Theo Báo cáo Triển vọng Lương thực Thế giới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), sản lượng gạo của Bangladesh được dự báo tăng 1,2% lên mức 39,5 triệu tấn trong niên vụ 2024 - 2025 (từ mức 39 triệu tấn của niên vụ 2023 - 2024). FAO cũng dự báo Bangladesh có thể sẽ phải nhập khẩu 0,4 triệu tấn gạo trong năm 2024.
Dân số Bangladesh đang tăng với tốc độ 1,3% mỗi năm, theo đó nhu cầu gạo cũng tăng. Trong 3 năm qua, tốc độ tăng sản lượng gạo ở mức 0,52%/năm không đáp ứng được tốc độ tăng dân số. Giá gạo trong nước tăng khi sản lượng gạo thấp hơn mức kỳ vọng.
Theo nhà kinh tế nông nghiệp Jahangir Alam Khan, nhu cầu gạo hàng năm của Bangladesh vào khoảng 36 - 37 triệu tấn. Trong đó, 30 triệu tấn cần cho nhu cầu tiêu dùng của con người và 6 - 7 triệu tấn cho các mục đích không tiêu dùng như làm giống, thức ăn chăn nuôi và chế biến.
Nền sản xuất Bangladesh đã phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa, nhưng cũng đối mặt với khủng hoảng trong trường hợp nhà máy xay xát, HTX hoặc nông dân bắt đầu tích trữ gạo.
Trước tình hình đó, ông Wahida Akter, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Bangladesh khẳng định nước này đã có vụ thu hoạch bội thu trong vụ mùa, bất chấp lũ quét và khả năng ảnh hưởng của bão Remal.
“Chúng tôi nỗ lực sản xuất lúa gạo phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế, bất chấp điều kiện khí hậu bất lợi. Sản lượng gạo của chúng tôi cao hơn nhu cầu, do đó Bangladesh sẽ không xảy ra khủng hoảng gạo”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ Lương thực, Chính phủ Bangladesh có lượng gạo dự trữ là dưới 1 triệu tấn tính đến ngày 23/6/2024.
Trong danh sách các nước sản xuất gạo lớn nhất, Bangladesh giữ vị trí thứ 3 trong nhiều năm qua, đứng sau Ấn Độ và Trung Quốc.