| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện hỏa táng, xây nhà để tro cốt ở Hà Nội

Bài I. Cách làm hay nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm các khía cạnh

Thứ Năm 10/12/2020 , 21:16 (GMT+7)

Tang văn minh chính là góp phần dựng xây nông thôn mới nhưng nó lại khó thực hiện bởi đụng chạm đến phong tục, tập quán đã ăn sâu bén rễ cả ngàn đời nay…

Một cách làm hay ở huyện Đan Phượng có thể làm gương không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nhưng cũng còn không ít bài học được rút ra từ thực tế vô cùng sinh động để cuộc vận động này đi vào cuộc sống tốt hơn, được người dân chấp nhận nhiều hơn.

Vào cuộc từ khá sớm trong việc thực hiện tang văn minh, ngay từ năm 2010, UBND thành phố Hà Nội đã đóng cửa khu địa táng lớn nhất là Văn Điển sau hơn nửa thế kỷ hoạt động để chuyển đổi sang mô hình nghĩa trang kết hợp giữa hỏa táng và lưu trữ tro cốt đồng thời ban hành Quyết định số 28 quy định về chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng.

Theo đó, thành phố hỗ trợ chi phí hỏa táng ở mức 3 triệu đồng/trường hợp và hỗ trợ chi phí vận chuyển 1 triệu đồng (khu vực ngoại thành); 500 ngàn đồng (khu vực nội thành). Hơn nữa, người nghèo, đối tượng chính sách xã hội khi mất còn được hỗ trợ quan tài, đồ khâm liệm…

Ở giai đoạn 5 năm thực hiện đầu tiên, việc chi trả tiền hỗ trợ hỏa táng của Hà Nội cho thân nhân gia đình còn phức tạp về thủ tục hồ sơ, giấy tờ khiến tốn nhiều thời gian chờ đợi. Các chính quyền cơ sở cũng như cơ quan ban ngành liên quan còn bị động, chưa kết nối với nhau nhịp nhàng. Thấy được sự bất cập đó, thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc hỗ trợ khuyến khích hỏa táng.

Thay vì người dân phải tự đi làm các giấy tờ, trải qua nhiều cấp, ngành thì họ được bù trừ trực tiếp với quy trình chỉ có một đầu mối thanh toán là Ban phục vụ lễ tang Hà Nội. Nhờ đó mà chính sách này đã được người dân Thủ đô ủng hộ, dần thay thế hình thức hung táng truyền thống là chôn xuống đất 3-4 năm lại bốc lên, lấy xương cho vào tiểu rồi chôn tiếp, vừa tốn kém, ô nhiễm môi trường vừa có nguy cơ lây lan các dịch bệnh cho người tiếp xúc.

Thắp hương cho người đã khuất tại nhà để tro cốt của xã Liên Trung huyện Đan Phượng. Ảnh: NNVN.

Thắp hương cho người đã khuất tại nhà để tro cốt của xã Liên Trung huyện Đan Phượng. Ảnh: NNVN.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ ca sử dụng hình thức hỏa táng trong tang lễ tăng dần đều theo thời gian, từ 18,5% năm 2010 lên xung quanh 60% ở hiện tại, tức hơn 2 lần so với đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng của Chính phủ. Cụ thể, tỷ lệ hỏa táng ở các quận nội thành trên 70%, các huyện ngoại thành xấp xỉ 50% và Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến giai đoạn 2020-2025 tỷ lệ hỏa táng sẽ đạt tỷ lệ xung quanh 65%.

Năm 2010, Đan Phượng còn ở trong top dưới của Hà Nội về tỷ lệ hỏa táng khi chỉ đạt dưới 5% thì hiện đã giờ đã lên 55 %. Việc đưa người chết đi hỏa táng đã là một việc tốt nhưng mới chỉ là nửa vời bởi chỉ rút ngắn quãng thời gian 3 năm nằm dưới mộ, đỡ tốn kém về tiền bạc, đỡ phải tiếp xúc với môi trường độc hại nhiều vi khuẩn khi hung táng rồi bốc mả nhưng vẫn chưa tiết kiệm đất khi đem tro về vẫn bỏ vào tiểu, vẫn chôn như cũ.

Đặc thù của huyện Đan Phượng là đất rất chật, người dân rất đông (tổng diện tích chỉ 77,3 km2 trong khi dân số gần 170.000 người), hàng chục năm nay do quy hoạch đô thị để chuẩn bị lên quận nên các xã hầu như không được phép mở rộng nghĩa trang. Trong khi đó, đất chôn ở các nghĩa trang cũ cũng sắp hết, hiếm đất mức nhiều nơi đã chôn ở giữa kẽ hở giữa hai ngôi mộ nếu nó đủ rộng để đặt tiểu xuống.

Ông Nguyễn Quang Phú ở làng Trung xã Liên Trung huyện Đan Phượng là người đầu tiên ở Hà Nội đưa người thân sau hỏa táng vào để ở nhà tro cốt của xã. Ảnh: NNVN.

Ông Nguyễn Quang Phú ở làng Trung xã Liên Trung huyện Đan Phượng là người đầu tiên ở Hà Nội đưa người thân sau hỏa táng vào để ở nhà tro cốt của xã. Ảnh: NNVN.

Từ thực tế đó, năm 2017 lãnh đạo xã Liên Trung đã xin phép huyện rồi  tổ chức nhiều cuộc họp cấp xã, cấp thôn cùng với các ban ngành, đoàn thể để xây dựng nhà tro cốt thay thế cho nghĩa trang-công trình đầu tiên trong cả nước. Được khởi công từ tháng 3/2017 trên diện tích xấp xỉ 1.000m2 công trình gồm 1 nhà quàn ở giữa và 2 nhà lưu trữ tro cốt hai bên, tổng kinh phí xây dựng khoảng 5 tỷ đồng.

Mỗi nhà lưu trữ tro cốt ở đây có 240 ô để đặt tiểu vào, chia làm 4 tầng, 2 tầng trên dành riêng cho các ca từ 70 tuổi trở lên và 2 tầng dưới dành cho các ca ít tuổi hơn để thể hiện ngôi thứ theo quan niệm làng xã, tránh chuyện con cháu lại ngồi trên... các cụ. Mọi ô đặt ở đây đều miễn phí, chỉ mất 100.000đ mỗi năm cho quản trang để nhang khói, vệ sinh so với cách bốc mộ, xây mộ thông thường mất ít nhất khoảng 10 triệu rồi cỗ bàn tốn kém, nhưng sau hơn 2 năm, tổng 480 ô để tro cốt nhưng mới chỉ lấp đầy được có 10 ô.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.