| Hotline: 0983.970.780

Bàn về phát triển thủy sản Việt Nam

Chủ Nhật 20/06/2021 , 17:18 (GMT+7)

Năng lực khai thác hải sản tăng quá cao, sản lượng vượt quá xa mức khai thác cho phép, năng suất giảm, nguồn lợi hải sản đang bị suy kiệt...

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nuôi trồng và khai thác hải sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 339/QĐ-TTg) với định hướng Phát triển thủy sản Việt Nam thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 tổng sản lượng thủy sản đạt 9,8 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản là 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD.  

Bảng: Những mục tiêu phát triển thủy sản và kết quả đạt được năm 2020

STT

Các chỉ tiêu

Mục tiêu đến 2020 (QĐ 1690/QĐ-TTg)

Kết quả đạt năm 2020

Mục tiêu đến 2030 (QĐ 339/QĐ-TTg)

1.

Tổng sản lượng thủy sản: (Triệu tấn)

6,5 - 7,0

      8,4

       9,8

1.1

Nuôi trồng thủy sản

4,2 - 4,9

     4,6

       7,0

1.2

Khai thác thủy sản

2,3 - 2,1

     3,8

       2,8

2.

% Cơ cấu sản lượng:

     

2.1

Nuôi trồng thủy sản

65,0 - 70,0

     54,8

       70

2.2

Khai thác thủy sản

35,0 - 30,0

     45,2

        30

3.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản:

(Tỷ USD)   

        8,0-9,0

      8,4

 14-16

Năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,4 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD, tăng gấp 4,8 lần giá trị xuất khẩu năm 2001 (1,76 tỷ USD), Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản. Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, song ngành thủy sản nước ta trên con đường phát triển bền vững đang phải đối mặt với một số thách thức đòi hỏi phải có những giải pháp thích hợp, hiệu quả.

Giảm sản lượng, tăng chất lượng khai thác 

Sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 là 3,8 triệu tấn, vượt 1,5-1,7 triệu tấn so với mục tiêu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010).

Kết quả đánh giá nguồn lợi biển Việt Nam cho thấy sản lượng khai thác hiện tại vượt mức khai thác cho phép với các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu. Năm 1985, sản lượng khai thác trên đơn vị công suất tàu cá trung bình đạt khoảng 1,1 tấn/CV/năm, năm 2019 chỉ đạt 0,26 tấn/CV/năm. Tổng công suất máy tàu năm 2019 là 12-13,5 triệu CV, tăng 3,8-4,3 lần so với năm 2000.

Hiện nay năng lực khai thác hải sản ở nước ta tăng quá cao và sản lượng khai thác đã vượt mức khai thác cho phép, năng suất khai thác giảm, nguồn lợi hải sản đang bị suy kiệt. Giai đoạn 2021-2030 chủ trương giảm sản lượng khai thác thủy sản từ 3,8 triệu tấn/năm xuống 2,8 triệu tấn/năm là phù hợp với trữ lượng, khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Cần giảm sản lượng, nâng chất lượng sản phẩm đánh bắt. Hình ảnh tàu đánh bắt hải sản ở vùng biển Kiên Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cần giảm sản lượng, nâng chất lượng sản phẩm đánh bắt. Hình ảnh tàu đánh bắt hải sản ở vùng biển Kiên Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cấp thiết nâng cấp hạ tầng cảng cá

Đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng các cảng cá cần vốn đầu tư lớn, hiện tại chủ yếu từ nguồn vốn đầu tư công. Thời gian dài vốn đầu tư công cho hạ tầng phục vụ khai thác thủy sản không đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cấp hạ tầng các cảng cá. Việc sớm tăng vốn đầu tư công và xây dựng các chính sách thu hút đầu tư hạ tầng phục vụ khai thác thủy sản từ các nguồn vốn khác cần được quan tâm là hết sức cần thiết.

Để giảm sản lượng khai thác rất cần phải điều chỉnh số lượng tàu, áp dụng hạn ngạch khai thác, cơ cấu nghề theo vùng biển, ngư trường, mùa vụ khai thác trên cơ sở điều tra đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên việc điều chỉnh này không chỉ dựa duy nhất vào cơ sở khoa học là kết quả đánh giá nguồn lợi thủy sản. Các điều kiện kinh tế xã hội khác của quốc gia, từng địa phương cần tính đến khi xác định mức độ, lộ trình điều chỉnh để đảm bảo đạt 2 mục tiêu: khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững và đảm bảo sinh kế của ngư dân. Khai thác hải sản liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp ở các mức độ khác nhau tới sinh kế của cộng đồng hàng triệu người dân vùng ven biển và hải đảo.

Do vậy khi điều chỉnh số lượng tàu, cơ cấu tàu, hạn ngạch, mùa vụ, vùng khai thác thủy sản cần phải tính đến các yếu tố xã hội. Ngư dân sẽ làm gì để đảm bảo sinh kế khi không được cấp giấy phép khai thác hoặc hết hạn ngạch khai thác. Vấn đề này cần các giải pháp, chính sách liên quan đến chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, hỗ trợ ngư dân trong thời gian tuân thủ mùa vụ cấm khai thác, và cần phát triển các lĩnh vực kinh tế khác (nuôi trồng thủy sản, du lịch, công nghiệp...) tạo công việc, thu hút lao động dư thừa.

Nâng cao hiệu quả nuôi tôm nước lợ

Tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của Việt Nam. Năm 2020 diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 740.000 ha, tổng sản lượng tôm nuôi ước đạt 870.000 tấn. Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam (Quyết định 79/QĐ-TTg, ngày 18 tháng 1 năm 2018) đặt mục tiêu đến 2025 tổng sản lượng tôm nước lợ nuôi đạt 1.100.000 tấn.

Trong đó sản lượng tôm sú nuôi quảng canh/quảng canh cải tiến đạt 250.000 tấn, tôm sú nuôi công nghiệp đạt 200.000 tấn; tôm thẻ chân trắng đạt 650.000 tấn. Tăng diện tích và nâng cao năng suất nuôi là hai giải pháp dễ thấy để đạt mục tiêu về sản lượng tôm nuôi vào năm 2025.

Nuôi tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nuôi tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Diện tích, sản lượng tôm nuôi thường là 2 chỉ tiêu được quan tâm trong xây dựng kế hoạch, và các chỉ tiêu này thường tăng theo thời gian ở hầu hết các cấp kế hoạch. Tuy nhiên 2 chỉ số này không phản ánh đầy đủ hiệu quả phát triển nuôi tôm. Do xâm nhập mặn, nước biển dâng ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, mở rộng diện tích các vùng nước lợ mặn đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tạo cơ hội mở rộng diện tích nuôi tôm ở nước ta. Tuy nhiên trên các vùng xâm nhập mặn mới diện tích nuôi tôm nước lợ có nên mở rộng hay không phụ thuộc vào khả năng, lợi thế của nuôi tôm so với các lựa chọn phát triển các hoạt động kinh tế khác.

Giảm tổn thất, đảm bảo chất lượng sản phẩm khai thác

Hiện nay việc bảo quản thủy sản trên tàu chủ yếu áp dụng bảo quản lạnh bằng nước đá, chỉ giữ được chất lượng thủy sản tốt trong thời gian bảo quản ngắn. Chuyến biển của các tàu khai thác xa bờ thường dài ngày, vì vậy chất lượng, giá trị sản phẩm bị giảm đáng kể. Hầm bảo quản sản phẩm trên tàu bằng vật liệu cách nhiệt Polyurethan giúp giảm hao hụt chất lượng sản phẩm, giảm hao hụt đá lạnh trong quá trình bảo quản sản phẩm.

Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại các cảng cá có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sau khai thác. Các tàu cá không phải chờ đợi lâu khi vào cảng do luồng lạch luôn thông thoáng, không bị bồi lấp, cảng đủ chỗ cho tàu cập bến, cầu cảng có mái che hạn chế ảnh hưởng trực tiếp của nắng nóng, cảng có trang thiết bị cơ giới bốc dỡ sản phẩm từ tàu thay thế bốc xếp thủ công, rút ngắn thời gian bốc dỡ… chắc chắn sẽ giảm tổn thất sản phẩm thủy sản sau khai thác.

Hiệu quả kinh tế là vấn đề đầu tiên, quan trọng nhất khi nói về phát triển bền vững nuôi tôm. Hiệu quả kinh tế không giống nhau khi nuôi tôm ở các hình thức  nuôi khác nhau (quảng canh, bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), và phụ thuộc một số yếu tố kỹ thuật và thị trường. Hai yếu tố có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả nuôi tôm, đó là: chất lượng tôm giống và chi phi thức ăn nuôi tôm.

Chất lượng tôm giống ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, tốc độ sinh trưởng của tôm nuôi. Chất lượng tôm giống thường được đánh giá qua các chỉ tiêu liên quan đến sức sống và sinh trưởng của tôm, đó là: tôm giống được sản xuất từ tôm bố mẹ có chất lượng và tôm giống không có các tác nhân gây bệnh nguy hiểm thường gặp trên tôm. Việt Nam đã ban hành các quy chuẩn quốc gia về chất lượng tôm bố mẹ, chất lượng tôm giống, nhưng vấn đề ở khâu thực thi, tuân thủ các quy chuẩn của các nhà sản xuất tôm giống và tính hiệu quả trong quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Quản lý chất lượng tôm giống dựa trên quản lý điều kiện và quá trình sản xuất tôm giống thay cho kiểm soát theo từng lô hàng là phương pháp quản lý hiệu quả, áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước. Hàng năm khoảng hơn 100 tỷ tôm giống được sản xuất từ 2.362 cơ sở sản xuất tôm giống trên cả nước, các cơ quan quản lý thật khó đủ nguồn lực (nhân lực và trang thiết bị) khả thi thực hiện kiểm dịch toàn bộ và đáp ứng thời gian của sản xuất với số tôm giống được sản xuất, lưu thông trên tất cả các địa phương.

Chi phí thức ăn trong nuôi tôm thường chiếm khoảng 60-75% giá thành sản xuất trong nuôi tôm. Chi phí thức ăn nuôi tôm phụ thuộc chất lượng tôm giống, hình thức nuôi (bán thâm canh, thâm canh, tôm - lúa, tôm - rừng…) và giá thức ăn người nuôi phải chi trả. Các hộ nuôi tôm thường phải mua thức ăn qua đại lý nhiều cấp, chi phí, chiết khấu cao ở mỗi cấp đại lý là một trong những nguyên nhân giá thức ăn đến người nuôi phải chi trả cao. Các doanh nghiệp hoặc một số tổ hợp tác, hợp tác xã có vốn, mua thức ăn số lượng nhiều, trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc đại lý cấp 1 thường giá thức ăn thấp đáng kể so với các hộ nuôi mua nhỏ lẻ. Tổ chức các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm và có chính sách, cơ chế để các tổ hợp tác, hợp tác xã, người nuôi có đủ nguồn vốn có thể mua thức ăn trực tiếp hoặc qua ít đại lý trung gian chắc chắn là giải pháp góp phần giảm giá mua thức ăn người nuôi tôm phải chi trả.

Tôm - rừng thân thiện môi trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tôm - rừng thân thiện môi trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nuôi tôm - lúa, tôm - rừng là các hệ thống nuôi tôm thả giống thưa, tận dụng cơ sở thức ăn tự nhiên trong ruộng/đầm nuôi, chi phí thức ăn thấp, ít rủi ro về dịch bệnh, đầu tư không lớn, ít ảnh hưởng đến môi trường, giá thành sản xuất không cao.

Theo ước tính Việt Nam hiện có khoảng 211.900 ha tôm - lúa và khoảng 49.666 ha tôm - rừng, năng suất nuôi tôm hiện nay ở các hệ thống tôm - lúa trung bình đạt 400-500 kg/ha, ở tôm - rừng đạt 200kg/ha. Có thể tăng năng suất tôm nuôi ở các hệ thống này đạt 800-1.000kg/ha ở tôm - lúa, và 400kg/ha ở tôm - rừng khi người nuôi cải tạo, nâng cấp hệ thống mương bao ruộng/đầm nuôi, thả tôm giống chất lượng, tôm giống cỡ giống lớn, thả đúng mật độ... Nếu làm được các việc này từ diện tích nuôi tôm - lúa, tôm -  rừng hiện có hàng năm có thể tăng thêm hàng trăm nghìn tấn tôm nuôi thương phẩm có chất lượng cao, giá thành sản xuất thấp.

Phát triển nuôi biển, trồng rong tảo

Năm 2019 sản lượng nuôi trồng thủy sản biển đạt khoảng 300.000 tấn nhuyễn thể (hàu, ngao), 48.500 tấn cá biển, 1.500 tấn tôm hùm và 120.000 tấn rong biển. Kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản biển ở nước ta. Phần lớn nuôi biển hiện nay đang tập trung nuôi hải sản ở các vùng biển ven bờ, trong các eo vịnh, ven các đảo. Có thể nói nuôi biển cơ bản đã tận dụng hết tiềm năng diện tích mặt nước vùng ven bờ và vượt quá sức tải môi trường ở hầu hết các vùng nuôi. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch bệnh ở các vùng nuôi ven biển.

Nuôi cá bóp trên biển tại huyện Kiên Hải - Kiên Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nuôi cá bóp trên biển tại huyện Kiên Hải - Kiên Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 1999-2010 đã đặt mục tiêu sản lượng nuôi cá biển đến 2010 là 200.000 tấn, nhưng đến năm 2020 mới đạt 24,3% mục tiêu sản lượng nuôi cá biển đã đề ra. Nuôi biển ở các vùng biển mở xa bờ gắn với hình thức nuôi công nghiệp, hạ tầng trang thiết bị hiện đại, sản lượng nuôi lớn, nhu cầu vốn đầu tư cao. Hai câu hỏi chưa có lời giải để phát triển nuôi biển ở các vùng biển mở ở nước ta là: Chính sách nào để khuyến khích các doanh nghiệp, người nuôi đầu tư phát triển nuôi biển ở các vùng biển mở? Phát triển nuôi biển ở quy mô hàng hóa, sản lượng lớn, nhất là nuôi cá biển thì những đối tượng nào được lựa chọn phát triển phù hợp với quy mô, nhu cầu thị trường và có tính cạnh tranh cao? Cá mú/cá song, cá giò/cá bớp biển, cá chẽm/cá vược, cá chim vây vàng… đã, đang là các đối tượng nuôi phổ biến ở nước ta, trong thập kỷ tới quy mô phát triển các đối tượng này như thế nào để phù hợp với quy mô thị trường; đối tượng cá biển/hải sản mới nào có nhu cầu thị trường mà chưa được phát triển nuôi ở nước ta? Khi nuôi biển quy mô công nghiệp, sản lượng lớn không xác định lựa chọn đối tượng nuôi dựa trên đánh giá nhu cầu, quy mô thị trường trong nước và thế giới để có lộ trình, các giải pháp thích hợp sẽ không thể phát triển bền vững nuôi cá biển. 

Rong, tảo biển ngoài giá trị thực phẩm, còn là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm, chế biến thức ăn thủy sản. Sản lượng rong, tảo biển toàn cầu năm 2019 khoảng 31,8 triệu tấn, trong thập kỷ qua tăng trưởng sản lượng bình quân đạt 6,9%/năm, giá trị sản xuất tăng bình quân là 5,4%/năm. Ở Việt Nam, sản lượng rong tảo biển ước đạt 120.000 tấn, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2019 đạt khoảng 11% năm. Tiềm năng phát triển rong tảo ở Việt Nam còn rất lớn, những năm gần đây một số loại rong biển như: rong nho, rong câu, rong sụn được phát triển ở một số địa phương nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của chính thị trường trong nước.

Phát triển trồng rong tảo biển, nuôi cá biển ở nước ta thường chỉ gắn với các vùng nước biển, cùng với sự phát triển của công nghệ và một số lợi thế khác (quản lý, mức đầu tư, hạn chế của diện tích mặt nước…) so với nuôi trồng trên biển, một số nước (Israel, Đài Loan…) phát triển các cơ sở nuôi cá biển, nuôi bào ngư, trồng tảo, vi tảo trên bờ mở ra các triển vọng to lớn phát triển nuôi trồng các đối tượng biển. Các vùng đất cát ven biển đầy nắng như ở miền Trung nước ta cũng rất tiềm năng cho phát triển các cơ sở nuôi trồng tảo, vi tảo biển, nuôi cá biển, tôm hùm trên bờ quy mô công nghiệp.

---------------------------------------------------

Sản xuất hàng hóa lớn, gắn với thị trường

Thu hoạch cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nguồn lực cho công tác thị trường thủy sản hiện tại chủ yếu dựa vào kinh phí nhà nước có hạn, và nỗ lực riêng rẻ của các doanh nghiệp thủy sản. Rất nên có tổ chức chuyên trách, với nguồn tài chính đủ, chủ động trong phát triển thị trường. Rất cần cập nhật thông tin thị trường, đánh giá quy mô, dự báo yêu cầu, nhu cầu, phát triển thị trường mới, dự báo và giải quyết các tranh chấp thương mại có thể xảy ra… Kinh nghiệm của Nauy về công tác thị trường thủy sản: thành lập tổ chức chuyên về xuất khẩu thủy sản (Norwegian Seafood Council), có chính sách tạo nguồn lực cho phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản từ chính nguồn thu xuất khẩu các mặt hàng thủy sản rất đáng để Việt Nam học tập, áp dụng.

Ngày nay, ngoài sản xuất hàng hóa theo yêu cầu thị trường, việc tạo nhu cầu mới (sản phẩm mới, tiêu chuẩn mới…) cho người tiêu dùng là một khuynh hướng phát triển thị trường đã được một số ngành hàng thực hiện, với ngành thủy sản Việt Nam cũng nên quan tâm, đầu tư phát triển các sản phẩm mới, tạo nhu cầu sản phẩm thủy sản mới cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

(Hội nghề cá Việt Nam)

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.