| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu [Bài 6]: Do hệ thống thú y bị đứt gãy

Thứ Tư 25/05/2022 , 14:13 (GMT+7)

Theo Cục Thú y, vẫn còn tình trạng vi phạm trong buôn bán thuốc thú y, đặc biệt là buôn bán thuốc thú y nhập lậu, thuốc cấm sử dụng...

Một cán bộ Phòng Quản lý thuốc thú y đang kiểm tra các lọ vacxin phòng bệnh Reovirus, trên nhãn mác in chữ Trung Quốc, không có trong danh mục được phép kinh doanh tại một cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Ảnh: Minh Phúc.

Một cán bộ Phòng Quản lý thuốc thú y đang kiểm tra các lọ vacxin phòng bệnh Reovirus, trên nhãn mác in chữ Trung Quốc, không có trong danh mục được phép kinh doanh tại một cơ sở kinh doanh thuốc thú y. Ảnh: Minh Phúc.

5 cán bộ quản lý danh mục hơn 16.300 sản phẩm vacxin, thuốc thú y

Theo Cục Thú y, hiện nay, có hơn 16.300 sản phẩm thuốc thú y đã đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Trong đó có hơn 11.800 sản phẩm thuốc sản xuất trong nước của 150 nhà sản xuất (10.051 sản phẩm thuốc thú y; 182 sản phẩm vacxin; 1.586 sản phẩm thuốc thú y thủy sản) và 4.525 sản phẩm thuốc thú y nhập khẩu. Trong danh mục thì năm 2021 có khoảng 5.000 sản phẩm sản xuất trong nước được lưu hành.

Bài liên quan

Ông Lê Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y) chia sẻ, bình quân mỗi năm có khoảng 700 - 800 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y (cho các sản phẩm mới), chưa kể phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong khi đó, việc bố trí nhân sự còn hạn chế và khó khăn khi chỉ có 5 cán bộ được phân công về công tác quản lý thuốc. Nhân sự của các Trung tâm chuyên ngành về thuốc thú y gồm Trung tâm (Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II) còn hạn hẹp.

Chúng tôi khá bất ngờ khi nhân sự của Phòng Thanh tra - Pháp chế (Cục Thú y) chỉ có vỏn vẹn 4 người. Trong khi những năm qua, Phòng là đơn vị đầu mối thực hiện công tác tham mưu xây dựng hàng chục Nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai các quy định của Luật Thú y và các nhiệm vụ khác. Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, thật khó để bấy nhiêu con người có thể đảm đương tốt chức năng thanh, kiểm tra chuyên ngành.

Ông Đỗ Huy Long - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Thú y (bên trái) đang truy vấn chủ một cửa hàng kinh doanh thuốc thú y về nguồn gốc xuất xứ các chai vacxin cúm gia cầm nghi nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Đỗ Huy Long - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Cục Thú y (bên trái) đang truy vấn chủ một cửa hàng kinh doanh thuốc thú y về nguồn gốc xuất xứ các chai vacxin cúm gia cầm nghi nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: Minh Phúc.

Ngoài những khó khăn trên, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ: “Hiện nay chúng ta cũng chưa có trại chăn nuôi động vật sạch bệnh (SPF) và chưa có các Trung tâm riêng về khảo nghiệm thuốc thú y nên khó khăn cho công tác nghiên cứu sản xuất các loại thuốc, vacxin mới, kiểm nghiệm thuốc, đặc biệt là kiểm nghiệm vacxin”.

Cục Thú y  cũng chưa được Bộ NN-PTNT bố trí nguồn kinh phí thường xuyên hằng năm cho việc lấy mẫu thuốc dược phẩm, vacxin lưu hành trên thị trường để kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc thú y.

Năm 2021, nhiều địa phương không thanh tra, kiểm tra cơ sở bán thuốc thú y

 Ở cấp Trung ương khó khăn là vậy, nhưng địa phương cũng gặp bất cập không kém. Hiện nay công tác quản lý, kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y tại địa phương do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh đảm trách. Cả nước hiện có hơn 17.700 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc thú y. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, thanh tra cơ sở buôn bán thuốc thú y lại thiếu đồng bộ và không thống nhất tại các tỉnh, thành phố. Có tỉnh giao cho Sở NN-PTNT, có tỉnh giao cho Chi cục Chăn nuôi - Thú y.

Trong khi đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y không đủ biên chế công chức nên việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, báo cáo của Cục Thú y chỉ rõ:  “Ở nhiều tỉnh, Chi cục không tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm mà chỉ tham gia đoàn kiểm tra do Thanh tra Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch đối với các cơ sở buôn bán thuốc thú y trên địa bàn tỉnh”.

Ở nhiều tỉnh, Chi cục không tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm mà chỉ tham gia đoàn kiểm tra do Thanh tra Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch. Ảnh: Minh Phúc.

Ở nhiều tỉnh, Chi cục không tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm mà chỉ tham gia đoàn kiểm tra do Thanh tra Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch. Ảnh: Minh Phúc.

Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường cũng thực hiện kiểm tra cơ sở buôn bán thuốc thú y nhưng số lượng không nhiều (5 cơ sở ở Tiền Giang). Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, trong năm 2021, do ảnh hưởng của Covid-19 nên nhiều địa phương không tiến hành thanh tra, kiểm tra (như Ninh Thuận), nếu có thì số lượng đợt thanh tra rất ít, 1-2 cuộc/năm hoặc tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành”.

Chưa kể hiện nay, một số cơ sở buôn bán thuốc thú y thực hiện các hình thức mua bán trung gian, quảng cáo trên không gian mạng, giao dịch qua thư điện tử nên khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra

Còn tình trạng buôn bán thuốc thú y nhập lậu, thuốc cấm sử dụng

Bà Thủy cũng nêu lên những tồn tại, bất cập ở địa phương khi vẫn còn tình trạng vi phạm trong buôn bán thuốc thú y, đặc biệt là vi phạm về chất lượng sản phẩm; ghi nhãn sản phẩm không đúng nội dung đã đăng ký; buôn bán thuốc thú y nhập lậu, thuốc cấm sử dụng, không có trong danh mục được phép lưu hành; bán thuốc cho đối tượng sử dụng không đúng quy định (thuốc đăng ký lưu hành dùng cho động vật trên cạn nhưng lại dán nhãn hướng dẫn sử dụng cho động vật thủy sản, bán thuốc Enrofloxacine của thuốc thú y trên cạn cho người nuôi trồng thủy sản sử dụng).

Song song với việc buôn bán thuốc thú y tại các cửa hàng, địa điểm cố định được kiểm soát, Cục Thú y cho biết vẫn còn tình trạng lực lượng tiếp thị của các công ty kinh doanh trực tiếp liên hệ với các cơ sở chăn nuôi cung cấp thuốc phòng, trị bệnh không qua quản lý của các cơ quan địa phương.

Đặc biệt, các sản phẩm hóa chất dùng trong thú y có tác dụng sát trùng, khử trùng, tiêu độc khi sản xuất phải đáp ứng điều kiện sản xuất hóa chất dùng trong thú y và đăng ký là thuốc thú y. Tuy nhiên các công ty sản xuất công bố theo tiêu chuẩn cơ sở dưới dạng các chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và gọi là thuốc thú y gây hiểu nhầm, nhầm lẫn về sản phẩm.

Thậm chí, các doanh nghiệp đang lách luật khi kinh doanh thuốc thú y ngoài danh mục, do cơ sở sản xuất ghi nhãn là thức ăn chăn nuôi và chỉ công bố tiêu chuẩn chất lượng.

Hiện nay, các thương lái khi mua cá thịt liên kết với các ao nuôi đưa trực tiếp thuốc thú y thủy sản cho hộ dân nuôi cá, nên công tác quản lý thuốc thú y cấm, thuốc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định gặp khó khăn.

---------

>> Bài 1: Tôi đi mua vacxin lậu

>> Bài 2:  Trại chăn nuôi thành 'phòng thí nghiệm' vacxin lậu

>> Bài 3: Đi tìm 'trùm' buôn vacxin, kháng sinh nguyên liệu Trung Quốc

>> Bài 4: Sử dụng kháng sinh vô tội vạ, hiểm họa cho sức khỏe con người

>> Bài 5: Shopee - 'thiên đường' mua bán vacxin thú y không phép

Đoàn kiểm tra chưa đến, cơ sở kinh doanh đã biết trước

Từ trải nghiệm thực tế, Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Thu Thủy bày tỏ quan ngại khi có tình trạng Đoàn kiểm tra đến một địa bàn ngày hôm trước thì ngày hôm sau tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc thú y tại địa bàn đó đóng cửa hết dẫn đến công tác kiểm tra rất khó khăn.

“Đây là thực trạng chung”, Bà Thủy nhấn mạnh và lấy thêm ví dụ: “Có lần tôi tham gia cùng Đoàn đi kiểm tra định kỳ trên phạm vi 3-4 tỉnh. Chẳng hạn sau khi kiểm tra ở Bắc Giang, ngày hôm sau Đoàn đến Vĩnh Phúc thì các cơ sở kinh doanh thuốc thú y ở đó đã có thông tin và hầu như kiểm tra tại địa bàn đó không phát hiện vi phạm”. Bởi vậy, muốn kết quả kiểm tra đạt hiệu quả thì thường là phải... “đánh úp”, tức là kiểm tra đột xuất.

Ông Lê Toàn Thắng cho biết, vừa rồi Cục Thú y lập 9 đoàn thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện có những sản phẩm ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, trong thành phần có chứa kháng sinh (tức là thuốc thú y) nhưng nhãn mác ghi là thức ăn chăn nuôi. Thanh tra của Chi cục nói rằng vì sản phẩm ghi là thức ăn chăn nuôi nên thẩm quyền phải là Thanh tra Sở NN-PTNT. Như vậy là hành vi lách luật của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Thắng, do hệ thống thú y bị đứt gãy nên ở nhiều địa phương công tác thanh tra được chuyển từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y lên Sở NN-PTNT. Trong khi đó, Chi cục mới nắm rõ địa hình, khi đi kiểm tra, thanh tra mới đúng, mới trúng. Đây là bất cập lớn!

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm