| Hotline: 0983.970.780

Bàn giải pháp giảm giá thành sản xuất lúa ĐBSCL

Thứ Sáu 20/08/2021 , 18:09 (GMT+7)

Trong bối cảnh vật tư tăng cao, giải pháp giảm giống, phân bón, thuốc BVTV để hạ giá thành sản xuất lúa đang là yêu cầu cấp thiết cho cả ngắn và dài hạn.

Ngày 19/8, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Cục trồng trọt, Cục BVTV tổ chức diễn đàn khuyến nông với chủ đề “Chủ động giảm lượng giống - phân bón để giảm giá thành sản xuất lúa trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19”.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, diễn đàn được tổ chức trực tuyến thông qua nền tảng Zoom với các đầu cầu ở TTKNQG, Cục Trồng trọt phía Nam, Cục BVTV phía Nam, Viện lúa ĐBSCL và các doanh nghiệp, cùng đại diện ngành nông nghiệp, khuyến nông các tỉnh phía Nam.

Một cánh đồng áp dụng hình thức cấy lúa thay vì sạ theo truyền thống ở ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.

Một cánh đồng áp dụng hình thức cấy lúa thay vì sạ theo truyền thống ở ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.

Nâng giá trị, tăng cạnh tranh

Tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG cho biết, Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội mà còn gây khó khăn cho quá trình sản xuất nông nghiệp.

“Vì Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến các vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón, giống, thuốc BVTV liên tục tăng giá từ đầu năm. Trong khi đó giá bán lúa lại có xu hướng giảm, nhiều lúc giảm sâu, gây khó khăn cho người trồng lúa”, ông Lê Quốc Thanh phân tích.

Theo Giám đốc TTKQG, việc giảm lượng giốngphân bón đã được triển khai thông qua các chương trình khuyến nông từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với những ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác này phải được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Đại diện Cục Trồng trọt, Phó Cục trưởng Lê Thanh Tùng mong muốn qua diễn đàn sẽ nhận được ý kiến đóng góp, đưa ra các giải pháp trước mắt và trong tương lai để nâng cao giá trị sản xuất cho người trồng lúa.

Dẫn chứng bằng bảng thống kê giá thành lúa trên mỗi kg tại các địa phương phía Nam, ông Lê Thanh Tùng khẳng định, có sự chênh lệch rất lớn trong giá thành sản xuất lúa giữa các tỉnh.

“Điều đó cho thấy, các biện pháp kỹ thuật và canh tác khác nhau sẽ sử dụng lượng vật tư đầu vào khác nhau, dẫn đến giá thành khác nhau. Tuy nhiên, có nơi dùng nhiều vật tư nhưng sản lượng không tăng đột biến nên khi so sánh về giá thành thì không cho thấy hiệu quả”, Cục phó Cục Trồng trọt phân tích.

Tình trạng làm dụng thuốc BVTV, phân bón vẫn còn phổ biến ở ĐBSCL, gây lãng phí và đội giá thành sản xuất lúa. Ảnh: LHV.

Tình trạng làm dụng thuốc BVTV, phân bón vẫn còn phổ biến ở ĐBSCL, gây lãng phí và đội giá thành sản xuất lúa. Ảnh: LHV.

Xét trên tỷ lệ, chiếm phần cao trong chi phí sản xuất lúa hiện nay là các yếu tố như phân bón, thuốc BVTV và lao động. Chi phí về giống có thể thấp hơn, nhưng lại có thể quyết định được các yếu tố khác, do đó việc giảm lượng giống phải là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đối phó với tình hình giá vật tư tăng cao hiện nay, giảm được giá thành còn giúp các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

“Xét trên bối cảnh toàn cầu, giá lúa thế giới đang giảm, nếu chúng ta không giảm được giá thành thì không chỉ nông dân gặp khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu cũng không cạnh tranh được”, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh thêm.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc TTKNQG cho rằng, việc giảm giống là khả thi và nhiều địa phương đã thực hiện mà năng suất không giảm. Với khu ĐBSCL, ông Hồng cho rằng nếu dùng kỹ thuật tia laser để san mặt ruộng thì sẽ hạn chế hỏng do ngập nước, tỷ lệ nảy mầm cao, lượng giống giảm xuống.

“Từ giảm giống, việc giảm phân, thuốc là hệ quả tất yếu. Cụ thể như ẩm độ không khí của ruộng lúa không quá cao thì bệnh sẽ giảm, quang hợp tốt thì sâu sẽ giảm”, Phó Giám đốc Hoàng Văn Hồng phân tích.

Ông còn cho rằng, giá vật tư đầu vào tăng như hiện nay cũng có mặt tích cực, giúp nông dân giảm lượng bón cho cây, đem lại chất lượng hạt lúa tốt hơn.

Cần nhiều giải pháp

Đóng góp ý kiến trên góc độ khoa học, TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL phân tích, khi sử dụng giống tốt sẽ giúp giảm lượng giống sử dụng, tỉ lệ nảy mầm cao (>70%), độ đồng đều cao, hạn chế chi phí cấy dặm và tăng cường khả năng chống chịu sâu bệnh nên năng suất có thể tăng 5-20%.

Hiện nay, lúa có thể được trồng bằng cách gieo sạ trực tiếp theo kiểu sạ lan, sạ hàng và cấy. Theo ông Trần Ngọc Thạch, hoàn toàn có thể giảm lượng giống gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha để tiết kiệm chi phí và gia tăng hiệu quả sản xuất từ 23 - 45% so với phương pháp sạ giày 180 - 200 kg/ha.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG cho rằng việc sử dụng phân bón, giống hiệu quả đã được triển khai nhưng hiện nay cần đẩy mạnh hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG cho rằng việc sử dụng phân bón, giống hiệu quả đã được triển khai nhưng hiện nay cần đẩy mạnh hơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Nội dung "1 phải 5 giảm" bao gồm: Phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ; giảm phân đạm hợp lý, cân đối N-P-K; giảm phun thuốc trừ sâu; giảm nước tưới; giảm thất thoát sau thu hoạch.

“Để đảm bảo thành công trong giảm giống lúa, cần chuẩn bị đất bằng phẳng, thoát nước tốt, sử dụng giống đúng chất lượng, ngâm ủ đúng hướng dẫn, có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ để sạ giống và quản lý tốt cỏ dại và ốc bươu vàng”, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL hướng dẫn.

Về phân bón, ông Trần Ngọc Thạch nói đây là yếu tố đầu vào quan trọng nhất đảm bảo năng suất cây trồng, chất lượng nông sản và độ phì của đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phân bón sử dụng còn nhiều lãng phí, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa chú trọng cân đối NPK, bón chưa đúng cách và bón lót không đúng (không sử dụng vôi cho đất nhiễm phèn…), gây lãng phí và giảm hiệu quả của phân bón.

Trước thực thế đó, các mô hình thử nghiệm của Viện lúa ĐBSCL giai đoạn 2018 - 2020 tại Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ cho thấy kết hợp giảm lượng giống sử dụng (80 - 100 kg/ha) có thể giảm lượng phân bón ở các vùng sinh thái.

Do đó, Viện trưởng Trần Ngọc Thạch khẳng định: Có thể giảm lượng giống và phân bón sử dụng bằng giải pháp cấy và kết hợp với vùi phân.

Bên cạnh đó, việc sử dụng hiệu quả phân bón và thuốc BVTV được Cục phó Cục BVTV Lê Văn Thiệt nhấn mạnh bằng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên lúa.

Theo ông Lê Văn Thiệt, trước đây nông dân lạm dụng thuốc BVTV, đặc biệt là các thuốc BVTV nhóm I, II. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe, thiên địch và môi trường.

Nếu giảm được giống thì các yếu tố đi sau như phân bón, thuốc BVTV sẽ giảm theo. Ảnh: Tùng Đinh.

Nếu giảm được giống thì các yếu tố đi sau như phân bón, thuốc BVTV sẽ giảm theo. Ảnh: Tùng Đinh.

Do đó, chương trình IPM ra đời và kết quả là lượng thuốc BVTV đã giảm 40 - 50%, nhiều địa phương giảm 70 - 80% so với những năm trước 1995. Với những diện tích ứng dụng IPM, năng suất tăng xấp xỉ 10%, hiệu quả kinh tế tăng từ 350 đến 700 ngàn đồng/ha.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của IPM, Phó cục trưởng Lê Văn Thiệt cho rằng, ngoài nội dung "1 phải 5 giảm", cần thực hiện thêm các nội dung khác trong các mô hình sản xuất.

Cụ thể như làm đất bằng máy laser, gieo mạ khay và cấy máy, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học và tổ chức bón phân, phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ cho biết, trước mắt cần tiếp tục tuyên truyền các gói kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa.

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng mà ông đưa ra là nên chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 3 vụ sang 2 vụ để cải tạo dinh dưỡng trong đất. Bên cạnh đó, sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong canh tác lúa và tiếp tục nghiên cứu cải tiến máy cơ giới để giảm lượng giống.

Trong khi đó, ông Tiết Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau cho rằng, giải pháp giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, giảm phân, giảm thuốc là bài toán khó trong sản xuất nói chung và cây lúa nói riêng.

Theo ông Dũng, Bộ NN-PTNT cần đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả của việc giảm lượng giống, phân bón và thuốc BVTV. Cụ thể, hiệu quả của thay đổi này không chỉ dừng lại ở việc giảm giá thành mà còn nâng cao được năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và đặc biệt là đảm bảo nhu cầu an toàn cho người tiêu dùng.

Có như vậy người dân mới hiểu rõ hơn về mục đích của việc giảm lượng giống, phân bón và thuốc BVTV.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.