| Hotline: 0983.970.780

Bánh cúng ngày xuân

Thứ Sáu 09/02/2018 , 08:31 (GMT+7)

Tết về quê, vô nhà nào nhìn lên bàn thờ, ngoài bộ lư đồng sáng choang, hoa huệ trắng, cúc vàng, cũng thấy bánh in, bánh tháp và bánh phục linh đủ màu nằm lẫn giữa trái cây trên mâm ngũ quả...

I. Năm tôi lên bảy, sáng mùng hai tết, ba bỏ tôi lên yên sau xe đạp, kêu ôm chặt kẻo té rồi đi ra trước ngõ, tằng hắng nói vọng vô.

- Tui chở thằng Tài đi thăm cậu Năm với cậu Sáu xíu. Ở nhà có ai tới thắp nhang, má Hiệp tiếp giùm tui cái nhen.

Ba từ từ đạp xe, vượt cầu Dinh, vô Phong Ấp thăm ông Sáu, rồi vòng ra thôn Một thăm ông Năm. Hai ông là anh ruột của nội tôi. Bà là em út, lại là con gái duy nhất trong nhà nên được các anh thương lắm. Ông Sáu giống bậc hiền triết, người mảnh khảnh, râu dài, mặc bộ bà ba trắng tréo chân bên ấm trà tiếp chuyện. Tôi sợ tới nhà ông vô cùng bởi sau mái hiên có hai cái hòm để sẵn. Nghe đâu hồi nhà có cây mít bị bão đánh gãy. Tiếc của, ông kêu thợ tới đóng hai cỗ quan tài để sau này ông bà mất có sẵn mà chôn. Mấy chục năm trôi qua, gỗ mít tốt nên chẳng mối mọt nào đục khoét được. Hai ông bà sống nhàn nhã trong khu vườn xanh mát, cây trái xum xuê, cơm nước có con cháu lo, nên hai cái hòm vẫn lặng im nằm mãi đó.

10-42-53_img_6188

Nội Năm thì yếu và khắc khổ hơn. Bà mất sớm, để lại ông một mình vò võ nuôi con. Ông cũng râu dài, tóc bạc trắng, mặc bộ bà ba mỡ gà hơi cũ. Vừa nghe tiếng lao xao ngoài ngõ, ông đứng dậy, nhướng cặp mắt mờ đục ra hỏi. Đứa nào đó bây? Dạ con, ba Chỉnh.

Nghe giọng của thằng cháu cưng, ông lật đật đi ra mừng rỡ cầm tay ba chầm chậm dắt vô. Nhà ngoại tường làm bằng đất sét trộn rơm, cửa gỗ, lợp ngói đỏ. Bên trái để bàn tròn với mấy ghế vuông, có ấm trà rọng trong trái dừa lửa và vài cái ly cũ kĩ. Bên phải là bộ đi văng để ngồi chơi vừa là giường ngủ. Trên bàn thờ, bộ lư hương cũ nhưng sáng bóng, có chưng nải chuối, ít trái cây, vài cái bánh in đủ màu ấm cúng.

Ba rút phong bì đỏ, dúi vô tay ông. Con mừng tuổi cậu, ráng sống đời với con cháu. Ông bùi ngùi, đút bao lì xì vô túi, rồi rút ra một cái đưa tôi. Nội mừng tuổi con. Ăn nhiều mau lớn cho ba bây nhờ nhen. Ba tới bàn thờ, đốt nhang, lâm râm khấn vái. Ông Năm nhìn tôi, cười khà khà. Bây thiệt mau lớn. Năm ngoái vô nhà tao có chút bẻo, giờ cao chừng này rồi?

Ông với tay, giở mâm mứt, tụi nhỏ nhà ông làm đó, con ăn cho vui. Tôi ăn mỗi thứ một chút, gừng cay thí bà, mứt dừa và khoai lang ngon quá trời, mứt dẻo có thơm, cà chua, cà rốt trộn lẫn vào nhau. Vừa ăn vừa mút tay thiệt đã. Thấy thằng cháu ngoại thèm ngọt quá đỗi, ông đứng dậy, tới phía sau tủ thờ, mở thẩu, lấy bánh thửng bỏ vô dĩa, đem ra bàn mời tôi với ba ăn rồi nói chuyện.

Như một nghề mẹ truyền con nối, đàn bà xứ này ai cũng biết đổ bánh thửng cho chồng, cho cha có cái nhâm nhi nước trà đãi khách, hay tới dịp rằm, tết, cúng vọng ông bà. Bánh thửng làm bằng trứng vịt ngon hơn trứng gà nhờ lòng đỏ to và sệt. Đập chục trứng vô thau, lấy đũa ăn cơm nắm thành bó, đánh trứng theo chiều kim đồng hồ cho tan. Vừa đánh, vừa đổ đường cát trắng vào cho nổi thành bông, keo đặc.

Đây là công đoạn khó và khổ nhất vì phải đánh đều tay, không được ngừng, sợ bánh sượng. Sau đó trộn bột mì, bột nổi và va ni, đổ vô rây, rải đều vô thau trứng. Tiếp tục đánh nhẹ để bột tan đều, có màu vàng tươi của trứng, chứ không, bánh chẳng xốp mà còn cứng ngắt như đá là tiêu. Nếm sơ, thấy đủ ngọt là dừng tay, nhúm lò than chuẩn bị nướng.

Khuôn bánh làm bằng đồng, có tám lỗ với lằn vân gợn sóng. Lấy bông gòn quấn vô que tre hay đập dẹp cuống lá chuối, nhúng dầu, trét đều khuôn cho khỏi dính. Chờ dầu nóng, múc bột đổ vô lưng chừng khuôn. Đừng đổ đầy bánh sẽ không nở bung ra. Đậy nắp, bắt khuôn lên bếp. Bên trên cũng chất đầy than cho bánh nở chín cả trên lẫn dưới. Khoảng năm phút, mở nắp, lấy tăm xăm nhẹ vào. Nếu tăm khô là bánh đã chín. Lấy vỉ vớt ra chất đầy rổ có lót giấy báo. Bánh chín vàng ươm, bên trên nở ba múi thơm ngào ngạt.

Mẻ bánh ngon sẽ giòn tan, xốp đều, không có mùi tanh của trứng. Ăn bánh thửng phải đúng điệu, từ từ, chậm chậm. Tại bánh khô, thấy ngon quá bỏ vô lủm cái một là mắc nghẹn như chơi. Không cần nhai, vị ngọt của đường, thơm của bột kèm tí va ni, tanh tanh, nồng nồng của trứng vịt sẽ tan đều trên đầu lưỡi. Ăn cái bánh, uống ngụm nước trà, nghe mùi Tết, mùi nhang, mùi nhớ, mùi thương theo cơn gió se lạnh ùa về trong lòng mỗi người con xứ Việt.

Bánh thửng nhà ông không vàng như tôi thường thấy. Nó đen thui nhìn chẳng ngon lành tí nào. Ông mời thì tôi ăn một cái cho nội vui. Nào ngờ nó ngon kinh khủng. Trong khi ba với ông Năm say sưa nói những chuyện xưa lơ xưa lắc, thời vua Bảo Đại còn ở bên Tây, Việt Minh mới về, thì ở bên kia bàn, thằng cháu ngoại họ của ông cứ bốc rồi lủm, lủm rồi bốc. Phút chốc, bốn dĩa bánh chui tọt hết vào bụng nhưng vẫn chép miệng thèm thuồng. Ông vuốt râu, cười khà khà, tới tủ lấy thêm cái bánh in gói trong giấy bạc ra mời tiếp.
 

II. Anh Yên, chị Hiệp cả đời sống bằng nghề làm bánh in bỏ chợ, cái nghề thủ công lẩn quẩn cả ngày trong bếp, quần quật suốt năm, không giàu, chẳng khổ, đủ kiếm đồng ra đồng vào, thu vén nuôi con. Chị bắt đầu làm bánh lúc mới về nhà chồng, giờ gần năm mươi, có cháu ngoại ẵm bồng, đầm ấm.

Trong năm, anh chị làm chủ yếu bánh in hình vuông hoặc tròn, đóng triện chữ Tàu, bên ngoài bao lại bằng giấy nhựa. Mười cái gói thành chục, đem bỏ sỉ ngoài chợ. Người ta mua về bán lẻ ở chợ quê để cúng ông Địa, Thần tài, sẵn tiện sáng sớm rót ấm trà, nhâm nhi cái bánh, ngẫm sự đời đen bạc. Thỉnh thoảng chị làm thêm phong bánh in gói giấy đỏ vàng, người ta mua về bỏ quả, đi hỏi vợ cho con. Ngoài ra còn có me ngào đường, bắp nổ, nui chiên, tai neo cong vòng, xoắn vào nhau, nối luôn nghiệp làm đường tán đã nuôi sống gia đình tôi những năm sau cuộc chiến.

Khoảng tháng chín âm lịch, chị mua bột bánh in, giấy màu và đường cát về trữ cho rẻ. Cuối tháng mười, lụt dứt, nắng lên, chị lôi bột trong kho đổ ra nia, hong sương cho “nguội”. Bột rất nóng, nếu không hong sẽ chẳng ăn đường, đóng khuôn chả được. Tới đầu tháng mười một, chị ngừng làm các loại đường tán, tai neo, thèo lèo, tập trung cho bánh in bỏ chợ tết.

Anh Yên đổ đường cát vô nồi, nấu cho tan, bỏ ít bột chua hay nước cốt chanh để đường khỏi lại. Luôn tiện trộn thêm gừng để bánh được thơm. Trong bếp, mấy anh thợ vạm vỡ, lấy chày gỗ, có tay nắm hai đầu, cán bột với đường thành hỗn hợp bột deo dẻo. Nếm vừa miệng, anh đẩy qua cho thợ bạn nhồi khuôn đóng bánh, còn mình tiếp tục cán nhã bột khác. Bột bánh in được lèn chặt trong khuôn, lấy hoa văn in lên trên, cầm dao cắt thành hình chữ nhật, làm bánh thẻ.

Xưởng nhà chị nổi tiếng làm bánh tháp cao hơn nửa thước, mỗi cái nặng cả kí, khiêng xính rính. Cũng bột bánh in nhồi vô khuôn gỗ, để ít giây cho bánh dính, úp ngược xuống, lấy cây gõ đều chung quanh rồi giở khuôn lên. Bánh có hoa văn rồng phượng uốn quanh, thơm mùi bột, mùi gừng, mỗi năm mỗi to hơn cao hơn để khỏi đụng hàng với xưởng khác.

 

Tết mà, ai cũng muốn nhà mình có cặp bánh tháp thiệt to chưng bàn thờ cho sang để ngầm khoe với xóm giềng là nhà mình khá giả lắm. Bánh tháp đi kèm với cái đế hình bát giác, cũng làm bằng bột bánh in, để dưới chân. Xong cái nào, anh đẩy cái ấy ra cho tụi nhỏ lấy giấy màu gói lại. Màu vàng và đỏ luôn bán chạy hơn các màu khác vì đó là biểu tượng của sự thịnh vượng, sang giàu và phồn vinh cho năm mới.

Bánh phục linh làm bằng bột năng rang chín, trộn với đường (như bánh in) và nước cốt dừa nấu chín. Lấy tay nhồi cho bột ướt nhưng vẫn ở dạng rời chứ không kết thành khối màu trắng ngà dẻo mịn. Muốn biết bột tới hay chưa, hốt một nhúm bỏ vô lòng bàn tay, bóp chặt. Mở ra thấy bột nén lại nhưng chạm nhẹ là vỡ nát. Thành rồi đó, chuẩn bị nhồi khuôn. Khuôn bánh bằng nhựa, có tay cầm, gồm sáu lỗ hình con nai, cành hoa, con rùa, đồng hồ và trái thơm và mặt ông Địa. Nhồi chặt vô khuôn, lấy dao gọt bột dư trên mặt rồi úp xuống mâm, gõ nhẹ để bánh rớt ra ngoài. Nói thì dễ, nhưng chả đơn giản tí nào. Bởi mạnh tay là bánh bể, nhẹ tay thì bánh không dính vô khuôn. Cực trần ai nhé.

10-42-53_img_6367

Để bánh bên ngoài vài tiếng cho khô, rồi nhẹ nhàng gói vào giấy đủ màu, bên trên vặn lại hình hoa. Đem bỏ túi nhựa, mười hai cái thành chùm, mười chùm thành một dây, treo lủng lẳng đủ màu đẹp lắm. Khi ăn bánh không cần cắn mạnh. Cứ để vô miệng là bánh tự động tan ra, vị ngọt của đường, thơm lừng của bột chín và béo nguậy của nước dừa làm người ta mê mẩn.
 

III. Tết về quê, vô nhà nào nhìn lên bàn thờ, ngoài bộ lư đồng sáng choang, hoa huệ trắng, cúc vàng, cũng thấy bánh in, bánh tháp và bánh phục linh đủ màu nằm lẫn giữa trái cây trên mâm ngũ quả. Trong bếp luôn có thẩu bánh thửng, hộp mứt đủ loại và vài cây bánh tét để sẵn.

Những món bánh quen thân mang lại chút không khí xuân về, để đứa con xa nhà, mỗi lần về quê, rưng rưng nghẹn ngào nhớ lại kí ức tuổi ấu thơ, dẫu bây giờ không khí tết chẳng còn như xưa nữa. Lớn hết rồi, chẳng náo nức chờ má mua áo mới, lẽo đẽo theo ra chợ ngó hàng hóa tràn ra đường, chỉ cái này, trầm trồ cái kia, đòi mua tất tần tật cả chợ về ăn tết cho bằng bạn bè trang lứa.

Giờ ít ai bỏ công làm mẻ bánh thửng vàng ươm như năm cũ. Tới rằm lớn hay tết nhất, ra chợ mua một ít người ta làm sẵn về cúng ông bà cho tiện. Lúc dọn ra cũng chẳng mấy ai điếm xỉa chi tới. Buồn ghê. Ham lời, người ta bỏ toàn phẩm màu công nghiệp, chứ không phải màu vàng của lòng đỏ trứng vịt đánh bằng tay cho nổi bọt. Cứ bỏ hết vô máy, thêm ít bột nổi, bấm nút, ít phút là xong.

Rồi mỗi sáng đầu năm, lúc anh Đa bày bánh lên bàn, thắp nhang mời ông bà, ba má về nhâm nhi và phù hộ độ trì cho con cháu một năm yên ổn, nhìn mấy phong bánh in đủ màu, hai tháp bánh cao nhồng và dĩa bánh thửng chị mua ngoài chợ, tôi hay nhớ tới dĩa bánh đen thui năm nào, giờ đã hóa xa xăm.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.