| Hotline: 0983.970.780

Tiếp bài “Thăm dò đất hiếm tại Lào Cai: Mập mờ công nghệ”:

Đơn vị thăm dò có thể lợi dụng để khai thác quặng

Thứ Tư 25/12/2019 , 09:34 (GMT+7)

Qua khảo sát tình hình thực tế, hiện nay việc thăm dò, lấy và vận chuyển mẫu của Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An có biểu hiện chưa rõ ràng.

07-27-28_3
Nơi công nhân Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An đóng quặng đất hiếm vào bao.

Liên quan đến công tác thăm dò đất hiếm tại khu vực Bến Đền (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) của Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An, UBND tỉnh Lào Cai vừa có ý kiến gửi Bộ TN-MT và Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Theo văn bản số 5804/UBND-KT về việc lấy, vận chuyển phân tích mẫu công nghệ theo đề án thăm dò đất hiếm tại huyện Bảo Thắng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường ký ngày 13/12/2019 nêu: Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An thực hiện thăm dò đất hiếm theo giấy phép thăm dò khoáng sản số 206/GP-BTNMT ngày 23/1/2018 của Bộ TN-MT.

Cũng theo văn bản này, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An tại văn bản số 118/2019/CV-KA ngày 18/10/2019: Đề cương nghiên cứu mẫu công nghệ đã được Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia chấp thuận tại văn bản số 117/VPTLKS ngày 7/5/2019; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đồng ý tại văn bản số 1180/ĐCKS-KS ngày 20/5/2019; đến nay công ty đã hoàn thành việc xây dựng mô hình công nghệ tách, tuyển và thu hồi quặng đất hiếm tại thực địa; đồng thời công ty đề nghị được vận chuyển 200 tấn quặng đất hiếm đi phân tích mẫu công nghệ.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Lào Cai, qua khảo sát tình hình thực tế, hiện nay việc thăm dò, lấy và vận chuyển mẫu của Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An có biểu hiện chưa rõ ràng gây nhiều dư luận khác nhau về việc khai thác trong quá trình thăm dò, ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động nước ngoài.

Mặt khác, do đề án thăm dò đã được Bộ TN-MT phê duyệt: Phương pháp nghiên cứu mẫu và lấy mẫu công nghệ do chủ đầu tư tự thực hiện (không xác định cụ thể về khối lượng quặng để phân tích). Điều này gây khó khăn trực tiếp cho công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản tại địa phương (đơn vị thăm dò có thể lợi dụng để khai thác trong quá trình thăm dò hoặc sẽ thu hồi với khối lượng khoáng sản rất lớn trong quá trình lấy mẫu).

07-27-28_1
Khu vực thăm dò trên đồi của Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An.

Trong khi đó, công nghệ thăm dò, mô hình công nghệ tách, tuyển và thu hồi quặng đất hiếm tại thực địa là công nghệ mới, rất phức tạp mà địa phương chưa được tiếp cận gây khó khăn cho công tác quản lý. Đồng thời việc Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An đề nghị được vận chuyển mẫu công nghệ với khối lượng 200 tấn quặng đất hiếm là rất lớn và không phù hợp kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trong khu vực mỏ (đường bê tông thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, chiều rộng 3m; một phần là đường liên thôn là nền đất)…

Theo UBND tỉnh Lào Cai, ngày 25/11/2019, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có văn bản số 3122/ĐCKS-KS. Trong đó đã nêu lên sự cần thiết của việc lấy, vận chuyển và phân tích mẫu công nghệ để xác định hàm lượng các nguyên tố đất hiếm. Tuy nhiên, chưa đề cập đến số lượng, khối lượng mẫu cụ thể được phép vận chuyển ra khỏi khu vực thăm dò để phân tích mẫu công nghệ.

Do đó, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ TN-MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xem xét, có ý kiến thống nhất bằng văn bản về khối lượng 200 tấn quặng đất hiếm Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An đề nghị được phép lấy, vận chuyển để phân tích mẫu công nghệ và các nội dung khác có liên quan đến việc lấy và vận chuyển mẫu; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động thăm dò đất hiếm và sớm thông báo kết quả để thông tin đến nhân dân, chính quyền địa phương, xử lý kịp thời những vướng mắc liên quan.

Có thể thấy rằng, khi những vấn đề trên được làm rõ, UBND tỉnh Lào Cai có căn cứ trả lời kiến nghị của cử tri, nhân dân và giải quyết đề nghị của doanh nghiệp, đảm bảo tiến độ thăm dò. Đặc biệt là đảm bảo hoạt động thăm dò đúng các quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản và thuận lợi cho công tác quản lý.

Tới thời điểm hiện nay, theo quan sát của phóng viên tại khu vực thăm dò số lượng những bao chứa mẫu công nghệ (quặng đất hiếm) mà Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An thu được đã tăng lên rất nhiều so với thời điểm tháng 11/2019.

Trong khi đó, người dân xung quanh khu vực thăm dò của công ty này vẫn hết sức lo ngại vấn đề môi trường. Ông Vũ Xuân Khánh, thôn Cánh Địa (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng) cho hay, hiện tại gia đình ăn nước từ nguồn bên nhà con trai, tuy nhiên mùa khô này có thể không đủ nước sinh hoạt và phải sử dụng nước giếng khơi. Song gia đình rất lo lắng, và có thể không dám dùng nước giếng do lo ngại hoá chất ngầm vào mạch nước ngầm.

07-27-28_5
Khu vực thăm dò đất hiếm giáp với ao và đất những hộ dân ở thôn Cánh Địa (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai).

Ông Khánh chia sẻ, quan sát những ao nuôi cá liền kề khu vực thăm dò, nước ao có hiện tượng trong vắt, lội xuống có thể nhìn thấy bàn chân. Sau đợt cá chết vừa rồi, gia đình thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

Trước đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 3/12/2019 có bài “Thăm dò đất hiếm tại Lào Cai: Mập mờ công nghệ” phản ánh việc Công ty Cổ phần Công nghiệp Khánh An tuyên bố sử dụng công nghệ thăm dò đất hiếm chưa từng có ở Việt Nam, không gây hại môi trường nhưng khiến người dân không khỏi băn khoăn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.