| Hotline: 0983.970.780

Đoạn kết buồn của vùng cam Phủ Quỳ

Thứ Sáu 04/03/2022 , 18:07 (GMT+7)

NGHỆ AN Khắp nơi ở 'thủ phủ' cam Vinh đất Phủ Quỳ, những vườn cam xác xơ, tàn lụi, nhiều nông dân trắng tay. Công ty Nông nghiệp Xuân Thành đình chỉ tất cả việc trồng cam.

Năm nay, quýt PQ giá rẻ, bán không đủ trả công cho người thu hái. Ảnh: Hồ Quang.

Năm nay, quýt PQ giá rẻ, bán không đủ trả công cho người thu hái. Ảnh: Hồ Quang.

Cây cam đã được trồng từ rất lâu trên nhiều vùng đất ở Nghệ An. Nguồn giống bao gồm nhiều loại, tuy nhiên chỉ có 3 giống cam đạt được chất lượng cao.

Cam Vinh một thời vang bóng

Ngày 31/5/2007, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp văn bằng Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho cam Vinh, bao gồm cam Xã Đoài, cam Vân Du và cam Sông Con nằm trong khu vực địa lý gồm 12 xã ở 5 huyện: Nghi Diên, Nghi Hoa (Nghi Lộc); Hưng Trung (Hưng Nguyên); Nghĩa Bình, Nghĩa Hiếu, Nghĩa Hồng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn); Tân Long, Tân An, Tân Phú (Tân Kỳ) và Minh Hợp (Quỳ Hợp).

Sau này, Cam V2 cũng đã được bổ sung vào, và khu vực chỉ dẫn địa lý được mở rộng thêm 63 xã thuộc 11 huyện.

Công ty Nông nghiệp Xuân Thành ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) được coi là thủ phủ cam Vinh. Ở đây lúc đó đã có gần 1.000ha cam. Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cam Vinh được trao tại Công ty, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vinh cũng được thành lập tại đây.

Cũng từ ngày được cấp Chỉ dẫn địa lý, lại được đầu tư rất bài bản nên thủ phủ cam Vinh càng ngày càng phát triển. Một chuỗi liên kết giữa "3 nhà" đã được hình thành rất chặt chẽ. Nhà khoa học tăng cường cung cấp giống, phân bón, thuốc BVTV và kỹ thuật chăm bón rất chuẩn mực. Nhà đầu tư bao gồm Công ty, nông hộ nhận khoán đã bỏ công sức và tiền của vào đất một cách hồ hởi, bởi tương lai rất sán lạn. Còn các nhà kinh doanh thì cứ đến mỗi vụ cam bắt đầu chín là họ mang tiền đến đặt cọc, để đăng ký với các nông hộ mua hết cả lô vườn.

Những vườn cam thoái hóa cần phá bỏ, chuyển đổi cây trồng để cải tạo đất. Ảnh: Hồ Quang.

Những vườn cam thoái hóa cần phá bỏ, chuyển đổi cây trồng để cải tạo đất. Ảnh: Hồ Quang.

Từ năm 2010 đến 2014, cam Vinh ở Công ty Nông nghiệp Xuân Thành đã nức tiếng khắp cả nước về chất lượng. Vào vụ cam chín, xe ô tô từ trong Nam, ngoài Bắc cứ nườm nượp đổ dồn về Xuân Thành để nhận hàng. Lúc đó Công ty còn thành lập nhiều điểm giới thiệu sản phẩm cam Vinh tại TP Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội… 

Phản ánh về sự giàu có của Công ty và tất cả các nông hộ trồng cam ở thủ phủ cam Vinh, ngày 2/12/2014, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có phóng sự: “Công ty nông nghiệp toàn hộ tỷ phú”. Lúc ấy Công ty có 680 nông hộ, nhận khoán trồng 730 ha cam. Mỗi ha thu hoạch có lãi ròng từ 800 đến 1 tỷ đồng.

Thế rồi cũng từ đây, cả vùng Phủ Quỳ, các xã, các huyện khuyến cáo nông dân nhân rộng các mô hình trồng cam, hàng trăm hộ gia đình đã chặt hạ hàng loạt cây trồng khác rồi vay tiền ngân hàng để khép kín đất bằng cây cam.

Thủ phủ cam bên bờ phá sản

Qua khảo sát thực tế ở vùng đất Phủ Quỳ, từ Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, chúng tôi thấy hầu hết những vườn cam từ nhỏ lẻ đến các trang trại lớn đều có chung hình ảnh cây khẳng khiu, vàng lá, èo uột. Có nhiều vườn cam tuy có quả, nhưng chủ nhân không thèm thu hoạch, bởi giá rẻ như bèo.

Quýt PQ cũng vậy, như mọi năm vào thời gian giáp Tết và ra hết tháng Giêng, giá bán từ 20 - 40 ngàn đồng/kg. Thế nhưng nay chỉ được 5 - 7 ngàn đồng/kg. Vậy là không đủ tiền để trả cho người thu hái. Hệ quả của sự nhân rộng mô hình một cách ồ ạt, thiếu sự kiểm soát về giống, tùy tiện các hình thức đầu tư, chăm sóc, đã đẩy tất cả các vườn cam ở Phủ Qùy đi đến bờ phá sản.

Những vườn cam trơ gốc, chỉ biết giam giữ đất. Ảnh: Hồ Quang.

Những vườn cam trơ gốc, chỉ biết giam giữ đất. Ảnh: Hồ Quang.

Chúng tôi đến Công ty Nông nghiệp Xuân Thành để tìm hiểu thêm về sự thoái hóa của cây cam. Ông Lê Viết Minh, Giám đốc Công ty bảo: Phải chuyển đổi, chuyển đổi cây trồng khác để cải tạo đất, chứ không thể trồng cam trên đất đã bị nhiễm sâu bệnh nặng. Kể từ năm 2015 cho đến nay, tất cả các hộ trồng cam ở Công ty và xã Minh Hợp đã hoàn toàn thất bại.

Có nhiều hộ đã bỏ ra tiền tỷ và hàng chục tỷ đồng để trồng như ông Nguyễn Giang Hoài 14ha, ông Trần Đức Quyền 9,9 ha, Hoàng Thanh Sơn 2,8 ha… Kết quả đến nay cam chỉ còn trơ lại gốc. Cùng chung số phận, ở Công ty đã có hàng trăm nông hộ (mỗi hộ trồng từ 0,5 – 2 ha) nhưng đến nay cũng đã thất bại trắng tay.

Đình chỉ tất cả những hộ trồng cam

Phân tích về sự thất bại thảm hại này, ông Minh nhấn mạnh: Sở dĩ cam non ở Công ty ngày càng héo queo trơ gốc, còn cam kinh doanh thì quả chín quả xanh rụng đầy xung quanh gốc là do bệnh vàng lá gân xanh (Greening) hoành hành. Bệnh này làm cho quả cam nhỏ, lại méo mó, hạt trong quả bị thối.

Khi cây bị nhiễm bệnh, bộ rễ của chúng cũng bị hỏng, nhổ cây cam lên thấy tất cả các rễ tơ tàn lụi, còn rễ chính thì bị thối. Môi giới truyền bệnh lây lan nhanh cho cả vườn cam là do sự phát triển của rầy chổng cánh.

Cây chè đã được thay thế trên những vườn cam đã phá bỏ ở Công ty Nông nghiệp Xuân Thành. Ảnh: Hồ Quang.

Cây chè đã được thay thế trên những vườn cam đã phá bỏ ở Công ty Nông nghiệp Xuân Thành. Ảnh: Hồ Quang.

"Đã có nhiều đoàn cán bộ khoa học về đây nghiên cứu, xác định nguyên nhân tàn phá cây cam (vàng lá, thối rễ) là do nấm Fusarium và Phytophthora gây ra. Họ cũng đã khuyến cáo nông hộ sử dụng thuốc BVTV thế hệ mới để phòng trừ. Tuy nhiên cho đến nay chúng tôi khẳng định là chưa có thuốc đặc trị sâu bệnh hại trên cây cam ở Phủ Quỳ", ông Lê Viết Minh khẳng định.

Để cứu vãn tình thế, kịp thời ngăn chặn những hộ có tư tưởng tiếp tục trồng cam, ngay từ đầu năm 2019, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Xuân Thành đã ra thông báo gửi tới những hộ nhận khoán, phải đình chỉ tất cả việc trồng cam để cải tạo đất. Những vườn cam già cỗi, nhất thiết phải phá bỏ. Và mỗi năm phải phá bỏ từ 100 ha cam trở lên để chuyển đổi cây trồng. Tính đến nay, Công ty đã phá bỏ hơn 700 ha cam các loại để trồng mía, đậu, lạc và phát triển vùng chè.

Theo kế hoạch, kể từ cuối năm 2021 cho đến 2025, Công ty Nông nghiệp Xuân Thành sẽ trồng đến 400 ha chè. Chè PH8 là nguồn giống cao sản do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc) cung cấp. Qúa trình thực hiện, những nông hộ đăng ký trồng 1 ha chè sẽ được Công ty cấp 3 sào đất (500m2/sào) để trồng cỏ nuôi bò.

Cây chè ở đây được canh tác theo phương thức hữu cơ, sạch bệnh, không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV, mà chỉ bón phân chuồng, phân xanh và luôn được tưới bằng nước sạch. Và cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, Công ty sẽ tiến hành xây dựng một nhà máy chế biến chè hiện đại, để đảm bảo bao tiêu hết nguyên liệu chè trong toàn vùng.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.