| Hotline: 0983.970.780

Thăm dò đất hiếm tại Lào Cai: Mập mờ công nghệ

Thứ Ba 03/12/2019 , 08:47 (GMT+7)

Theo lời Giám đốc điều hành dự án, Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An đã tổ chức thăm dò mỏ đất hiếm tại huyện Bảo Thắng (Lào Cai) hơn 1 năm nay bằng công nghệ mới của Trung Quốc.

* Cá trong ao dân nuôi chết không còn con nào

10-49-57_1
Người dân cho rằng bể thu hồi dung dịch của Cty Khánh An làm tạm bợ và nằm ngay cạnh nguồn nước dẫn vào ao cá.

Tuy nhiên, với một dự án sử dụng công nghệ chưa từng có ở Việt Nam, không gây hại môi trường như doanh nghiệp này tuyên bố không khỏi có những băn khoăn.
 

Tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Theo ông Hoàng Chí Hiền - Chánh VP UBND tỉnh Lào Cai, Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An (Cty Khánh An) có giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ TN-MT cấp ngày 23/1/2018 với diện tích 21,6km2, thời gian thăm dò là 48 tháng.

Từ tháng 8/2018, Cty này bắt đầu xây dựng các bể, đường ống để thu hồi các mẫu quặng và thuê đất của một số hộ gia đình, cá nhân ở thôn Cánh Địa (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng) với diện tích 81.439m2 để đặt hệ thống bể, hệ thống đường ống, trạm bơm… và bắt đầu công tác thăm dò. Các khu vực khác Cty chưa triển khai hoạt động này.

Liên quan hoạt động trên, ông Lê Văn Thức - Giám đốc điều hành dự án thăm dò đất hiếm của Cty Khánh An - cho biết, Cty sử dụng công nghệ mới, lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam.

Theo đó, đây là hệ thống quy trình công nghệ thăm dò đất hiếm không xả thải ra môi trường mà được tuần hoàn khép kín. Hệ thống sử dụng công nghệ trao đổi ion bao gồm 11 bể xây bằng đất, phủ lớp mỏng vữa xi măng và lót bạt có dung tích chứa khoảng 400m3.

Cụ thể, nước được bơm từ suối Trát (cạnh khu thăm dò) lên rồi hòa với phân đạm (NH4)2SO4 (dung dịch trao đổi) tại 3 bể, sau đó dung dịch được bơm vào lỗ khoan thăm dò và nước ngấm từ lỗ khoan được dẫn về kênh thu hồi 1 (gồm 4 bể), và tiếp tục được bơm xuống kênh thu hồi 2 (gồm 4 bể khác) để bổ sung thêm dung dịch amonibicarbonate. Sau quá trình trao đổi ion, tinh quặng đất hiếm sẽ được thu hồi, phần nước còn lại quay về bể dung dịch trao đổi.

10-49-57_3
Bể chứa dung dịch trên đỉnh đồi của Cty Khánh An.

Để xem tận mắt công nghệ này, PV đã được ông Lê Văn Thức dẫn đi thực địa. Tuy nhiên, ông Thức yêu cầu, riêng khu bể là đề tài khoa học cấp Bộ nên không thể cho quay phim, chụp ảnh.

Quan sát thực tế bằng cảm quan của PV, công nghệ này không có gì đặc biệt, các bể chứa mà ông Thức cho đó là bí mật công nghệ bản chất là các bể lắng để thu được phẩm cuối cùng là hỗn hợp màu trắng gồm phân đạm, đất, các thành phần kim loại đất hiếm... Lo ngại nhất của người dân chính là các bể lắng có chứa dung dịch, nước luôn lấp lửng ở miệng hố, khi mưa lớn xuống có thể trào ra ngoài gây ảnh hưởng nguồn nước đặc biệt là suối Trát cạnh đó. Trong khi suối này phục vụ việc tưới tiêu cho khu vực.

Việc thăm dò đất hiếm, người dân và Cty cũng chưa tìm được tiếng nói chung, khi hộ ông Vũ Xuân Khánh đề nghị bồi thường 6ha đất gần 13 tỉ đồng mới di dời còn phía Cty chỉ đồng ý với con số lẻ là 2 - 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo người dân, hoạt động Cty gây tiếng ồn, gây hỏng đường của thôn và nhất là ao nuôi cá (giáp ranh khu thăm dò) của hộ gia đình ông Khánh đã xảy ra hiện tượng cá chết sau trận mưa.

10-49-57_4
Nơi đóng bao quặng đất hiếm của Cty Khánh An.

“Ở đây theo chúng tôi được thông báo đây là thăm dò đất hiếm. Được biết, đất hiếm khi thăm dò, khai thác dùng nhiều hóa chất, gây ảnh hưởng, thẩm thấu ra môi trường. Từ khi Cty Khánh An sử dụng hóa chất khai thác, lắng lọc và tuyển quặng thì hệ thống ao liên hoàn, ao trên cùng của gia đình cá chết không còn con nào và bắt đầu ảnh hưởng ao thứ 2. Gia đình chỉ biết báo chính quyền và chính quyền đưa cơ quan chức năng đến xem xét và chưa trả lời kết quả cho gia đình”, ông Khánh nói.

Hiện nhà ông Khánh đã tháo nước một ao nhưng chưa dám lấy nước để thả lại cá. Đặc biệt, nước ao nhà ông Khánh càng ngày càng trong, có thể nhìn tới đáy…

10-49-57_8
Cá của gia đình ông Vũ Xuân Khánh chết thối trong ao (giáp ranh nơi thăm dò).
Theo kết quả kiểm tra của Sở TN-MT Lào Cai, khối lượng nước Cty Khánh An sử dụng từ suối Trát trung bình là 80m3/ngày đêm. Tuy nhiên, qua kiểm tra Cty Khánh An không có giấy phép khai thác tài nguyên nước theo quy định.

Mặc dù, phía Cty cho rằng việc thăm dò không gây ảnh hưởng môi trường nhưng theo chuyên gia, việc bơm nước phân đạm quá nhiều vào đất cũng có thể gây nguy ngại cho đất, nguồn nước ngầm, hậu quả kéo dài hàng trăm năm.
 

Sử dụng công nghệ mới của Trung Quốc?

Theo ông Thức, đề tài thăm dò đất hiếm này là mới nhất ở Việt Nam, sử dụng công nghệ mới của Trung Quốc, chưa ai làm công nghệ này.

Cũng chính vì ứng dụng công nghệ mới, nên trong số 24 người tham gia hoạt động thăm dò của Cty Khánh An có 19 lao động là người Trung Quốc. Ông Thức cũng xác nhận việc này và cho biết, đây là các chuyên gia thăm dò đất hiếm cho Cty.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lào Cai đã cấp giấy xác nhận lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động (dưới 3 tháng) cho 19 người này. Do vậy, theo quy định số lao động người Trung Quốc thường xuyên phải luân chuyển, thay đổi về nước.

Kể từ thời điểm bắt đầu việc thăm dò đất hiếm, Cty Khánh An đã 5 lần xin giấy xác nhận cho lao động nước ngoài, trong đó một số lao động đã đăng ký 2 - 3 lượt. Thời điểm 30/10/2019 - 10/1/2020 còn 4 lao động có trong danh sách được đăng ký.

10-49-57_5
Nước lấp lửng trong bể chứa của Cty Khánh An.

Cơ quan chức năng đã có yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với số lượng người làm việc theo đúng quy định, nhất là người nước ngoài phải có giấy phép của cơ quan chức năng.

Một vấn đề đáng chú ý khác đó là Cty Khánh An báo cáo Sở TN-MT tỉnh Lào Cai về việc đã hoàn thành xây dựng mô hình công nghệ tách, tuyển và thu hồi quặng đất hiếm tại thực địa và đề nghị được vận chuyển 200 tấn quặng đất hiếm đi phân tích mẫu công nghệ.

Liên quan các bể chứa, Sở TN-MT Lào Cai cũng có kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Cty Khánh An thuê đơn vị tư vấn kiểm định đối với các công trình xây dựng, nhất là đối với 11 bể công nghệ cấp 3. Trong thời gian chưa kiểm định, yêu cầu Cty thường xuyên kiểm tra phát hiện kịp thời các sự cố để có biện pháp phòng ngừa, tránh thiệt hại xảy ra…

Tuy nhiên, nhận thấy khối lượng quặng mà doanh nghiệp đề xuất là rất lớn, nên ngày 1/11/2019 Sở TNMT tỉnh Lào Cai ra văn bản yêu cầu Cty Khánh An báo cáo, giải trình về khối lượng lấy và vận chuyển mẫu; cung cấp tài liệu về phương án lấy, vận chuyển và phân tích mẫu công nghệ; phương án vận chuyển đảm bảo an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp thực tế…

Sở này đề nghị Cty Khánh An trong thời gian chưa được xem xét, giải quyết thì chưa được phép vận chuyển mẫu như đề nghị.

Bất ngờ nhất là ngày 8/11/2019, từ tin báo của người dân nghi ngờ Cty Khánh An vận chuyển quặng đất hiếm ra ngoài bằng xe ô tô trùm bạt kín mít, UBND xã Sơn Hải đã đến lập biên bản đề nghị Cty Khánh An trước khi hoàn tất giấy tờ, thủ tục không được vận chuyển mẫu đi nơi khác theo đúng yêu cầu của Sở TN-MT.

Liên quan vấn đề này, ông Thức cho rằng, Cty chỉ vận chuyển phân đạm thừa về kho. Tuy nhiên, khi PV đề nghị ông Thức cho tới kho để xem thực tế thì ông Thức ấp úng từ chối.

Còn ông Đỗ Văn Nghiệp - Trưởng thôn Cánh Địa (xã Sơn Hải) - cho biết, hơn 1 năm qua, Cty Khánh An đã đưa vào khai thác rồi chứ không thăm dò nữa, thời gian khai thác đã được mấy tháng nay. Họ bơm nước lên đồi lọc rồi vận chuyển đi.

Thời gian trước, họ chuyển đi một vài lần nhưng không nhiều, Cty nói là đạm công nghiệp nên chuyển ra một ít xe.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.