| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 75 năm ngày Phòng chống thiên tai Việt Nam

Bão 'bò đen' - ẩn họa từ ngọn nguồn Tam Đảo

Thứ Năm 13/05/2021 , 08:36 (GMT+7)

Nép mình bên sườn đông dãy Tam Đảo có 10 xã của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Mùa mưa bão năm nào nơi này cũng xuất hiện dông lốc, lũ cuốn cục bộ.

Nhận diện bão "bò đen"

Đó là cách người dân huyện Đại Từ đặt cho những trận cuồng phong, những ục nước từ thượng nguồn Tam Đảo đổ về, ụp xuống.

Người già ở đây nhắc nhở con cháu cách để nhận diện thảm họa từ trời. Cụ Nguyễn Hữu Lẵng (85 tuổi, người xóm Đoàn Thắng, xã Hoàng Nông) đúc rút, mây đen quần tụ trên đỉnh núi thì ai cũng bảo nhau lo mà di tản. Cơ mà gọi là ẩn họa vì có những khi trời vẫn đang nắng mà nghe thấy những tiếng như người gọi nhau, tiếng dạy đất từ núi thì liệu đường mà chạy. Đó chính là lũ ống đang phóng về từ đỉnh núi. Ở Hoàng Nông đã có trường hợp người bị lũ cuốn trôi khi đang đi trên suối. Những ngày có thể xảy ra lũ thường là thời tiết rất khó chịu, oi ả, nóng nực mà dân quen gọi là đoản giời.

Lực lượng xung kích xã Quân Chu (huyện Đại Từ) thực hiện khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Lực lượng xung kích xã Quân Chu (huyện Đại Từ) thực hiện khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Vùng ven Tam Đảo có lượng mưa lớn với mức trung bình từ 1.400 - 1.600mm mỗi năm, tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9. Với đặc trưng địa hình có nhiều sông, hồ, khe suối nên trên địa bàn rất dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, giông lốc, mưa đá.

Ông Nguyễn Xuân Thiêm (Trưởng phòng Quản lý nước và công trình - Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) cho hay, dãy Tam Đảo dựng đứng nhiều khi tạo những rãnh áp thấp, vùng tiểu khí hậu thường xảy ra những cơn mưa lớn, những trận lũ bất thường hoặc lốc xoáy. Bão quần tụ nếu được nhận diện thì còn biết đường mà chạy nhưng mỗi khi nghe trên đỉnh non có tiếng reo, tiếng hú thì rất có thể mưa nguồn đã tạo lũ ống, lũ quét, nước đang lao về.

Hồ Gò Miếu là một trong những công trình thủy nông được quản lý bởi Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên. Hồ được ví như một cái máng khổng lồ để chứa nước từ hàng chục con suối, dòng thác chảy từ đỉnh Tam Đảo xuống. Với chiều cao đỉnh đập lên tới 29,8m, hồ Gò Miếu là hồ cao nhất của tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

Đưa chúng tôi vào thăm công trình, ông Thiêm chỉ con đường dốc, dài gần 2km đến chân đập với 2 bên là những thửa ruộng bậc thang có bờ kè đá chính là dấu tích của dòng chảy và những trận lũ trước đây.

Chị Trần Thị Hương, nhân viên cụm khai thác thủy lợi đầu mối hồ Gò Miếu cho biết, để đảm bảo an toàn vận hành công trình, ngoài các thiết bị quan trắc hiện đại được Công ty đầu tư, lắp đặt thì cán bộ nhân viên cụm còn phải dựa vào kênh thông tin quan trọng từ nhân dân địa phương. Có nhiều hôm trời nắng chang chang nhưng những người đi rừng hái chè lại chạy thục mạng ra ngoài báo hiệu có lũ. Lũ về, lúc 3 - 4 giờ chiều, mực nước còn cách mặt đập 4m nhưng chỉ đến 7 giờ tối, mực nước có khi chỉ còn nửa mét. Những giải pháp khẩn nguy phải được áp dụng kịp thời, hợp lý.

Khẩn trương di dân

Không năm nào bão "bò đen" không ghé thăm Đại Từ. Nhiều địa phương bị "con bò rừng" hung tợn này "oanh tạc" trong vài năm liên tiếp.

Năm 2020, 8 đợt mưa, bão lớn và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến hơn 600 nhà ở, 46 công trình bị hư hỏng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Mới nhất, hôm 22/04/2021, lũ quét thượng nguồn đã phá hủy nhiều công trình trên địa bàn xã Quân Chu.

Ông Đặng Hữu Châm (xóm Chiểm, xã Quân Chu) kể, khoảng 4 giờ sáng, nghe tiếng ù ù trên núi Chóp nón của dãy Tam Đảo, đoán biết sự chẳng lành ông gọi vợ con dậy để chạy ong và đánh tiếng cho bà con chòm xóm. Nhưng lũ thúc nhanh quá, mọi người bỏ của chạy lấy người, con trai ông vội ném cả thùng ong đi mà nhảy lên, bám vào cành nhãn mới thoát chết. Lũ kéo về cơ man nào là đất đá, những viên đá cuội to như thùng phi, bằng cả chiếc ô tô con nằm la liệt. Tiện đường, lũ cuốn cả những công trình phụ và gần 100 thùng ong của gia đình ông đi mất.

Lũ quét mang những khối đá lớn bày la liệt quanh nhà ông Đặng Hữu Châm. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Lũ quét mang những khối đá lớn bày la liệt quanh nhà ông Đặng Hữu Châm. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Sát với núi Chóp nón là núi Mỏ Quạ. Đúng thời điểm núi Chóp nón sạt trượt thì núi Mỏ Quạ cũng tạo nên một vết cào xước khổng lồ. Vết nhám rộng từ đỉnh núi được nhìn thấy từ khoảng cách vài km tính từ đường 261.

Ông Nguyễn Nam Tiến (Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ) cho biết, huyện đã thống kê có 12 hộ với 53 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ tái sạt lở rất cao, đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân. Huyện đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo lập dự án xây dựng khu tái định cư tập trung cho người dân. Ông Tiến cho biết thêm, với khí hậu, địa hình đặc trưng nên trên địa bàn Đại Từ thường xảy ra những diễn biến thiên tai tiêu cực. Chính vì vậy, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn luôn được địa phương coi trọng thực hiện.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.