| Hotline: 0983.970.780

Bài học từ sự lụi tàn của 'thủ phủ' cam Quỳ Hợp

Thứ Tư 21/12/2022 , 09:05 (GMT+7)

NGHỆ AN Quỳ Hợp từng được mệnh danh là 'thủ phủ' cam Vinh xứ Nghệ với diện tích từng xấp xỉ 3.000ha, chiếm trên 50% tổng diện tích cam cả tỉnh, nhưng nay chỉ còn khoảng 200ha...

Những ngày cuối năm của những năm 2020 về trước, "thủ phủ" cam Quỳ Hợp nhộn nhịp cảnh kẻ mua, người bán. Bây giờ cũng trên những cánh đồng cam ấy, đã được thay bằng những cánh đồng mía, ngô, rau màu các loại, hiện đang vào mùa thu hoạch.

Vì đâu nhanh chóng lụi tàn?

Ông Lê Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (thuộc huyện Quỳ Hợp) cho biết, từ năm 2020 trở về trước, Công ty có diện tích cam gần 800ha, chiếm gần 30% tổng diện tích cam cả huyện Quỳ Hợp, năng suất cam đạt từ 160 – 200 tạ/ha, sản lượng năm cao nhất đạt từ 11 – 12 ngàn tấn, rất nhiều gia đình công nhân của Công ty trở giàu lên nhờ cam.

Tuy nhiên 2 năm gần đây, diện tích cam đã giảm mạnh do nhiễm bệnh vàng lá thối rễ và bệnh vàng lá bã chè (greening), quả cam nhỏ lại, rụng nhiều, chất lượng kém... Hiện diện tích cam của Công ty chỉ còn lại khoảng 30ha đang được chăm sóc, nhưng xem ra cũng không khấm khá gì so với trước đây.

Rất nhiều diện tích cam bị sâu bệnh đã bị người dân quỳ Hợp chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác.

Rất nhiều diện tích cam bị sâu bệnh đã bị người dân Quỳ Hợp chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Ảnh: BNA.

Ghé thăm vườn cam của gia đình bà Nguyễn Thị Hiên ở xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp), vườn cam khá rộng, có rất nhiều cây đã chặt bỏ, số còn lại khoảng hơn 100 cây, đa phần còi cọc, thấy không có triển vọng nên gia đình bà Hiên không buồn đầu tư chăm sóc. Sang đầu năm tới, gia đình bà Hiên cho biết sẽ chặt phá hết để trồng mía hoặc ngô, sau 2 – 3 năm nữa sẽ tiếp tục trồng lại cam.

Từ một vùng cam lớn, mang lại niềm hi vọng làm giàu lâu bền cho bà con, nhưng rồi vùng cam Qùy Hợp lại bị lụi tàn nhanh chóng cả về quy mô diện tích và chất lượng quả. Là người thường xuyên theo dõi và đã nhiều lần đi đến vùng cam này, tôi thấy có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả nói trên:

Thứ nhất: Không kể những vườn cam đã trồng trên dưới 12 – 13 năm, có rất nhiều vườn cam mới trồng được 5 – 7 năm, thậm chí có vườn mới trồng 2 – 3 năm chưa cho thu hoạch đã bị bệnh vàng lá, thối rễ, tàn lụi dần. Những năm trước đây khi cam được mùa, được giá, cho thu nhập cao, dễ làm giàu nên nhà nhà đua nhau trồng cam và giống cam được mua để trồng hầu hết là giống mua ở thị trường tự do, không có nguồn gốc, không có lý lịch rõ ràng.

Phần lớn giống cây cam đang bán trên thị trường Nghệ An là do các cơ sở tư nhân tự lấy mắt ghép ở cây cam ghép lên cây trấp để sản xuất giống bằng phương pháp lai vô tính và bán ra thị trường kiếm lãi. Chủ các cơ sở này khi lấy mắt ghép ở cây cam đã không biết và cũng không cần biết cây cam đó có bị bệnh hay không. Vì thế, vô tình chính những cây cam giống này là đối tượng truyền bệnh cho cả vườn cam mới trồng và lan ra cả những vườn cam khác trên quy mô ngày càng rộng lớn đến mức độ không thể khôi phục được, đành phải chặt phá bỏ như hiện nay.

bam_canh_tao_tan_cho_cay_cam_anh_tien_dong_4848745_1522022

Những vườn cam lụi tàn do bị "bệnh nan y", vô phương cứu chữa. Ảnh: BNA.

Thứ hai: Việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống sâu bệnh cho cây cam theo quy trình hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV trong suốt thời gian sinh trưởng và phát triển không được áp dụng thực hiện nghiêm túc từ khâu chọn cây giống, vệ sinh đồng ruộng, trồng, chăm sóc, phát hiện sâu bệnh và cách phòng trừ, nhất là hai loại bệnh nguy hiểm đang phổ biến trên cây cam hiện nay ở vùng Quỳ Hợp, đó là bệnh vàng lá bã chè (Greening) và bệnh vàng lá thối rễ, rụng quả do nấm gây ra.

Trong công tác phòng chống sâu bệnh cho cây cam nói riêng, cây có múi nói chung phải thực hiện đồng loạt mới có hiệu quả. Nếu nhà vườn này làm, nhà vườn kia không làm thì không thể ngăn ngừa và phòng chống sâu bệnh có hiệu quả ở cây có múi.

Nhiều vườn cam thời gian cho thu hoạch quả kéo dài 12 - 13 năm trở lên, cây cam già yếu, lại không được đầu tư chăm sóc đầy đủ, nhất là việc sử dụng nhiều các loại phân hóa học, ít hoặc không sử dụng phân hữu cơ khiến cây cam tàn lụi nhanh hơn và đất trồng cũng mau cằn cỗi, bạc màu.

Vì vậy, khi cây cam đã già yếu, khả năng sinh trưởng, phát triển kém, khả năng phòng chống sâu bệnh giảm, khả năng cho quả giảm mạnh thì phải luân canh thay thế cây trồng khác như mía, ngô, rau màu... để cải tạo đất trong khoảng thời gian từ 2 – 3 năm, sau đó lại tiếp tục trồng cam. Nhưng việc này chưa được nông dân quan tâm thực hiện và chỉ khi thấy vườn cam tàn lụi dần, không thể tiếp tục chăm sóc được nữa như hiện nay thì buộc phải chặt phá để trồng cây khác.

5 giải pháp để cây cam phát triển lâu bền

Không thể để cho thủ phủ cam Quỳ Hợp nói riêng và cả diện tích cam xứ Nghệ nói chung giảm dần cả về diện tích và chất lượng do chất lượng giống kém, sâu bệnh phá hoại nhiều và quy trình thâm canh, luân canh chưa được thực hiện tốt. Đặc biệt, năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt “Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030”.

Công tác quản lý giống không được chú trọng siết chặt là một trong những nguyên nhân khiến vùng cam quỳ Hợp mau chóng lụi tàn. Ảnh: BNA.

Công tác quản lý giống không được chú trọng siết chặt là một trong những nguyên nhân khiến vùng cam Quỳ Hợp mau chóng lụi tàn. Ảnh: BNA.

Trong đề án này, riêng cây cam phấn đấu năm 2025 có 6.100ha, năm 2030 có 8.645ha. Trong đó, tập trung phát triển chủ yếu ở các địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam Vinh ở Quỳ Hợp 2.595ha, Nghĩa Đàn 1.050ha, Thanh Chương 750ha, Con Cuông 1.120ha, Anh Sơn 550ha, Tân Kỳ 400ha, Yên Thành 700ha, Nghi Lộc 300ha, Nam Đàn 250ha... Để đề án thực hiện có hiệu quả, cây cam phát triển lâu bền, thiết nghĩa UBND tỉnh Nghệ An cùng các địa phương cần tổ chức chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

Một: Tỉnh phải xây dựng 1 – 2 cơ sở có đủ điều kiện về đất đai, cán bộ kỹ thuật, cơ sở vật chất cần thiết, nguồn tài chính... chuyên sản xuất, nhân giống cây ăn quả nói chung, cây cam nói riêng trên quy mô lớn để cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng phục vụ theo yêu cầu sản xuất.

Hai: Ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống huyện, thị, phường, xã cần quản lý tốt thị trường giống cây ăn quả, nhất là giống cam, quýt, bưởi. Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất giống tự do, không đảm bảo quy trình sản xuất giống theo quy định của Luật Trồng trọt và chưa được cơ quan có thẩm quyền thuộc Sở NN-PTNT cấp giấy phép hành nghề.

Ba: Những vườn cam đã già, có thời gian cho thu hoạch quả kéo dài từ 12 - 13 năm trở lên, nhiều cây đã già, cây còi cọc, sâu bệnh nhiều, quả ít, quả nhỏ... thì nên chặt bỏ. Sau đó, tiến hành vệ sinh đất đai, thu gom hết tàn dư cây trồng cũ, bón vôi và luân canh cây trồng khác như mía, ngô, rau màu các loại ít nhất 2 năm, sau đó mới trồng lại cam.

Sâu bệnh, cộng với thời tiết bất lợi nên có năm vùng cam quỳ Hợp bị rụng la liệt, đổ bỏ đầy đường.

Sâu bệnh, cộng với thời tiết bất lợi nên có năm vùng cam Quỳ Hợp bị rụng la liệt, đổ bỏ đầy đường. Ảnh: VNE.

Bốn: Tất cả mọi vườn cam phải có hệ thống mương tiêu thoát nước khi có mưa to, mưa kéo dài, nhất là các vườn cam ở dưới chân núi cao càng phải có hệ thống tiêu thoát nhanh.

Những vườn cam trồng mới, cố gắng trồng bằng cây giống được lấy mắt ghép từ cây giống được nhân ra từ cây giống đầu dòng, cây khỏe, cây sạch sâu bệnh và có lý lịch, địa chỉ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền (Sở NN-PTNT) đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng để làm giống.

Cam là cây trồng dài ngày, sau trồng 3 – 4 năm có thể cho thu hoạch quả. Thời gian thu hoạch quả kéo dài trên 10 năm, tùy đất tốt, xấu và mức độ đầu tư thâm canh cao hay thấp. Hiệu quả kinh tế do cây cam đem lại cao hơn so với nhiều cây ăn quả khác, thời gian cho thu hoạch kéo dài thì lợi nhuận càng cao.

Năm: Muốn kéo dài thời gian thời gian thu hoạch, phải đầu tư thâm canh cao ngay từ khi trồng bằng việc bón vôi vệ sinh đất trồng, bón lót càng nhiều các loại phân hữu cơ càng tốt và hàng năm trước các mùa xuân, thu đông, bón thúc đều đặn cho cây bằng các loại phân kết hợp giữa phân hữu cơ và phân NPK loại dùng cho cây ăn quả.

Ngoài ra, phải thường xuyên quan sát, kiểm tra tận từng cây cam để phát hiện có loại sâu bệnh gì xuất hiện thì phòng trừ ngay. Trường hợp gặp năm nắng hạn kéo dài, cần cố gắng vừa tưới nước, vừa tấp phủ kín gốc bằng rơm rạ, lá cỏ khô...

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất