| Hotline: 0983.970.780

Bài học toàn diện phòng chống hạn, mặn mùa khô 2019-2020

Thứ Ba 11/02/2020 , 08:40 (GMT+7)

Tại ĐBSCL, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình nên thiệt hại đã được giảm thiểu, đời sống người dân không bị ảnh hưởng nhiều.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra cống ngăn mặn tại Sóc Trăng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra cống ngăn mặn tại Sóc Trăng.

Kiểm tra việc ứng phó với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, đánh giá: “Sóc Trăng là điển hình về khô hạn, xâm nhập mặn của 7 tỉnh ven biển trong vùng. Nhưng nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình nên thiệt hại đã được giảm thiểu, đời sống người dân không bị ảnh hưởng nhiều”.

Kiểm soát tốt xâm nhập mặn

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 ở mức sớm và nặng hơn so với TBNN. Theo đó, mức độ xâm nhập mặn tại các cửa sông ở ĐBSCL có ranh mặn 4g/lít xâm nhập sâu vào từ 40 - 55 km và xâm nhập vào sâu hơn TBNN từ 10 -15 km.

Tại Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn đến sớm hơn khoảng 1 tháng và độ mặn cao hơn TBNN về nồng độ và chiều sâu xâm nhập mặn vào nội đồng. Hiện tại độ mặn cao nhất tại trạm Trần Đề là 21 g/lít, Long Phú 16,9 g/lít, Đại Ngãi 11,3 g/lít, An Lạc Tây 7 g/lít. So với năm 2016 thì độ mặn tại Đại Ngãi cao hơn 0,3 g/lít, trong khi đó An Lạc Tây cao hơn 2,2 g/lít. Dự kiến xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng khoảng 40 - 55 km, tăng từ 10 - 15 km so với năm 2016.

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Từ cuối tháng 11/2019 đến ngày 5/2/2020, vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhật đã gặp khó khăn trong việc lấy nước ngọt bổ sung, do độ mặn tại Đại Ngãi thường xuyên vượt mức 2 g/lít. Riêng vùng dự án Kế Sách, tại An Lạc Tây vào những ngày triều cường, độ mặn cũng vượt mức 2 g/lít. Hiện nước trong các kênh bị cạn, việc vận chuyển lúa rất khó khăn, dẫn đến chi phí tăng theo”.

Cống ngăn mặn tại Long Phú, Sóc Trăng.

Cống ngăn mặn tại Long Phú, Sóc Trăng.

Trước tình tình trên và rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn lịch sừ năm 2015 -2016, tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với địa phương tăng cường công tác dự báo, quan trắc môi trường, vận hành đóng, mở cửa các cống, không để mặn xâm nhập vào nội đồng, khuyến cáo nông dân những nơi điều kiện nguồn nước ngọt khó khăn không sản xuất vụ 3

Tính đến 6/2, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống trên 197.000/330.000 ha kế hoạch và đã thu hoạch khoảng 81.000 ha, năng suất bình quân đạt 6,27 tấn/ha, sản lượng đạt 507.757 tấn.

Do tỉnh đã chủ động ứng phó ngay từ đầu nên diện tích lúa trong kế hoạch chỉ đạo xuống giống của tỉnh Sóc Trăng không bị thiệt hại. Tuy nhiên, một số hộ dân xuống giống vụ 3 không theo khuyến cáo nên có khoảng 1.000 ha bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn.

Trong thời gian tới, nếu tình hình hạn, mặn kéo dài thì diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng thêm khoảng 600 ha. Riêng cây ăn trái khoảng 4.000 ha, rau màu khoảng 1.000 ha do thiếu nước ngọt.

Về nuôi trồng thủy sản, do tình hình mặn lên cao nên các hộ nuôi tôm rất thận trọng, tập trung cải tạo ao, diện tích thả nuôi đến nay 373/73.700 ha. Trong đó, Artemia là 305 ha, cá ao mương 19 ha, tôm nước lợ 49 ha.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu cho rằng, từ đầu tỉnh đã dự báo năm nay là năm xâm nhập mặn nặng, thiếu nước ngọt. Nguyên nhân do nước sông đầu nguồn Mê Kông xuống thấp, cộng với kinh nghiệm dân gian là “năm nhuận tháng hạn”, mùa mưa ở ĐBSCL năm nay kết thúc sớm.

“Vì vậy, trong các cuộc họp với các địa phương đều có khuyến cáo, cũng như có văn bản chỉ đạo về xâm nhập mặn gay gắt ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. Đến nay, diện tích lúa của Sóc Trăng có bị thiệt hại nhưng không nhiều và đều những diện tích do nông dân sản xuất không tuân theo khuyến cáo của chính quyền địa phương. Tỉnh cũng đang tập trung giữ vườn cây ăn trái không để bị xâm nhập mặn. Vì nếu xảy ra thì thiệt thiệt hại sẽ rất lớn và thời gian khôi phục rất lâu”, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nêu quan điểm.

Bộ trưởng kiểm tra hạn mặn tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Bộ trưởng kiểm tra hạn mặn tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Tương tự, tại tỉnh Vĩnh Long, ngành chức năng cũng đang lỗ lực kiểm soát tốt tình hình xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, vùng nhiễm mặn của tỉnh gồm 4 huyện: Vũng Liêm, Trà ôn, Mang Thít và Tam Bình, với diện tích khoảng 80.000 ha. Trong đó, gần 3.000 cây lâu năm, 20.000 ha lúa, rau màu hơn 44.000 ha. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 50 ha lúa hè thu sớm bị thiệt hại do thiếu nước sản xuất… Dự báo khi mặn tăng cao, sẽ có trên 10.000 ha lúa đông xuân, gần 24.000 ha cây lâu năm bị ảnh hưởng thiếu nước tưới trong thời gian ngắn.

Không để xảy ra thiếu nước sinh hoạt

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết đợt hạn mặn năm 2015-2016, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị mất trắng, khu vực I tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm. Nhiều vùng bị thiếu nước ngọt trầm trọng, không có nước để phục vụ cho sinh hoạt.

Rút kinh nghiệm đó, năm nay tỉnh chỉ đạo xuống giống sớm trước 1 tháng, nên toàn bộ dệện tích đông xuân chính vụ là 185.000 ha hiện nay đang thu hoạch, không bị thiệt hại. Hiện hệ thống cống dưới đê 98 cái đã được gia cố, đóng đảm bảo an toàn, ngăn mặn xâm nhập tuyệt đối.

Cống Vũng Liêm ngăn mặn giúp nông dân canh tác thuận lợi.

Cống Vũng Liêm ngăn mặn giúp nông dân canh tác thuận lợi.

Về nước sinh hoạt, qua khảo sát thống kê, số hộ dân của Sóc Trăng bị ảnh hưởng khi hạn, mặn kéo dài là trên 24.000 hộ. Trước tình hình trên, tỉnh đã giao cho ngành nông nghiệp chỉ đạo mở rộng mạng cung cấp nước, khoan thêm giếng dự phòng để phục vụ cho các hộ bị ảnh hưởng, qua đó, đảm bảo cho các hộ dân không thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Ông Trần Văn Chuyện cho biết thêm: “Triển khai kịch bản ứng phó với hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt, tỉnh đã cho ứng tiền ngân sách thực hiện ngay những công trình cấp bách, khoan thêm giếng ngầm, kéo thêm đường ống ở những vùng không thể khai thác nước ngầm như huyện Trần Đề.

Ngành điện kéo thêm đường dây hạ thế, nhất là phải xuống dây 3 pha để phục vụ nhà máy nước. Đào các giếng trữ nước, nạo vét các kênh thủy lợi để tăng cường trữ nước, tăng nguồn nước ngọt phục vụ nhân cho dân”.

Bộ trưởng kiểm tra cống ngăn mặn Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Bộ trưởng kiểm tra cống ngăn mặn Vũng Liêm (Vĩnh Long).

Tỉnh Vĩnh Long, nguồn nước ngọt phục vụ cho các hộ dân đã bắt đầu bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ có 31 nhà máy, trạm cấp nước sạch cung cấp nước cho hơn 66.000 hộ dân nông thôn bị ảnh hưởng trong thời gian khoảng 10 ngày trong thời kỳ độ mặn lên cao, đóng cống ngăn mặn.

Do nguồn nước thu từ kênh, rạch bị nhiễm mặn hoặc khó khăn trong việc trữ nước ngọt nên buộc các nhà máy phải khai thác nước bị nhiễm mặn dưới 4g/lít lúc triều thấp để cấp tạm thời trong những ngày mặn lên cao.

Về giải pháp ứng phó, Trần Văn Rón - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết: “Hiện nay tỉnh thực hiện thông báo về tình hình hạn, mặn ít nhất 2 lần/ngày, qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả qua điện thoại để người dân chủ động nắm bắt, ứng phó.

Những nơi thiếu nước ngọt sinh hoạt, tỉnh sẽ thuê xà lan, xe bồn chở nước ngọt cấp cho các nhà máy nước chi nhánh Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và chi nhánh Cái Ngang, số lượng 43 chuyến/ngày, trong vòng 10-15 ngày”.

Cống Vũng Liêm đi vào hoạt động kịp thời ngăn mặn.

Cống Vũng Liêm đi vào hoạt động kịp thời ngăn mặn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, các địa phương phải làm ngay các công trình cấp nước có thể, tuyệt đối không để hộ nào thiếu nước, cần thiết dùng biện pháp cơ học, chuyển nước ngọt từ nơi khác tới. Về lâu dài thì làm các hồ nhân tạo, nạo vét kênh mương để trữ nước.

Bài học thành công

Thành công trong phòng chống hạn mặn năm nay là tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân, có giải pháp ứng phó thích ứng tốt. Bên cạnh các giải pháp ứng phó cấp bách, bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh khi hạn, mặn xâm nhập sâu thì về lâu dài, phải tổng kết, bổ sung hoàn thiệt tái cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương. Những vùng khó khăn có thể chuyển đổi, bỏ hẳn cây lúa để chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Vĩnh Long đang tập trung phát triển cây màu theo hướng thâm canh và luân canh trên đất lúa. Trong đó, xác định khoai lang là cây trồng có lợi thế, đang tập trung phát triển thành thương hiệu.

Bài liên quan

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, Vĩnh Long có 55 ngàn ha lúa đông xuân, đến nay đã thu hoạch hơn 50%, phần còn lại phải trữ nước ngọt đảm bảo cho thu hoạch.

Đối với gần 5.000 ha lúa xuân hè nối vụ, phải xây dụng lại mô hình sản xuất, sang năm sau phải chuyển qua rau màu, cây trồng cạn. Diện tích cây ăn quả lâu năm, phải tập huấn cho người dân về các giải pháp canh tác, tưới tiết kiệm. Hơn 1.700 lồng bè nuôi cá, 213 cơ sở vùng nuôi cá tra, cần quan trắc môi trường nước thường xuyên, thông báo cho dân biết để đối phó, tuyệt đối không để thiệt hại.

Còn đối đối Sóc Trăng, vùng 1.000 - 2.000 ha mà nông dân thường sản xuất tăng vụ lúa, từ năm sau sẽ sử dụng cây trồng cạn, ngắn ngày như đậu xanh, đậu phộng… Trung tâm Khuyến nông nên xây dựng các mô hình để nông dân nhân rộng ra. Tỉnh phải tập trung tổ chức thực hiện ngay vùng sản xuất lúa ST đặc sản, theo hướng hữu cơ, trước mắt là để cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá,  năm nay dự báo từ Trung ương đến địa phương đều rất sát thực tế, nhận định là hạn hán nặng và có hành động thực tế. Riêng Sóc Trăng là 1 trong 7 tỉnh ven biển điển hình về hạn mặn ở ĐBSCL, nếu không quyết liệt thì sẽ thiệt hại, ảnh hưởng rất nặng nề. Sóc Trăng và Bạc Liêu có khu vực Ninh Quới, thường xảy ra tranh chấp hạn mặn, nhưng năm nay đã có công trình cống Âu thuyền Ninh Quới điều tiết nước, phát huy hiệu quả rất cao.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Kịch bản phòng chống hạn, mặn được chuẩn bị sớm và thực hiện tốt
Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này có thể khẳng định hạn mặn năm nay diễn ra hà khắc hơn.

Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này có thể khẳng định hạn mặn năm nay diễn ra hà khắc hơn.

Với những gì đang xảy ra, đến thời điểm này có thể khẳng định hạn mặn nay diễn ra hà khắc hơn. Một là yếu tố thượng nguồn năm nay lượng mưa thiếu hụt từ 55-60%, thứ hai là mùa mưa lại kết thúc sớm hơn. Cùng với đó là vùng ĐBSCL năm 2019 mưa ít hơn và mùa lũ kết thúc sớm hơn. Các yếu tố đó cho thấy mùa khô, hạn, mặn năm nay nặng hơn và gay gắt hơn 2015 – 2016.

Từ tháng 9/2019 chúng ta đã chuẩn bị kịch bản đối phó. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì hội nghị chỉ đạo toàn vùng ĐBSCL tập trung hai nhiệm vụ chính: Một là ứng phó với sạt lở, hai là chống hạn, mặn.

Đối với vụ lúa ĐX, chủ trương của chúng ta là xuống giống sớm hơn, từ 15-25 ngày, làm sao tận dụng được nguồn nước đầu vụ và tiết kiệm nước cuối vụ. Đồng thời sử dụng các giống lúa ngắn ngày, tập trung các biện pháp canh tác tiết kiệm tài nguyên nước. Kiên quyết không bố trí vụ xuân hè khoảng 100.000 ha vào đầu tháng 1. Rà soát lại toàn bộ nguồn nước ngọt để cân đối quy mô của 7 tỉnh ven biển, làm sao để khi xảy ra mùa khô, mặn xâm nhập thì không thiếu nước ngọt.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình kiểm soát mặn, đến những tháng hạn, mặn chúng ta đã có 5/11 công trình lớn trong vùng được đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả. Đến nay chúng ta đã đi được hơn nửa chặng đường, kết quả rất tích cực, trong đó thắng lợi đầu tiên là 1,5 triệu ha lúa ĐX đã thu hoạch được 60%, thu hoạch sớm chất lượng rất tốt. Còn 40% diện tích còn lại đang trổ, chín, còn khoảng 1 tuần đến 3 tuần nữa là cho thu hoạch và kiểm tra chân ruộng vẫn còn nước. Còn lại 29.000 ha lúa xuân hè, từ nay đến cuối vụ có nguy cơ sẽ bị thiếu nước. Đây là vụ sản xuất khá bấp bênh, cần chuyển vụ hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn.

Đối với diện tích 89.000 ha cây ăn quả nếu không có quan trắc, thông báo kịp thời và không có phương án dự phòng nước ngọt, tạo lệch pha tưới cho trà này thì số diện tích trên có thể bị ảnh hưởng. Trong các đợt triều cường vừa qua, mặn xâm nhập mạnh thì hầu như không có diện tích nào bị thiệt hại.

Ngoài ra, trước tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là yếu tố thượng nguồn, quy luật dòng chảy ĐBSCL sẽ hoàn toàn khác trước nên chúng ta cần phải có phương án thích ứng. Cần có số liệu hợp tác của các nước thượng nguồn với chúng ta, thông qua ủy hội và các tổ chức khác, xử lý các số liệu này ứng dụng vào sản xuất. Rà soát lại cục diện, bố trí cơ cấu thời vụ, đối tượng sản xuất làm sao cho thực sự thuận thiên. Kết hợp giữa giải pháp công trình và giải pháp mềm. Cuối cùng là nâng cao ý thức của người dân, chính quyền các cấp trước những tác động biến đổi khí hậu. 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Nhiều công trình thủy lợi trọng điểm đã phát huy tác dụng
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Nhiều công trình thuỷ lợi trọng điểm đã phát huy hiệu quả chống mặn kịp thời tại ĐBSCL.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Nhiều công trình thuỷ lợi trọng điểm đã phát huy hiệu quả chống mặn kịp thời tại ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: “Bộ NN-PTNT đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi trọng điểm để thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL. Đặc biệt là mùa khô 2019 - 2020 được dự báo hết sức gay gắt, khó dự đoán, riêng 11 dự án lớn mà Bộ đang triển khai tại đây, có 5 dự án hoàn thành vượt tiến độ từ 6 - 15 tháng, đưa vào vận hành phát huy tác dụng, điều tiết mặn, ngọt hiệu quả, giảm thiểu được thiệt hại. Điển hình như công trình cống Âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu), trạm bơm Sơn Hòa (Tiền Giang).

Trong 5 dự án, gồm có 28 cống đã được đưa vào sử dụng đảm bảo kiểm soát được cho khoảng gần 400.000 ha không bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Trong đó, vùng ảnh hưởng trực tiếp là 83.000 ha, vùng cung cấp nước ngọt để tạo nguồn là 300.000 ha. Còn lại 6 công trình lớn, đặc biệt là dự án Cái Lớn - Cái Bé, nếu hoàn thành hết thì tổng số 11 công trình sẽ đảm bảo kiểm soát được khoảng 1 triệu ha không bị ảnh hưởng.

 Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN-PTNT tiếp tục nghiên cứu đặc thù các tỉnh, trong đó ưu tiên cho các vùng ven biển làm thế nào để ngăn mặn, khi độ mặn lên có thể điều hòa được mặn, ngọt, chủ động cho sản xuất tại ĐBSCL.

Nhận định về tình hình hạn, mặn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, ngay từ tháng 8/2019, Bộ NN-PTNT đã dự đoán tình hình hạn mặn năm nay bằng hoặc cao hơn so với hạn mặn đỉnh điểm 2015 - 2016. Đến nay cho thấy dự báo hoàn toàn đúng. Hiện tại độ mặn 1- 2%o đã xâm nhập sâu hơn 2015 - 2016 rất nhiều, do triều cường cao cộng thêm gió mùa.

Tuy nhiên, qua một nửa chặng đường mùa hạn mặn, thiệt hại đã giảm thiểu mức tối đa, nếu như năm 2015 - 2016 diện tích lúa bị thiệt hại vào khoảng 405.000 ha, và 500.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, thì năm 2019 - 2020 đến nay diện tích lúa bị thiệt hại đáng kể chỉ khoảng 23.800 ha (trên 10.000 ha vụ mùa và 13.000 ha lúa đông xuân), trong đó thiệt hại nặng trên 70% chỉ trên 1.000 ha lúa đông xuân; 79.000 hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng nước sinh hoạt, tuy nhiên sẽ được đảm bảo không có hộ dân nào thiếu nước trong mùa khô.

Dự báo chính xác tình hình
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Các cơ quan dự báo đã dự báo rất tốt và chính xác về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong năm 2019 - 2020

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Các cơ quan dự báo đã dự báo rất tốt và chính xác về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong năm 2019 - 2020

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, năm nay, các cơ quan dự báo đã dự báo rất tốt và chính xác về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong năm 2019 - 2020.

Từ tháng 9/2019, công tác phòng, chống mặn được cơ quan chức năng triển khai kịp thời đến với nông dân, nhờ đó nhiều địa phương đã chuyển đổi thời vụ sản xuất. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo triển khai sớm từ vụ TĐ, vì nếu muốn vụ ĐX xuống giống sớm thì vụ TĐ phải kết thúc sớm.

Đối với những vùng có nguy cơ mặn xâm nhập, nếu xuống giống vụ TĐ trễ thì khuyến cáo nông dân giảm diện tích xuống giống, để chuyển sang vụ ĐX, vì vụ này sẽ cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn, chi phí sản xuất thấp và ít bị rủi ro.

Đối vụ lúa ĐX tại các vùng ven biển, nếu chúng ta bố trí thời vụ sớm hơn, khi cây lúa trổ thì chỉ cần đóng các cống, lúa vẫn không bị ảnh hưởng.

  • Tags:
Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.