| Hotline: 0983.970.780

Bàn giao 70 thiết bị giám sát voi hoang dã

Thứ Bảy 16/04/2022 , 20:41 (GMT+7)

ĐỒNG NAI Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp Tổ chức HSI bàn giao các máy, bẫy ảnh chuyên dụng giúp ghi lại vùng sinh cảnh và tập tính của bầy voi hoang dã.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Trần Quang Bảo (phải) và bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc HSI tại Việt Nam tặng các thiết bị chuyên dụng. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Trần Quang Bảo (phải) và bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc HSI tại Việt Nam tặng các thiết bị chuyên dụng. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngày 15/4, Tổng cục Lâm nghiệp và Hội Nhân đạo Quốc tế tại Việt Nam (HSI) bàn giao 10 máy ảnh và 60 bẫy ảnh chuyên dụng cho Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai.

Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy Chương trình giám sát voi và vùng sinh cảnh đang được triển khai tại Đồng Nai từ năm 2020. Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ voi châu Á tại Đồng Nai thông qua các giải pháp giảm thiểu và ngăn chặn xung đột voi người một cách bền vững.

Cũng tại sự kiện, các bên đã ký Thoả thuận hợp tác nghiên cứu sinh thái học và xã hội học của loài voi với Đại học Lâm nghiệp Phân hiệu tại Đồng Nai nhằm đảm bảo tính liên tục và bền vững của chương trình giám sát.

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: “Voi ở Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng trong 40 năm qua. Mới đây, Chính phủ đã gia hạn thực hiện Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam đến năm 2025, tạo điều kiện cho tỉnh Đồng Nai tiếp tục các giải pháp bảo tồn. Hợp tác giữa Tổng cục Lâm nghiệp và HSI lần này dựa trên điểm mạnh của mỗi bên, đồng thời thể hiện rõ cam kết trong nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã tại Việt Nam”.

Hoạt động giám sát voi và quần thể voi được tài trợ và là một trong các sáng kiến ưu tiên mà HSI thực hiện tại Việt Nam. Mục đích nhằm quản lý việc xung đột voi và người theo hướng nhân đạo, thúc đẩy việc chung sống hài hoà giữa động vật hoang dã và con người.

Chương trình giám sát voi và vùng sinh cảnh nhằm hiểu về voi và vùng sống của chúng. Đây được xem là giải pháp căn bản để bảo tồn loài voi. Dữ liệu về đặc điểm, tập tính, hành vi của voi và các vụ xung đột giữa voi và người… sẽ được ghi nhận và cập nhật thường xuyên.

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ phân tích để tìm ra cấu trúc xã hội của đàn voi, mức độ xung đột voi với người, dự báo tác động để điều chỉnh các giải pháp cho từng khu vực. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Trần Quang Bảo phát biểu tại lễ bàn giao. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ông Trần Quang Bảo phát biểu tại lễ bàn giao. Ảnh: Bảo Thắng.

Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc HSI tại Việt Nam chia sẻ: “Xung đột giữa voi và người diễn ra trong nhiều năm khiến cộng đồng người dân xung quanh không chỉ mất hoa màu, mà còn lo lắng, hoảng sợ. Hi vọng việc nghiên cứu, giám sát bầy voi sẽ giúp chúng ta tìm hiểu căn nguyên vấn đề. Kết quả thu được sẽ là ’tiếng nói‘ phản ánh nhu cầu từ động vật, một bên liên quan mà chúng ta ít khi tham vấn khi xây dựng kế hoạch bảo tồn".

Là tổ chức chuyên nghiên cứu về phúc lợi động vật, HSI từng chịu nhiều áp lực khi quần thể voi tại Việt Nam suy giảm. Trước đó, nhiều chuyên gia của tổ chức cũng đau đầu khi tê giác Java và hổ biến mất trong nhiều khu vực tại Đông Nam Á.

"Chúng tôi tin việc bảo tồn và tăng đàn voi hoang dã một cách tự nhiên tại Đồng Nai sẽ là nguồn cảm hứng lớn cho những người làm bảo tồn trên cả nước", bà Phượng nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các quần thể voi nhỏ, bị phân mảnh tại Việt Nam đã suy giảm tới 95% trong vòng khoảng 40 năm từ 1975 đến 2015. Một số đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu không có những kế hoạch bảo tồn đúng đắn.

Riêng tại Đắk Lắk, có ít nhất 23 cá thể voi rừng bị chết trong giai đoạn 2009 - 2016, chiếm khoảng 25% tổng đàn hiện nay. Tại Đồng Nai, khoảng 9 cá thể voi rừng đã chết trước năm 2014.

Hiện Đồng Nai là ngôi nhà của khoảng 20 cá thể voi tự nhiên sinh sống. Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã xây dựng và hoàn thiện 50km hàng rào điện và đang xây dựng thêm 25km nhằm giảm thiểu xung đột giữa voi và người.

Ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai nhận định: “Các thiết bị chuyên dụng được bàn giao sẽ là công cụ hữu ích cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng cá thể voi. Việc định danh đến từng cá thể giúp chúng ta hiểu biết sâu hơn về thể trạng, đặc điểm, hình thái của từng cá thể, ý tưởng về việc di chuyển của chúng và cách voi sử dụng sinh cảnh sống trong tự nhiên, cũng như phản ứng của chúng với con người ra sao".

Từ năm 2019, HSI đã phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã thực hiện Dự án Bảo vệ voi châu Á tại Đồng Nai thông qua các giải pháp giảm thiểu và ngăn chặn xung đột giữa voi với người một cách bền vững.

Qua 3 năm thực hiện, Dự án đã đạt nhiều kết quả khích lệ. TS Nguyễn Sỹ Hà, Phó Giám đốc Đại học Lâm nghiệp Phân hiệu Đồng Nai bày tỏ: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng các bên liên quan để thực hiện Chương trình giám sát voi và vùng sinh cảnh. Đây là cơ hội để ngăn chặn việc suy giảm đa dạng sinh học và tuyệt chủng của các loài nguy cấp và quý hiếm”.

Xem thêm
Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.