được mẹ thiên nhiên ban tặng nhiều loại đất nông nghiệp phù hợp để trồng và phát triển rất nhiều loại cây có giá trị, mà nhiều nước trên thế giới không có được, trong đó Tây Nguyên là một trong các khu vực được ữu đãi hơn cả. Đành rằng con người sử dụng đất trồng nông nghiệp là quyền lợi, nhưng chúng ta chỉ quan tâm đến quyền lợi mà quên mất trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ và chăm sóc nguồn tài nguyên quý giá không gì có thể so sánh được. Chính vì thế nhiều vùng đất sản xuất nông nghiệp bị suy thoái độ phì đến mức báo động trong đó Tây Nguyên là khu vực đất bị suy thoái nhiều hơn cả.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cần phải khẳng định: Không ai vô can khi đất nông nghiệp bị suy thoái nhanh và rộng cũng như tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học tràn lan như hiện nay.

Nhìn lại vấn đề ở Tây Nguyên có thể thấy một số nguyên nhân chính khiến đất trồng bị thoái hóa, đầu độc.

Trước hết đây là vùng đất rất phù hợp cho các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, các loại cây này là cây lưu niên có tuổi đời hàng chục năm tới vài chục năm, trồng chủ yếu độc canh. Nguyên thủy của đất Tây Nguyên chỉ cần rắc hạt hay cắm cây đã cho thu hoạch, tuy nhiên cũng chỉ sau 3-5 vụ canh tác, nếu không được cung cấp dinh dưỡng thì đất bắt đầu thoái hóa và năng suất cây trồng cũng giảm dần. Cùng với quá trình phát triển, nhiều diện rừng Tây Nguyên bị tàn phá và chuyển thành đất canh tác, sử dụng quá nhiều nước, nhất là nước ngầm để tưới cho cây trồng.

Khi khoa học công nghệ phát triển, các loại phân bón và thuốc BVTV hóa học ra đời, chúng ta đều sử dụng chúng để cung cấp cho cây trồng. Không thể phủ nhận nhờ thế đã thu được năng suất mùa sau cao hơn mùa trước, những năm đầu, bón càng nhiều năng suất càng cao, tuy nhiên các loại đầu vào này không hoàn trả lại đất đầy đủ những gì đất đã bị cây trồng lấy đi. Cây trồng sống trên đất sau hàng chục năm đã lấy đi của đất hết chất dinh dưỡng. Đất chỉ còn là giá đỡ cho cây còn dinh dưỡng chủ yếu được con người cung cấp. Tuy nhiên dinh ấy không đủ và không cân đối cho nhu cầu của cây, dẫn đến tình trạng cây trồng yếu, sâu bệnh hại cả trên cây lẫn dưới mặt đất ngày càng gia tăng về chủng loại và độc tính.

Khi đất nghèo độ phì, các kỹ thuật canh tác bản địa và truyền thống bị coi nhẹ và lãng quên thì sâu bệnh gia tăng. Nhiều loại thứ yếu nổi lên thành loài gây hại chính thậm chí cả ve sầu đã có năm trở thành loài sâu hại quan trọng trên cà phê, bệnh vàng lá thối rễ, tập hợp các loài rệp hại…. Lúc đó phương án mà chúng ta đưa ra là gia tăng các loại thuốc BVTV hóa học. Loại này kém thay bằng loại khác, liều lượng thấp thay bằng liều lượng cao, rồi hồn hợp nhiều loại với nhau, gia tăng số lần sử dụng… Kỹ thuật sử dụng cũng liên tục thay đổi, thậm chí còn sử dụng cả kim tiêm đẩy thuốc vào cây suốt ngày đêm như chữa trị cho người gần đất xa trời.

Một thời kỳ dài Tây Nguyên là vùng phát triển cây công nghiệp nổi tiếng của cả nước, sáng rực với các thông tin gia tăng sản lượng, thu nhập cao, nhà nhà là triệu phú, lúc đó đã có một số các nhà khoa học trong nước và quốc tế cảnh báo tình trạng độc canh, lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp, sử dụng quá nhiều nước, kể cả nước ngầm để tưới tiêu… Nhưng những cảnh báo ấy có thể chưa đủ mạnh để đưa ra cơ chế, chính sách buộc chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc đất nông nghiệp, nguồn tài nguyên quý giá và vì thế đến hôm nay thực trạng đã ở mức cực kỳ báo động như phản ánh trong loạt bài Đại ngàn Tây Nguyên & nỗi đau của đất.

Có thể nói không ai trong chúng ta vô can với thực trạng của đất trồng Tây Nguyên và tình trạng lạm dụng hóa chất trong trồng trọt của người Tây Nguyên. Chúng ta cần thức tỉnh để thay đổi hành động và trách nhiệm của chính mình.

Một nền nông nghiệp xanh có trách nhiệm, tuần hoàn theo chuỗi, có thể năng suất và sản lượng những năm đầu sẽ chưa cao, nhưng đó là giải pháp để hệ sinh thái hồi sinh, thu nhập và đời sống của người dân ổn định. Chúng ta sẽ trả lại một phần độ phì cho đất. Hành động hôm nay không chỉ cho Tây Nguyên mà cho các vùng đất nông nghiệp quý giá khác của Việt Nam.

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Cống Tam Sóc tiếp tục xảy ra sạt lở, đê sông Nhu Gia nguy hiểm

Sóc Trăng Mới đây, tại khu vực cống Tam Sóc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng xảy ra vụ sạt lở tuyến đường dài 2m dẫn lên cống, chiều ngang mặt lộ khoảng 6m.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thủ tướng kêu gọi cả nước chung tay xóa nhà tạm, dột nát trong năm 2025

Sáng 13/4, tại Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.