| Hotline: 0983.970.780

Bảo quản thịt tươi 5-7 tháng

Thứ Tư 03/08/2011 , 14:21 (GMT+7)

Trong quá trình "học việc" ở các lò mổ tại huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), chúng tôi còn được các lái buôn chỉ dẫn "bí kíp" bảo quản thịt.

Trong quá trình "học việc" ở các lò mổ tại huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), chúng tôi còn được các lái buôn chỉ dẫn "bí kíp" bảo quản thịt. Cũng theo các thương lái, loại thuốc này cực độc, có thể giữ thịt tươi lâu mà không bị mất màu. 

>> Bí kíp của giới ''đồ tể''

Lân la bên ngoài một lò mổ, tôi bắt chuyện với một tay lái buôn có tên Truyền, chuyên lấy hàng ở các lò mổ. Sau dăm ba câu chuyện làm quà, tôi đi thẳng vào chủ đề: "Em nghe nói thịt bây giờ thường được ngâm hoá chất cho tươi lâu". Anh Truyền không ngần ngại cho biết: “Dân trong nghề vẫn rỉ tai nhau về những mánh khóe làm ăn. Sách bò tẩy trắng bằng hoá chất là có thực. Tẩm thịt tươi lâu cũng tương tự thôi. Người ta dùng hoá chất để kéo dài thời gian bảo quản. Cụ thể họ có thứ nước trắng không màu không mùi để ướp thịt làm mất mùi ôi và hạn chế mất màu”.

Chúng tôi quay trở lại lò mổ nhà ông Kh ngay tại thị trấn Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, các lái buôn đến “đánh” hàng nườm nượp. Với chủ đích đi tìm bí quyết giữ thịt tươi lâu, chúng tôi tìm mọi cách lái câu chuyện về chủ đề này đối với cánh lái buôn. Thấy chúng tôi chịu khó học hỏi, Nguyễn V. T (một dân buôn chuyên nghiệp) chỉ dẫn tận tình: "Nghề này muốn kiếm ăn được thì nhất thiết phải biết cách chọn thịt. Miếng thịt mình chọn phải còn tươi, phải quan sát họ lọc mỡ (bọt) ra làm sao để cho miếng thịt sạch sẽ, vì loại bọt này mà dính nhiều thì cân nặng, và để lâu thịt sẽ hỏng ngay. Thứ hai là phải biết miếng thịt nào họ bơm nhiều nước, muốn biết được thì phải sờ tay vào xem miếng thịt có khô hay không. Nếu sờ vào thịt trâu, bò nó hít (dính) vào tay mình là miếng thịt đó ít nước. Ngoài ra cũng phải biết miếng thịt nào đã qua tẩm ướp. Nếu không biết được thì lỗ như chơi”.

Được hỏi về cách phân biệt thịt ngon và thịt đã bị tẩm hóa chất để chống ôi, thiu, mặc dù có hơn 10 năm kinh nghiệm bán thịt nhưng anh T thừa nhận bằng mắt thường, đôi lúc chính anh cũng không thể nào "nhận dạng" ngay được 2 loại thịt này.

Theo như lời kể của anh T, khi thịt đã về đến tay các thương lái hoặc đã chia đến các sạp bán lẻ thì mới sử dụng đến “công nghệ” ướp thịt. Trong mùa nắng nóng, đặc biệt là các ngày nắng gắt, những hàng thịt bán buổi sáng còn tồn bao giờ cũng phải sử dụng một ít hóa chất chống ôi, thiu để bảo quản thịt từ thịt bò đến lợn, gà… “Nói là bảo quản nhưng chẳng mấy ai bảo quản bình thường trong tủ lạnh đâu. Vì như thế, thịt vừa bị tái màu mà lại bốc mùi nên mỗi hàng thịt đều phải có những kỹ thuật riêng”, anh T khẳng định.

Cũng theo anh T, các tay lái buôn "ông nào cũng có thuốc tẩm ướp". Người nọ dùng thấy hiệu quả, truyền tai người kia rồi đi mua về chia nhau dùng chung. Vừa nói anh vừa móc trong túi xách ra 5 lọ thuốc và "biếu" chúng tôi 1 lọ về dùng thử. Lọ hóa chất T đưa trong veo, không hề có nhãn mác, chỉ duy nhất một dòng chữ “thúc chín tố”.

"Được lọ bé tí ti này thì dùng bõ bèn gì" - tôi cất tiếng dò hỏi. “Chừng này cũng dùng được hàng tấn thịt. Chú phải biết tùy thịt muốn để lâu bao nhiêu tháng và số lượng nhiều hay ít mà pha chế, nếu ướp khoảng 5 tạ thịt thì pha khoảng 40 lít nước lạnh và khoảng 3 giọt nước hóa chất này. Tuyệt đối không được pha nhiều, nếu pha nhiều thịt dễ bị phân hủy, đổi màu ngay lập tức" - T nhiệt tình hướng dẫn. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết quy trình tẩm ướp được thực hiện như sau: Đổ mấy giọt hóa chất hòa với nước lạnh, dùng gậy quấy đều, nhúng miếng thịt vào khoảng 4 đến 5 giây rồi lấy ngay lên cho ráo nước, sau đó dùng vải màn thấm nước bọc lại thật kỹ cho vào tủ đá đông lạnh. Nếu mua đá cây về chèn xung quanh thì để được 5 đến 7 tháng, lúc lấy ra miếng thịt vẫn tươi và màu thịt vẫn đỏ, rất bắt mắt.

"Có điều này anh lưu ý chú, khi pha chế tuyệt đối không được dùng tay không mà phải đeo gang tay cao su vào vì loại thuốc này rất độc. Cũng đừng nên cho phụ nữ đụng vào vì nghe đâu chị em đang có thai mà hít phải là có nguy cơ bị sẩy, còn người tiếp xúc nhiều là tiệt đường sinh đẻ" - T dặn dò tôi rất kỹ lưỡng.

Để lần rõ nguồn gốc loại hóa chất bảo quản này, chúng tôi đã cạy cục xin thương lái địa chỉ cung cấp thuốc. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi, phần lớn các thương lái đều tỏ ra ngại ngần. Thậm chí còn nói tránh rằng họ không đi mua trực tiếp mà có một số người đi Hà Nội hoặc Lạng Sơn lấy về rồi bán lại. Còn nguồn gốc thuốc, thì họ cũng chỉ biết là từ Trung Quốc.

Liên quan đến thuốc “thúc chín tố”, nhiều tài liệu cho thấy “thúc chín tố” có nhiều loại khác nhau. Hoạt chất có trong “thúc chín tố” là ethrel. Hoạt chất này có trong danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng nhưng chỉ dùng để kích thích mủ cao su. Hoạt chất này cũng có trong đất đèn. Tuy nhiên, sản phẩm được một số người sử dụng phổ biến lại là HOA QUẢ THÚC CHÍN TỐ - một hợp chất hữu cơ do nhiều xí nghiệp khác nhau ở Trung Quốc sản xuất có tác dụng thúc chín nhanh trái cây. Loại nhập lậu sang nước ta có bán trên thị trường thường được đóng trong lọ 5ml.

Cũng theo khuyến cáo, loại thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích đối với mặt và da nên chú ý tránh sự tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Sự phân giải của thuốc sẽ mất tác dụng khi pha trộn với chất kiềm.

Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng chất này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, etylen tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat, một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3.

Đi tìm mua loại hóa chất trên, chúng tôi đã tìm đến chợ thực phẩm tại phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nơi đây nổi tiếng với các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm và nhiều loại dược liệu đặc biệt khác. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về chất phụ gia Trung Quốc để tẩm ướp thịt có thể để được lâu ngày thì hầu hết các chủ cửa hàng tại đây đều lắc đầu không có. Theo chỉ dẫn của thương lái T. ở Thanh Hóa, chúng tôi vòng sang khu bán đồ khô trong chợ Đồng Xuân, khi tôi cầm lọ thuốc ra, đặt vấn đề cần mua thì đều nhận được những cái lắc đầu quầy quậy.

Thấy tôi ngần ngại không muốn rời cửa hàng, anh K chủ một ki ốt trong chợ nói: “Ở đây không bán loại thuốc này đâu, đây là thuốc cấm đấy! Ông đi  nhanh nhanh sang chỗ khác, không có công an đến tôi lại thôi thôi với họ bây giờ”. Bước ra khỏi chợ Đồng Xuân, tôi rút điện thoại gọi T để thông báo "thất bại" trong việc đi mua thuốc thì T trả lời không chút ngạc nhiên: “Chú không mua được là đúng rồi, phải người quen họ với bán. Không phải ai cũng mua được đâu”.

Tìm hiểu thêm về hóa chất kỳ diệu đó, chúng tôi được biết, trên thị trường hiện có bán chui loại hóa chất "thúc chín tố" nhưng là "hoa quả thúc chín tố", được một số đối tượng dùng lén vào mục đích bảo quản, thúc trái cây chín nhanh, đồng đều và đẹp mã.

Có phải loại "thúc chín tố" được dùng để bảo quản, thúc trái cây chín sớm đó được những kẻ vô đạo đức, làm ăn bất chính chuyển "công năng" sang sử dụng để bảo quản thực phẩm hay không? Mức độ độc hại của loại hóa chất này trong bảo quản thực phẩm đến mức nào? Câu hỏi này rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra làm rõ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm