| Hotline: 0983.970.780

Để 'lõi nghèo của cả nước' bớt nghèo

Thứ Sáu 05/08/2022 , 15:32 (GMT+7)

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang là 'lõi nghèo của cả nước'. Thu nhập bình quân nhiều nơi chỉ bằng 40 - 50% bình quân thu nhập trong khu vực.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 ngày 5/8. Ảnh: Phạm Hiếu

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 ngày 5/8. Ảnh: Phạm Hiếu

Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60%

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 ngày 5/8, Ủy ban Dân tộc cho biết, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với trên 14 triệu người, trên 3,3 triệu hộ (chiếm 14,7% dân số cả nước), cư trú thành cộng đồng của 51 tỉnh, thành phố.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường…

Chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 60% tổng số hộ nghèo của cả nước.

Đoàn viên thanh niên tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: TL.

Đoàn viên thanh niên tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: TL.

Theo ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, với dân số trung bình trên 530.000 người, chủ yếu là dân tộc thiểu số, Cao Bằng có dân số nông thôn chiếm khoảng 76%; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 là 33,23% và 13,33%; có 139 xã tham gia thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM

“Đến hết năm 2021, toàn tỉnh mới có 17/139 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 12,2%); 11 xã đạt 15-18 tiêu chí, 64 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, còn 47 xã đạt 5-9 tiêu chí (chiếm 33,8%); bình quân toàn tỉnh đạt 11,3 tiêu chí/xã. Chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; còn 2 huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM. Những kết quả NTM của tỉnh đạt được còn rất khiêm tốn so với bình quân chung của cả nước”, ông Nguyễn Trung Thảo báo cáo tại Hội nghị.

Còn theo ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50,4% số xã trên địa bàn tỉnh, bình quân tiêu chí các xã trên địa bàn tỉnh đạt 15,67 tiêu chí/xã, có 20 xã NTM nâng cao, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 170 vườn mẫu.

Toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đó là TP. Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn NTM năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn NTM năm 2020.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện nay, địa phương đang gặp khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch Trung ương giao giai đoạn 2021 - 2025 cũng như trong thực hiện bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.

Người dân và chính quyền xây dựng đường nông thôn mới tại xóm Nà Piềng, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Thu Hường.

Người dân và chính quyền xây dựng đường nông thôn mới tại xóm Nà Piềng, xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Thu Hường.

“Hòa Bình cũng gặp khó khăn liên quan tới quá trình lồng ghép 3 Chương trình MTQG. Nguồn lực hỗ trợ của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững đều hướng tới các mục tiêu, nội dung, đối tượng hỗ trợ riêng, chưa hoàn toàn hướng tới việc hỗ trợ để các xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2021-2025”, ông Đinh Công Sứ đưa ra vấn đề.

Định hình giá trị, thu hút nguồn lực đầu tư cho khu vực khó khăn

Trả lời báo chí bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau khi khởi động Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Bộ NN-PTNT sẽ chia nhỏ các vấn đề cần triển khai theo từng khu vực đặc thù để có những tư vấn, hướng dẫn sâu hơn, qua đó làm giàu cho từng vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau, từ đó tạo ra các giá trị, nguồn lực để phục vụ cho các chương trình MTQG khác.

“Nói cách khác là chúng ta lấy NTM để nuôi NTM. Ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các địa phương cần tự nhận thức được những giá trị vốn có của mình để tạo ra nguồn lực, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tạo ra sức bật mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Các địa phương cần tự nhận thức được những giá trị vốn có của mình để tạo ra nguồn lực, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tạo ra sức bật mới. Ảnh: TL.

Các địa phương cần tự nhận thức được những giá trị vốn có của mình để tạo ra nguồn lực, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tạo ra sức bật mới. Ảnh: TL.

Theo Ủy ban Dân tộc, với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung và 158 hoạt động, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025) đã bao quát hầu hết các ngành, lĩnh vực. Trong đó mỗi dự án, tiểu dự án, nội dung, hoạt động đều gắn liền với mục tiêu nâng cao các tiêu chí NTM trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các nội dung, hoạt động của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 luôn bám sát và nhằm nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 chính là thiết lập nền tảng cơ bản, đồng bộ, từng bước tạo điều kiện giúp các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoàn thiện các tiêu chí để ổn định, phát triển và xây dựng các xã, thôn nông thôn mới một cách bền vững.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo đề xuất các Bộ, ngành ưu tiên cho các tỉnh khó khăn như tỉnh Cao Bằng được tham gia các chương trình chuyên đề giai đoạn 2021 - 2025 đối với các mô hình mà tỉnh đã đăng ký tham gia như: Chương trình OCOP, Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, Chương trình môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, chuyển đổi số trong xây dựng NTM…

Còn ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất bổ sung hỗ trợ thêm nguồn vốn để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cho các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực; đối với tỉnh Hòa Bình, đề nghị hỗ trợ bổ sung khoảng 1.000 tỷ để thực hiện Chương trình NTM đảm bảo hoàn thành các mục tiêu Trung ương giao.

Đồng thời, ông Sứ đề xuất các Bộ, ngành ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, phát triển sản xuất cho khu vực nông thôn miền núi do điều kiện phát triển hạ tầng xã hội của vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp nên xuất đầu tư xây dựng các công trình lớn; điểm xuất phát so với tiêu chí thấp.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.