| Hotline: 0983.970.780

Bằng nghị lực phi thường, R’ô Khen giúp đổi thay vùng đất khó 'Hốc Pờ Tó'

Thứ Bảy 13/08/2022 , 14:40 (GMT+7)

Chính quyền đã báo cáo thành tích đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông R’ô Khen vì những đóng góp trong phát triển kinh tế của địa phương.

Ông R'ô Khen (bìa phải) là tấm gương điển hình vươn lên làm giàu ở vùng vùng đất khó khăn. Ảnh. T.A.

Ông R'ô Khen (bìa phải) là tấm gương điển hình vươn lên làm giàu ở vùng vùng đất khó khăn. Ảnh. T.A.

Vươn lên làm giàu ở vùng đất gian khó

Sau khi giải phóng thống nhất đất nước, xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đón nhận hàng trăm hộ dân từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Vùng đất từng được mệnh danh là “Hốc Pờ Tó”, nơi xa xôi cùng cực giữa núi rừng Tây Nguyên đã chuyển mình mạnh mẽ, đời sống kinh tế người dân ngày càng phát triển.

Để có được sự “thay da đổi thịt” đó, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương thì cũng ghi nhận công lao không nhỏ của những con người sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây.

Ông R’ô Khen (thôn 1, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) được xem là tấm gương điển hình của người đồng bào dân tộc Jrai vượt qua mọi khó khăn vươn lên làm giàu của xã Pờ Tó.

Nhớ lại những ngày cơ cực, ông R'ô Khen bộc bạch: “Sau giải phóng, người dân mới kéo nhau lên Pờ Tó làm kinh tế nhưng sản xuất với dụng cụ rất thô sơ (phát-đốt-chọc-tỉa) nên thu hoạch không đủ ăn. Sau đó, nhiều người đói quá phải đi đào củ mài ở trên rừng mang về ăn thay cơm”.

Tiếp thêm câu chuyện, ông R’ô Khen cho biết, khi người dân kinh tế mới ở ngoài Bắc vào lập nghiệp, bà con đồng bào dân tộc thiểu số mới có điều kiện học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất cải thiện dần. Thời bấy giờ, chỉ có một con đường mòn đủ để cho bà con đi làm, cây cối um tùm, thường phải đi theo nhóm từ 2 người trở lên chứ không dám đi một mình.

Chính cuộc sống đói khổ đó buộc ông quyết định nghỉ nghề giáo viên sau gần chục năm gắn bó để về với nương rẫy. Năm 1987, ông R’ô Khen bắt đầu khai hoang được hơn 3 sào đất để trồng lúa, giải quyết cái ăn.

Làm được một thời gian, giải quyết được cái ăn, ông R’ô Khen trồng thêm bắp, đồng thời dành dụm tiết kiệm từng đồng. “Bản thân tôi luôn nghĩ rằng, được mùa nhớ phụ ngô khoai đến khi thất bát lấy ai bần cùng, nên khi sản xuất được 5 bao lúa thì phải biết để dành cho những năm sau”, ông R’ô Khen chia sẻ.

Gia đình ông R'ô Khen hiện sở hữu hơn 27 ha đất trồng cây, thu hoạch trung bình mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: T.A.

Gia đình ông R'ô Khen hiện sở hữu hơn 27 ha đất trồng cây, thu hoạch trung bình mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: T.A.

Với sự chịu thương chịu khó, cần cù lao động, chỉ vài năm sau, ông R’ô Khen tiếp tục mở rộng diện tích để sản xuất, bắt chước người Kinh trồng mía, khoai mì cho năng năng suất cao hơn. Đến năm 2003-2004, số tiền thu được từ trồng mía, khoai mì ông lại tích góp để mua thêm vài ha ruộng rẫy mở rộng sản xuất.

Sau nhiều năm vất vả và nghị lực phi thường, đến nay ông R’ô Khen đã có hơn 27 ha, trong đó 10 ha cây điều ghép, 6 ha trồng mía, 6 ha khoai mì và 2,4 ha lúa... Ngoài ra, ông phát triển chăn nuôi bò để tăng gia sản xuất. Có những thời điểm đàn bò của gia đình ông lên đến 50 con. Trung bình hàng năm, sau khi trừ tất cả các chi phí, cũng đem về cho gia đình ông hơn 1,5 tỷ đồng.

Một thoáng suy tư, ông R’ô Khen bộc bạch: “Giờ tuổi ngày càng già, không kham nổi công việc nữa nên tôi sẽ chuyển phần lớn diện tích sang trồng cây điều. Trồng cây này ít tốn công chăm sóc, có thời gian nhàn rỗi dành cho gia đình nhiều hơn”.

Góp công lớn phát triển kinh tế địa phương

Ngoài việc trực tiếp điều hành mọi công việc của gia đình trong sản xuất kinh doanh, ông R’ô Khen còn trực tiếp phổ biến, hướng dẫn cho các hộ dân trong xã về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mía, điều, khoai mì… Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững.

“So với ngày trước, xã Pờ Tó thay đổi rất nhiều, bà con đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, chăn nuôi. Ngày trước, 1ha trồng lúa bà con chỉ thu hoạch được 10 bao (1 bao 50 kg), còn hiện tại được 15-17 bao. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên ngày càng phát triển, không còn thiếu ăn như trước nữa”, ông R’ô Khen chia sẻ.

Nhờ những người như ông R'ô Khen, xã Pờ Tó đang ngày càng 'thay da đổi thịt', đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Ảnh: T.A.

Nhờ những người như ông R'ô Khen, xã Pờ Tó đang ngày càng "thay da đổi thịt", đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Ảnh: T.A.

Trong sản xuất kinh doanh của gia đình, hàng năm ông R’ô Khen đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động và 40 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, bản thân ông R’ô Khen và gia đình thường xuyên đóng góp, giúp đỡ hàng chục hộ nghèo, khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông R’ô Khen cũng đã tích cực tham gia xây dựng từ năm 2011 đến nay, gia đình đã hiến 1.000 m2 đất để làm đường liên huyện Tỉnh lộ 666 (tại thôn 4, xã Pờ Tó) và đóng góp hàng chục triệu đồng về làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, tham gia vào các hoạt động như mô hình tổ tự quản, chi hội không vi phạm pháp luật, mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp…

Ngoài ra, gia đình ông cùng các mạnh thường quân quyên góp ủng hộ trên 100 triệu đồng nhu yếu phẩm cho công tác phòng chống dịch Covid 19.

Ông Đặng Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã Pò Tó cho biết, trong những năm qua, ông R'ô Khen có đóng góp nhiều trong vấn đề phát triển kinh tế chung trên địa bàn xã Pờ Tó. Đặc biệt, do có uy tín trên địa bàn, ông R’ô Khen có vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền cho bà con người đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

“Với tấm gương đó, xã đã nhiều lần đề nghị huyện Ia Pa và tỉnh Gia Lai tặng giấy khen công dân sản xuất giỏi, đồng thời lấy tấm gương của ông để tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn xã đã nhân rộng được hơn 10 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi và có thu nhập cao”, ông Cường chia sẻ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.