Nhằm gia tăng giá trị thu nhập cho các nhà vườn trồng cây ăn quả có múi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án “Xây dựng và phát triển mô hình thâm canh cam, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm cam Hưng Yên”. Tổng diện tích tham gia mô hình 30ha cam vinh và cam đường canh đang cho khai thác kinh doanh tại một số địa phương trồng cam trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Bí quyết giữ lâu được quả trên cây
Ông Nguyễn Quang Khánh, Trưởng phòng Chuyển giao khoa học kỹ thuật - Thông tin tuyên truyền, tập huấn và đào tạo (Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên) cho biết, đơn vị ông được giao tổ chức thực hiện mô hình, đến nay đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu dự án đề ra.
So với đối chứng là các vườn cam trồng bên ngoài, cam trong mô hình sinh trưởng, phát triển cân đối hơn, ít sâu bệnh hại hơn, đặc biệt là không bị nhiễm virus greening (bệnh vàng lá gân xanh). Chất lượng cam thơm ngon hơn rất đáng kể, năng suất trung bình đạt 25,2 tấn quả/ha, lợi nhuận tăng thêm khoảng 60 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Bính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Đa (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) cho biết: Năm nay HTX có 10ha cam trong mô hình khuyến nông, cầm chắc sẽ cho giá trị thu hoạch rất cao, doanh thu dự kiến ước đạt 1,1 tỷ đồng/ha, hiệu quả sản xuất cao hơn đối chứng khoảng 300 triệu đồng cho mỗi ha.
Giống cam tại HTX tham gia mô hình là cam Vinh lòng vàng thơm ngon có tiếng. Thay vì bón đạm đơn và NPK, HTX chỉ bón hạt đậu tương nghiền nhỏ và phụ phẩm thủy sản ngâm ủ với lân supe. Đồng thời giữ quả trên cây tới giáp Tết Nguyên đán mới bán.
“Giá cam Tết bao giờ cũng được giá từ 40.000 đồng/kg trở lên, trong khi nếu bán sớm ở đầu vụ (tháng 10 - 11) giá chỉ loanh quanh 20.000 đ/kg. Nhưng muốn neo được quả lâu trên cây, kéo dài thời gian thu hoạch, cam phải được chăm bón bằng các loại phân có nguồn gốc hữu cơ hoặc hữu cơ vi sinh”, ông Bính bật mí.
Ông Phạm Văn Vinh ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) phấn khởi cho biết, ông tham gia mô hình khuyến nông với diện tích 1ha cam, năng suất quả năm nay ước đạt 27 tấn, cao hơn năng suất cam trồng ngoài mô hình nói chung khoảng 5 tấn/ha. Chất lượng cam ngon, ngọt hơn, tỷ lệ quả loại 1 đạt gần tuyệt đối. Theo đó, thu nhập/ha chắc chắn sẽ cao hơn đối chứng từ 70 triệu đồng trở lên.
“Còn gần 1 tháng nữa mới vào mùa thu hoạch rộ cam, nhưng cam trong mô hình khuyến nông của gia đình tôi đã thơm ngọt, mọng nước, vì ngoài được hỗ trợ lân và NPK, tôi còn mua thêm phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm bón cho cam thay cho đạm Urê”, ông Vinh hài lòng cho biết.
Khảo sát thêm mô hình cam khuyến nông trên địa bàn các xã Đồng Thanh (Kim Động), Tam Đa (Phù Cừ) và Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) đều cho kết quả tương tự. Cùng với đó, các nhà nông còn bày tỏ mong muốn được khuyến nông mở rộng mô hình trong các năm tiếp theo.
Giải pháp thâm canh cam bền vững
Bà Nguyễn Phương Huế, Phó phòng Chuyển giao Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên) khuyến cáo, để vườn cam đạt hiệu quả cao như những mô hình nói trên, nhà nông cần chọn ruộng có tầng canh tác dày, tiêu thoát nước tốt, mực nước ngầm thấp dưới 0,8m, pH đất từ 5,5 - 6,5.
Mật độ trồng 600 - 620 cây/ha, khoảng cách trồng 4 x 4m. Tốt nhất trồng bằng giống chiết cành để nhanh cho khai thác quả kinh doanh, dễ chọn được nguồn giống không bị bệnh vàng lá gân xanh. Chỉ nên khai thác quả kinh doanh khoảng 7 - 8 năm, sau đó chuyển đổi trồng cam sang các chân ruộng đất mới.
Phân bón, tùy theo tuổi cây, thực tế sinh trưởng của cây và lượng quả lấy đi trên cây vụ kế trước để chăm bón cho phù hợp. Chú ý bón cân đối NPK với phân hữu cơ vi sinh giúp cây sinh trưởng cân đối, giảm phát sinh các bệnh hại nguy hiểm.
Cắt tỉa được ví như cam được bón thêm phân, giúp trẻ hóa tuổi sinh lý cây, tránh tiêu hao dinh dưỡng không đáng có. Tiến hành cắt tỉa ngay sau kết thúc thu hoạch quả trên cây, bấm bỏ ngọn cành mẹ, tỉa hết các cành vừa mang quả, cành sâu bệnh, cành vô hiệu hoặc không phù hợp. Thường xuyên cắt bỏ những cành mọc thẳng, cành mọc đâm vào tán, cành mọc song song, xen kẹp và mọc quá dày…
Với những cây bị khuyết tán, có thể tận dụng cành vượt để tạo cành mới lấp khoảng khuyết trống, có thể không cắt sát gốc cành vượt, sau phát sinh các chồi quanh vết cắt, chọn để lại chồi khỏe, đúng hướng lấp khoảng trống hoặc cắt cành vượt ngay vị trí trên lá (càng sát gốc càng tốt) và có hướng mọc về khoảng trống của tán cây.
Tỉa cành, tạo tán theo nguyên tắc "từ trên xuống dưới, ngoài tán vào trong”. Nên định dạng tán cây từ trước khi tỉa cành. Tỉa quả, cắt bỏ sớm những quả dị hình, quả nhỏ, quả ở vị trí không thuận lợi hoặc mọc quá dày trong chùm.
Thường xuyên làm sạch cỏ vườn nhưng không được phun thuốc trừ cỏ; tùy thuộc vào thời kỳ sinh trưởng của cây để tưới nước hợp lý, hạn chế tưới ở thời kỳ cây phân hóa mầm hoa, tưới đủ ẩm thời kỳ cây ra hoa, tưới đủ nước thời kỳ quả phát triển.
Trên cây cam, bệnh vàng lá greening và ruồi vàng hại quả là khó phòng trị. Để phòng bệnh greening, cần chọn giống sạch bệnh, tiêu hủy kịp thời những cây bị bệnh, trừ sớm rầy chổng cánh bằng một trong các thuốc Confidor 700WP, Alika 247SE, Regent 800WG, Dylan 2EC vào thời kỳ cây nhú lộc non dài 2 - 3cm.
Ruồi vàng hại quả thường xuất hiện từ tháng 7 trở đi, mật độ ruồi cao nhất vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Dùng bả Feromol Fly kill treo lên cây bắt trưởng thành hoặc phun các phân bón lá có chứa tinh dầu thảo mộc, xua đuổi ruồi vàng.