| Hotline: 0983.970.780

Bàn giao hai giống bò quý cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Thứ Hai 09/03/2020 , 10:23 (GMT+7)

Ngày 8/3, tại Trung tâm Sản xuất tinh đông lạnh Công ty CP Giống gia súc Hà Nội, Bộ NN-PTNT bàn giao 12 con bò Angus và Charolaise cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm khu nuôi giữ 12 con bò ngoại mới bàn giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm khu nuôi giữ 12 con bò ngoại mới bàn giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Phạm Văn Cường, tận dụng lợi thế, thế mạnh của hai bên, vị trí lại gần nhau nên năm 2015 và 2016, Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty CP Giống gia súc Hà Nội ký kết Hợp tác nghiên cứu phối hợp xây dựng Trung tâm sản xuất tinh cọng rạ chất lượng cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất, kinh doanh tinh bò theo tiêu chuẩn Bộ NN-PTNT.

Theo đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đóng góp bò đực giống do Bộ NN-PTNT đầu tư, còn Công ty Giống gia súc Hà Nội đầu tư cơ sở vật chất nuôi giữ và khai thác theo đúng tiêu chuẩn qui định của Bộ NN-PTNT. Lợi nhuận thu được sẽ chia theo tỷ lệ góp vốn, còn nếu thua lỗ phía công ty sẽ chịu trách nhiệm.

Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, sau khi được Bộ NN-PTNT phê duyệt, Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao thông qua dự án đã nhập 5 bò đực giống BBB và 6 bò Brahman về chăm sóc, nuôi dưỡng đến nay đã xây dựng thành công trung tâm sản xuất tinh cọng rạ chất lượng cao ngang tầm khu vực.

Năm 2017, Trung tâm bắt đầu tiến hành khai thác và cung cấp tinh bò đực giống Brahman và năm 2018 khai thác tinh bò BBB. Từ đó đến nay đã cung cấp cho sản xuất trên 100.000 liều tinh Brahman và trên 70.000 liều tinh bò BBB, chủ yếu cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (áo trắng) kiểm tra khu trữ đông, khai thác tinh bò tại Công ty CP Giống gia súc Hà Nội. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (áo trắng) kiểm tra khu trữ đông, khai thác tinh bò tại Công ty CP Giống gia súc Hà Nội. Ảnh: Nguyên Huân.

Cuối năm 2019, trước tình trạng dịch bệnh trên đàn lợn, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, Trung tâm được bộ NN-PTNT tiếp tục cho nhập bổ sung 6 con bò Angus và 6 bò Charolaise.

Sau khi chính thức tiếp nhận 6 con bò Angus và 6 bò Charolaise ngày 8/3, hiện Trung tâm Giống vật nuôi Chất lượng cao có tổng cộng 22 bò đực giống khai thác tinh (bao gồm 5 bò BBB, 5 Brahman đã nhập về trước đó).

Theo ông Bùi Đại Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống gia súc Hà Nội, đàn bò nhập về đợt một có độ tuổi trung bình 14 tháng và trọng lượng bình quân là 500kg. Hàng ngày đàn bò được chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật do Học viện Nông nghiệp Việt Nam và công ty ban hành.

Đàn bò được quản lý theo dõi sức khỏe hàng ngày, được ghi chép đầy đủ, rõ ràng qua hệ thống sổ sách và được cập nhật thường xuyên vào hệ thống máy tính.

Đồng thời xí nghiệp cũng đã triển khai tiêm phòng cho đàn bò một số loại vaccin phòng bệnh bắt buộc theo quy định của Cục Thú y để đảm bảo an toàn dịch bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng.

Cũng theo ông Bùi Đại Phong, điều kiện cơ sở vật chất, con người, qui trình kỹ thuật hiện nay của Trung tâm hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí qui định đối với một cơ sở nuôi giữ giống gốc.

Sau hơn ba năm đưa vào hoạt động trung tâm đã hoàn thành mục tiêu do Bộ NN-PTNT giao là xây dựng được một trung tâm sản xuất tinh cọng rạ hiện đại nhất ở Việt Nam và ngang tầm khu vực có thể cung cấp sản phẩm có khả năng cạnh tranh, chống độc quyền, góp phần đa dạng hóa sản phẩm phục vụ phát triển chăn nuôi và chăn nuôi bò nói riêng ở nước ta.

Giống bò Angus đỏ mới được nhập về bàn giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Giống bò Angus đỏ mới được nhập về bàn giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Tại lễ bàn giao 12 con bò Angus và Charolaise, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty CP Giống gia súc Hà Nội trong những năm qua, đóng góp tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt trong chăn nuôi đại gia súc lớn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong chiến lược tái cơ cấu ngành chăn nuôi của Bộ NN-PTNT thời gian tới là sẽ tăng tỷ trọng thịt bò và thịt gia cầm, giảm tỷ trọng thịt lợn với mục tiêu tăng thịt bò lên khoảng 15 - 16%, do đó hiện dư địa thị trường để phát triển bò thịt vẫn còn rất lớn.

Tất nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với đặc thù của Việt Nam là diện tích nhỏ nên đất đai để trồng cỏ không nhiều, nhưng với công nghệ sinh học, công nghệ men vi sinh phát triển như hiện nay nguồn thức ăn cho gia súc lớn hoàn toàn có thể được xử lý bằng công nghệ.

“Với việc sở hữu đa dạng nhiều giống bò đực chất lượng cao hàng đầu thế giới hiện nay, tôi đề nghị với vai trò doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi liên kết, Công ty CP Giống gia súc Hà Nội tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ bó hẹp cung cấp tinh trong địa bàn Hà Nội mà mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tiềm năng lợi thế để phát triển nông nghiệp của Hà Nội là rất lớn. Thông qua điểm sáng và thành công của các chuỗi và mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao hiện nay chứng minh một điều, nếu được quan tâm đầu tư xứng đáng, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Giống bò Charolais mới được bàn giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam sáng 8/3. Ảnh: Nguyên Huân.

Giống bò Charolais mới được bàn giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam sáng 8/3. Ảnh: Nguyên Huân.

Bò Angus là giống bò thịt có nguồn gốc từ vùng cao nguyên phía Bắc Scotland. Đây là một giống bò nhà được chăn nuôi phổ biến ở Hoa Kỳ để lấy thịt. Là loại giống chăn nuôi ít tốn kém, ít bệnh tật, có lợi ích kinh tế lớn cho người chăn nuôi.

Bò Angus được biết đến như một loại thực phẩm tươi, mang lại giá trị và chất lượng cao và là niềm tự hào của người Mỹ. Bò Angus thường không có sừng vì trong thông tin di truyền của giống bò này gene không sừng là gene trội. Con lai F1 giữa bò Angus với giống bò khác luôn luôn không có sừng. Bò có chất lượng thịt tốt, có vân mỡ xen kẽ trong thớ thịt giúp thịt mềm và béo.

Bò Angus thành thục sớm, hiệu quả sinh sản cao. Bò cái trưởng thành năng 550-650 kg, bò đực 800-950 kg. Nuôi thịt lúc 15 tháng tuổi bê đực đạt 450-460 kg, bê cái 350-450 kg. Tỷ lệ thịt xẻ bình quân 65-67%. Bò thích hợp với vùng khí hậu ôn đới và nuôi chăn thả.

Bò Angus đen mới được chuyển giao về Học viện Nông nghiệp Việt Nam nuôi tại Công ty CP Giống gia súc Hà Nội (Phù Đổng, Gia Lâm). Ảnh: Nguyên Huân.

Bò Angus đen mới được chuyển giao về Học viện Nông nghiệp Việt Nam nuôi tại Công ty CP Giống gia súc Hà Nội (Phù Đổng, Gia Lâm). Ảnh: Nguyên Huân.

Bò Charolais là một giống bò thịt có nguồn gốc từ vùng Charolles của nước Pháp, đây là một trong số giống bò lâu đời, có nguồn gốc từ Jurassic và phát triển mạnh ở vùng Charolles, miền Trung nước Pháp.

Bò Charolais nặng trung bình từ 900 kg đến 1.100 kg, chúng có kết cấu cơ thể cân đối, cơ bắp nổi rõ, lớn nhanh và hiệu quả sản xuất thịt bò cao. Chúng có hoặc không có sừng. Màu chủ yếu là trắng kem. Tuy nhiên cũng có con màu vàng tối. Vì giống bò này là lớn nhanh, to con, cơ bắp nổi rõ vì vậy khối lượng thịt xẻ cao.

Con đực nặng 1200-1.300kg con cái 700-800 kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt trên 65%. Bò đực giống Charolais đạt khối lượng 800-900 kg ở 500 ngày tuổi. Bò có tính trầm, hiền lành và chịu kham khổ.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Cây na sống khỏe trên núi đá nhờ tưới tự động

Thái Nguyên Địa hình núi đá ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, tưới nước, bón phân cho cây trồng. Phương án khắc phục trở ngại đó chính là hệ thống tưới tự động.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.