Đây cũng là năm, Đảng bộ Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp với 97 đảng viên đặt quyết tâm hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ được giao và chuẩn bị kỹ lưỡng cho những dự án ODA mới sẽ vận hành trong giai đoạn 2020 - 2025.
Đây được đánh giá là một giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách đối với toàn ngành nông nghiệp nói chung và Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp nói riêng.
Giai đoạn 2015 – 2020 nhiều kết quả đáng ghi nhận
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Ban triển khai thực hiện 09 dự án, trong đó có 08 dự án vốn vay và 01 dự án TA (viện trợ không hoàn lại), với tổng số vốn: 994,4 triệu USD. Dưới sự chỉ đạo của Ban chấp hành Đảng ủy, các dự án thuộc Ban đã triển khai thực hiện đúng tiến độ, cụ thể:
Năm 2015: Giá trị giải ngân 1.819/1.786 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm; Năm 2016: Giá trị giải ngân 1.715/1.692 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm; Năm 2017: Giá trị giải ngân 2.055/2.055 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm; Năm 2018: Giá trị giải ngân 2.916/2.965 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm; Năm 2019: Giá trị giải ngân 1.152/1.291 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch năm.
Các dự án thuộc Ban đã phát huy hiệu quả đầu tư: Các tiểu dự án thủy lợi, giao thông của Dự án Miền Trung, Tây Nguyên và các tiểu dự án hỗ trợ tổ chức nông dân/HTX dự án VnSAT;
Thay đổi phương thức xử lý môi trường chăn nuôi từ dựa chủ yếu vào công nghệ khí sinh học sang các công nghệ sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ và từng bước thay thế phương thức chăn nuôi sử dụng nhiều nước, gây ô nhiêm môi trường sang chăn nuôi tiết kiệm nước, vừa giảm ô nhiêm môi trường vừa tăng cường khả năng thu gom chất thải chăn nuôi phục vụ nông nghiệp hữu cơ của Dự án LCASP;
Các chợ thực phẩm, các cơ sở giết mổ, các vùng áp dụng quy trình GAHP của Dự án LIFSAP; các cảng cá, bến cá của dự án CRSD được đưa vào sử dụng hiệu góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng dự án, phục vụ tốt nhiệm vụ của toàn ngành nông nghiệp, được các Bộ ngành và các nhà tài trợ đánh giá cao, được nhân dân các tỉnh đồng tình ủng hộ.
Kết quả đầu tư của các chương trình, dự án đã góp phần quan trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp tại các địa phương, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu, thúc đẩy sự nghiệp phát triển chung của ngành NN-PTNT của cả nước, đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực trở thành nước đảm bảo vững chắc về an ninh lương thực cho quy mô 100 triệu dân, đồng thời cũng là một cường quốc xuất khẩu nông sản trên thế giới.
VnSAT – đóng góp tích cực cho Tái cơ cấu 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) thuộc Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ chính với tổng số vốn tương đương khoảng 301 triệu USD.
Dự án khởi động vào năm 2016, đây là một trong những dự án lớn, mang tầm quan trọng của Bộ NN-PTNT, góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị hai ngành hàng lúa gạo và cà phê ở hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm – Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Giám đốc VnSAT An Giang đánh giá: “Dự án VnSAT triển khai ở tỉnh An Giang với mục tiêu là góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.
Với 95.950 người hưởng lợi dự án đã đạt 126% so với chỉ tiêu đề ra; thực hiện 12 tiểu dự án cơ sở hạ tầng cho các tổ chức nông dân đã áp dụng được kỹ thuật canh tác bền vững đạt 50% số hộ hoặc 50% diện tích nhằm tạo điều kiện cho nông dân áp dụng triệt để các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hoá nông nghiệp;
Đồng thời, Dự án VnSAT còn tổ chức nhiều hoạt động kết nối giữa các HTX/tổ hợp tác và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo.
Đến vụ Đông Xuân 2019-2020, diện tích liên kết sản xuất tiêu thụ lúa thông qua hợp đồng giữa các tổ chức nông dân và doanh nghiệp thực hiện được 6.037 ha, đạt 126% so với chỉ tiêu được giao. Các doanh nghiệp tham gia chủ yếu là: Cty CP Tập đoàn Lộc Trời, Cty TNHH Lương thực Tấn Vương, Cty TNHH Angimex…”.
Với những kết quả đã đạt được, dự án đã thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo và cà phê, góp phần đạt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm khí phát thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.
Dự án VnSAT đã được Chính phủ, nhà tài trợ, Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành, địa phương đánh giá rất cao trong việc góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 899/QĐ-Ttg ngày 10/6/2013.
Củng cố Đảng bộ vững mạnh chuẩn bị cho giai đoạn mới
Trong bối cảnh cả nước đang phát huy những thành tựu đạt được của những mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đặt ra, đất nước ta đang trên đà phát triển bền vững, chúng ta chuẩn bị đón nhận những mục tiêu sẽ đặt ra trong Đại hội XIII sắp tới.
Tuy nhiên, trong 05 năm tới, nền kinh tế nước ta bên cạnh nhiều cơ hội song sẽ tiếp tục vẫn có những khó khăn thách thức. Tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ, hạn hán, dịch bệnh… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của ngành nông nghiệp, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện các chương trình/dự án.
Công tác đề xuất, xây dựng dự án mới sẽ ngày càng khó khăn khi nguồn vốn ưu đãi của các Nhà tài trợ giảm, ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư cho toàn nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn nói chung.
Ông Lê Văn Hiến – Trưởng Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp, kiêm Giám đốc Dự án VnSAT cho hay: “Trong giai đoạn mới, Đảng bộ Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp sẽ tích cực, chủ động tham mưu cho Bộ, phối hợp các nhà tài trợ, các đơn vị liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án mới trong giai đoạn tài khóa 2021 - 2026, góp phần vào chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gồm 04 dự án:
Dự án Hỗ trợ phát triển ngành hàng điều, hồ tiêu và cây ăn quả; Dự án Thực phẩm nông nghiệp an toàn tại Việt Nam; Dự án Phát triển Thủy sản bền vững (vốn vay WB) và dự án Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị rau quả thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (vốn vay ADB) với số vốn gần 1,4 tỷ USD. Phấn đấu trong năm 2020, có 02 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án”.
Từ quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả trong 21 năm qua, Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp đã có những con số đáng ghi nhận: 47.636 lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su;
607.000 lượt nông dân được đào tạo về IPM, giống và chăn nuôi gia súc nhỏ; 11.678 lượt nông dân được đào tạo về nâng cao năng suất cây trồng và đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường;
50.000 lượt nông dân được đào tạo, tập huấn về IPM, ICM, xử lý chất thải nông nghiệp sử dụng chế phẩm sinh học; hơn 100.000 lượt người được đào tạo về xử lý chất thải chăn nuôi và sử dụng công trình khí sinh học đúng cách;
9.000 hộ dân tham gia thực hành nuôi trồng thủy sản bền vững, 13.000 ngư dân tham gia quản lý và khai thác thủy sản bền vững; 115.000 nông dân được tập huấn sản xuất lúa bền vững và 26.000 nông dân được tập huấn về sản xuất và tái canh cà phê bền vững;
Hơn 20.000 cán bộ quản lý, kỹ sư nông nghiệp, khuyến nông viên được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; gần 30 viện, trường đại học được đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp.
Gần 5.000 km đường giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại, sản xuất nông nghiệp và vận chuyển nông sản của người dân; hơn 700km kênh mương cùng với công trình hồ đập thủy lợi, 22 trạm bơm được cải tạo giúp đảm bảo lượng nước tưới, tiêu ổn định cho khoảng 100.000 ha các loại cây trồng;
Gần 600 chợ nông thôn và chợ an toàn thực phẩm được cải tạo và nâng cấp tại 18 tỉnh/ thành phố với 25.000 hộ tiểu thương được hưởng lợi; gần 100km đê kè biển và đê kè sông được chống lún, phục hồi và nâng cấp; 21 cảng cá/bến cá và gần 50 vùng nuôi được nâng cấp cơ sở hạ tầng.