Hài thôi nhưng đúng bản chất
Với những con sông vẫn còn giữ được màu trong vắt. Với những ngôi nhà ngói ba gian hai chái, vườn trước đầy cau, vườn sau đầy chuối, ao cá kề bên. Với những con người thật thà, mộc mạc mà lại sống rất tình cảm. Bởi thế nên tôi đã đôi chục lần ghé qua, ngủ lại và cũng dần quen với cách nói năng có phần bỗ bã, tục của dân Hải Hậu.
Tôi thân với anh Vũ Viết Văn nguyên Chủ tịch xã rồi Bí thư xã Hải Lý từ đó. Anh bảo suốt 21 năm làm lãnh đạo cơ sở, sống trong môi trường nói bậy nhiều nên ít để ý nhưng khách lạ đến thì có người cũng thắc mắc.
Anh kể một câu chuyện hài thôi nhưng thể hiện đúng bản chất của người dân Hải Hậu là có ông khách đến hỏi đường một đứa bé rằng: “Cháu ơi cháu, cho hỏi thăm nhà bác Văn ở đâu?" (ví dụ thế).
Thằng bé buông một câu: “Đéo biết”. Đến lưng chừng xã, hỏi một người thanh niên, nó trả lời: “Đ… biết”. Đến gặp một người già hỏi cũng được cụ đáp: “Đ… biết”.
Ông khách tìm được đến nhà tôi, mới phàn nàn: “Anh Văn ơi, sao quê anh chửi thề, nói tục ghê thế?”. Tôi trả lời: “Tuyên truyền mãi, nhắc nhở mãi mà chúng nó cũng đ… nghe”.
Rồi anh giải thích đặc trưng của ngôn ngữ người dân quê mình là nói to bởi nghề đi biển sóng to, gió lớn không nói thế sẽ không nghe rõ. Còn nói bậy là do từ xưa truyền lại, ngày nay những người có học hành, thoát ly thường ít nói còn những kẻ quanh đi quẩn lại ở làng vẫn giữ.
Theo anh bây giờ nói bậy đỡ hơn ngày xưa khá nhiều bởi dân trí đã cao hơn: Tầm tuổi như chúng tôi đã đành, thành thói quen nên dù kiềm chế nhưng thỉnh thoảng vẫn còn buột mồm văng ra kiểu “đèo quẩy” thân mật chào nhau như: “Thằng chó, lâu ngày mày đi đâu không thấy mặt”, “Đ… mẹ mày, hồi này đi đâu không thấy mặt”. Đi làm mệt nhọc nói “Đ… mẹ”.
Ra đường chứng kiến cảnh tai nạn giao thông hay cái gì xuất hiện bất chợt theo phản xạ họ cũng “đ… mẹ” một câu dù có khi xe đóng kín cửa, mình chửi, mình nghe…
Ở vùng biển xưa có nghề đi mót cá tức là nhặt cá sót nhưng người ta vừa kéo lưới vào thậm chí có kẻ đã xông đến chộp thành ra ăn chửi một chàng tằng tằng cả băng: “Đ… mẹ mày, tổ tiên sư cha bố mày…”, đào ông, bới cha lên, cho ăn này, ăn nọ. Phụ nữ thường ít nói bậy hơn đàn ông nhưng bà nào đanh đá thì cũng rất kinh.
Cuộc vận động khó khăn
Hải Lý là vùng đất của đạo Thiên Chúa với 11 nhà thờ, tiếng chuông binh bong, tiếng cầu kinh chen cùng tiếng sóng biển. Tôn giáo cũng coi nói tục là một tội, cha xứ thường hay nhắc nhở nhưng vẫn thường phải nghe con chiên xưng về tội này. Thực tế có mấy ai nhớ nổi bao lần đâu. “Con chỉ nhớ nhớ vậy thôi chứ không biết bao nhiêu lần ạ” là câu quen thuộc của các con chiên.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Trưởng xóm 7 xã Hải Lý thú thật chính bản thân mình dù đã có ý thức giảm bớt, kìm hãm lắm rồi nhưng cũng thỉnh thoảng vẫn văng ra vài câu nói bậy dù trên điện thoại hay nói trực tiếp bởi cụm từ “Đ… mẹ” đó là câu cửa miệng của nhiều người dân trong vùng, rất khó sửa.
“Từ Bắc chí Nam câu “Đ… mẹ” là câu rất bậy nhưng đối với người dân quê tôi lại thấy rất bình thường, nhiều khi nói mà không mang một hàm ý xấu gì cả. Ví dụ con mình làm cái gì không vừa ý là văng: “Đ…mẹ mày, bố mày bảo mà mày làm thế à?” thì hóa ra lại là chửi chính mình. Cháu mình nghịch cũng quát: “Đ… mẹ mày, thằng bố nhà mày” trong khi thằng bố nó lại chính là con mình. Những lúc ấy có nghĩ ngợi gì đâu?”, ông Hùng tâm sự.
Theo ông Hùng giới trẻ bây giờ còn nói tục hơn lớp người trước rất nhiều dù có học hơn. Tần suất nói bậy cũng tùy thuộc vào môi trường. Nếu gặp người hay nói tục thì mình vui miệng nói theo còn gặp những người không nói tục sẽ không nói.
Dù là những câu cửa miệng mang tính xã giao kiểu xuề xòa nhưng cũng đôi lúc có người chửi nhau kinh đến mức đối thủ nghe mà chỉ muốn xuống địa ngục. Đó không phải là một nét đẹp văn hóa gì cả…
Nói rồi ông Hùng dẫn tôi ra bãi biển nghe những dân chài nói chuyện rồi lại lộn về xóm vào nhà ông Lờ (đã đổi tên) hơn 70 tuổi nhưng vẫn giữ tật nói một câu, đế một câu, từ mời nước, mời cơm đến mọi chuyện trong cuộc sống.
Lúc tôi đến, biết là nhà báo nên ông ngần ngại đôi chút nhưng chỉ một vài phút là quên: “Đ… mẹ, thằng Hờ cháu họ tao vừa rồi do con gì 19 ấy (Covid 19 - PV) mà làm ở bên nước ngoài đến mấy tháng không được về. 1 ngày lương của nó 20 triệu, đ… mẹ ít tiền không vậy?”.
Ông khoe thằng cháu ruột mới mua được con tàu mới như sau: “Đ… mẹ, 7 thằng mỗi đứa góp 1 tỉ mua con tàu vượt mức độ cao cấp, 100 tấn hơn 800 mã lực khiến ông linh mục ra làm phép nhìn thấy phải run lên cầm cập.
Mới đi được 2 chuyến nhưng chúng đã bán được 750 triệu tiền cá, trả cho mấy thằng làm thuê 10 triệu/tháng còn lại chủ tàu thì đ… mẹ, cứ phân mô ra mà chia”. Rồi ông quay sang hỏi ông Hùng: “Ông làm trưởng xóm làm đ… gì, mỗi tháng được có 1 triệu, đấy như tôi làm chi hội, đ… mẹ không húp được gì mà có người mấy năm đ… đóng phí tí nào”.
Anh Đinh Ngọc Châu - Bí thư xã Hải Lý bảo với tôi rằng trong các cuộc họp vẫn thường xuyên nhắc các trưởng xóm về nhắc dân không được văng tục, nhất là từ khi thắng cảnh nhà thờ đổ ngày một thu hút khách khắp nơi đổ về. Qua đó, nhiều người đã sửa được tật nói bậy nhưng cũng có kẻ vẫn giữ.
Như vừa rồi, xuống xóm chơi với người bạn, thấy mấy đứa cháu nói bậy, anh này quát: “Đ… mẹ mày, sao lại nói bậy?” thì bản thân anh đã phải nhắc luôn: “Chính bản thân ông cũng đang nói bậy đấy!”.
Cú tát trời giáng và thói quen khó bỏ
Anh Ngô Văn Kiền - một thợ đồng hồ có tiếng của đất Hải Hậu cho biết cả huyện nơi nào cũng có nhiều người nói tục nhưng bậy nhất phải là vành đai quanh thị trấn từ Hải Vân, Hải Nam, Hải Thanh đến Hải Hưng...
Bản thân anh là người quê ở xã Hải Hưng nên nhiều khi cũng quen miệng mà nói, tình cờ các linh mục nghe thấy liền nhắc: “Anh Kiền lại văng mắm, văng muối ra đấy!” rồi cười với nhau. Bình thường đó chỉ là câu cửa miệng nói để cho vui nhưng hễ khi va chạm thì cường độ lại tăng bội phần, nhất là với dân buôn ở chợ Cầu Đôi.
Cũng chính vì câu cửa miệng ấy mà anh Nguyễn Văn Thờ (xin được đổi tên) - giáo viên thể dục của một trường học tại huyện Hải Hậu đã có một kỷ niệm nhớ đời hồi lên học Đại học Thể dục Thể Thao ở Từ Sơn, Bắc Ninh, chung ký túc xá với người bạn Hà Nội.
Thấy Thờ nói bậy nhiều quá, câu nào cũng mở đầu bằng từ “đ… mẹ” nên người bạn mới nói: “Bạn ơi, mẹ bạn già rồi đừng lôi ra mà đ… nữa”. Nghĩ câu nói đó mà đau quá nên Thờ quyết tâm sửa cho bằng được: “Nếu tớ mà nói bậy như thế nữa thì bạn cứ tát mạnh để nhắc nhé”.
Một lúc sau, chuyện đang vui vẻ thì “bốp” một cú tát như trời giáng vào mặt Thờ khiến anh choáng váng. Chưa hiểu “đầu cua, tai nheo” gì thì người bạn nhắc: “Bạn vừa nói bậy”. Vậy là từ đó nhớ nằm lòng, trong 4 năm học Thờ cai hẳn được tật nói bậy cho đến khi trở về quê dạy học thì thỉnh thoảng lại tái nhiễm vì sống trong môi trường nhiều người nói bậy quá.
Giờ người bạn năm nào đã mất vì bạo bệnh nhưng kỷ niệm xưa, câu nhắc xưa Thờ vẫn nhớ nằm lòng dù thực hiện nó không hề đơn giản chút nào.
Anh bảo: “Bậy nhất là cánh đá gà, chọi chim, đá bóng hay cờ bạc vì tính chất cay cú, hơn thua của nó. Cánh học sinh giờ cũng nói bậy rất kinh, thỉnh thoảng nghe thấy tôi vẫn nhắc: “Các em nói tiếng Đan Mạch (tức đ… mẹ) gì đấy?” nhưng bản thân mình vẫn nói bậy thì kể cũng khó mà bảo được.
Mời độc giả đón xem nhà văn Y Ban bàn về chuyện nói tục ở Nam Định quê chị, trong bài tiếp theo.