Thổi hồn vào tre
Tìm đến Lữ Quán ngay dưới chân núi Bà Đen Tây Ninh, không khó để hỏi thăm cái tên thân thương “Chú Cuội”, tên thường gọi của anh Lê Ngọc Dư (SN 1987, ở xã Bầu Năng, huyện Minh Châu), bởi lẽ, chỉ bằng những gốc tre thô kệch, anh có thể tạo ra những tác phẩm độc đáo “có một không hai”, ai xem qua một lần không thể rời mắt.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi đã tìm gặp được anh Dư, phải nói như thế bởi vì phần thì anh Dư dã khá nổi tiếng trên TikTok và các mạng xã hội khiến nhiều người sôi sục tìm kiếm, phần thì để tạo ra một sản phẩm hoàn hảo độc nhất vô nhị từ gốc tre, anh Dư phải mất rất nhiều thời gian tìm kiếm những phụ kiện ưng ý.
Anh Dư chia sẻ, từ nhỏ anh đã yêu thích cây tre, nhưng chỉ thực sự "bén duyên" với nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ vài năm gần đây. Thời điểm đó, dịch Covid-19 khiến anh và người anh sinh đôi phải tạm gác công việc tạo mẫu tóc, nhờ đó có nhiều thời gian rảnh để nghiên cứu và thử sức với "nghề tay trái" này.
“Phần vì gia đình không có điều kiện, phần vì có chung sở thích và sự khéo tay, từ bé hai anh em đã tự làm các món đồ chơi từ cây cối quanh nhà. Sau này, nhờ sẵn năng khiếu thẩm mỹ, chúng tôi tiếp tục học hỏi, tham khảo công nghệ và hoàn thiện nhiều sản phẩm độc lạ hơn. Dần dần, niềm đam mê với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được gieo mầm và phát triển từ đó,” anh Dư chia sẻ.
Cầm trên tay một con ốc mượn hồn hay còn gọi là cua ẩn sĩ vừa được lắp đặt xong, anh Dư cho biết thêm, sở dĩ chúng có tên đặc biệt này là vì đây là loài vật thuộc giống giáp xác, có bụng mềm không đối xứng, rất dễ tổn thương nên chúng phải tìm một cái vỏ bọc để bảo vệ và ẩn mình bên trong. "Tấm áo giáp" ấy có thể là lớp vỏ sò rỗng, đá có lỗ rỗng nhưng loại ưa thích nhất của chúng là vỏ ốc biển. Chính những tập tính khác lạ của loài giáp xác bé nhỏ này đã tạo nên một sức hút mãnh liệt để anh tạo ra chúng.
Theo đó, linh hồn của loài ốc này chính là vỏ của chúng, để có được chiếc vỏ độc đáo, anh phải mất hơn 4 tháng lùng sục khắp các rừng tre gai trong và ngoài địa phương. Tiếp đến là phần thân, chân, càng và râu cũng không dễ được tìm thấy do chúng vừa phải đảm bảo độ cong và phải đồng nhất giữa các chiếc chân thì mới đúng theo đặc tính loại ốc này. Sau khi có đủ phụ kiện, việc lắp đặt đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác từng milimet.
Tuy các sản phẩm được chế tác kỳ công, anh Dư đã tạo ra hàng chục tác phẩm độc đáo, bắt mắt. Sản phẩm làm ra đến đâu đều được bán hết đến đó, với giá trị từ hàng triệu đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, với anh Dư, giá trị vật chất không phải là điều quan trọng nhất. Điều quý giá hơn cả là tình yêu sâu sắc anh dành cho cây tre – một biểu tượng giàu ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam.
“Trong phong thủy, cây tre được xem là "vũ khí bí mật" giúp thu tài, hút lộc. Với thân rỗng bên trong, tre gợi lên sự bao dung và cởi mở, đồng thời mang lại năng lượng tích cực, giúp con người đạt được may mắn và thịnh vượng. Đặc biệt, Tre còn là biểu tượng của phẩm chất quân tử mà còn là hiện thân của sự đoàn kết, thủy chung, thanh cao, và bất khuất – những giá trị đặc sắc nhất của con người Việt Nam. Tôi cũng hy vọng các tác phẩm sẽ được lan tỏa rộng rãi, vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia, để bạn bè quốc tế biết đến nghề thủ công độc đáo của người Việt Nam”, anh Dư bày tỏ.
Trong tương lai, anh Dư ấp ủ kế hoạch mở một xưởng chế tác, nơi anh có thể truyền đạt kinh nghiệm và đam mê đến các bạn trẻ có chung sở thích, đồng thời lan tỏa tình yêu với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Sôi động làng nghề tre giữa lòng phố thị
Rời nhà anh Dư, chúng tôi tìm đến Thị xã Hòa Thành, nơi khá nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống từ mây tre đan, các sản phẩm từ cây tre của địa phương vừa đa dạng, vừa bền đẹp, thân thiện với môi trường nên được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân gắn bó với nghề thủ công này suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Vào những lúc cao điểm như dịp cuối năm khi thị trường tiêu dùng tăng mạnh, thì hoạt động của làng nghề càng trở nên nhộn nhịp. Hình ảnh người làm nghề tất bật những công đoạn, tiếng đục đẽo, cưa, tiếng máy mài nhẵn thân tre, uốn thẳng thanh tre trên bếp than củi nóng hiện lên thật sinh động, đặc trưng của làng nghề mây tre đan.
Một trong những cơ sở lâu đời nhất nơi đây có thể kể đến là cơ sở Hùng Phát, tọa lạc tại phường Long Thành Trung được mệnh danh là “đại bản doanh” của nghề mây - tre – lá do ông Võ Thành Phương làm chủ, với hơn chục nhân công làm việc thường xuyên, hàng tháng cơ sở này cung ứng ra thị trường hơn 1.000 sản phẩm đủ các loại, được các công ty xuất nhập khẩu đến tận nơi để thu mua.
Theo ông Phương, lợi thế của các sản phẩm của làng nghề là hầu hết đều làm bằng thủ công, nguyên liệu từ tre, trúc vừa thân thiện với môi trường, vừa có độ bền cao. Đặc biệt, theo lời của các đơn vị thu mua thì các sản phẩm của làng nghề được xuất sang một số nước như: Đài Loan, Pháp và một số nước Châu Phi, nên người dân làm nghề cảm thấy rất vui khi các sản phẩm thủ công của mình được người tiêu dùng ngoài nước biết đến và tin tưởng đặt hàng.
Ông Phương cho biết thêm, mặc dù cở sở sản xuất khá ổn định, nhưng trước sự phát triển mạnh của xã hội, các khu công nghiệp phát triển cũng là lúc làng nghề đối mặt nhiều thách thức khi các sản phẩm từ nhựa ngày càng phổ biến, mẫu mã đa dạng, gọn nhẹ, tiện lợi, giá cả cạnh tranh khiến cho nhu cầu về sản phẩm từ tre, trúc giảm xuống. Bên cạnh đó, khi các khu công nghiệp lần lượt ra đời, thanh niên trong vùng bỏ đi làm công nhân vì đồng lương trong các công ty, xí nghiệp cao hơn (do lúc này nghề đan lát không còn bán chạy, việc làm không ổn định).
“Từ một làng nghề sôi động, nghề đan lát tre, trúc bỗng chốc trở thành việc làm “thời vụ”. Hiện nay, rất ít thanh niên trong xã còn làm nghề này. Nghề đan lát chỉ còn là công việc của “người già và trẻ con”, những người không làm được các việc nặng nhọc khác”, ông Phương trăn trở.
Trước những thách thức lớn trong việc phát triển làng nghề truyền thống, các sở ngành trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã phối hợp để tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề.
Theo kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2022-2025, tỉnh Tây Ninh sẽ phát triển một số ngành nghề mới theo hướng sử dụng lợi thế của mỗi địa phương, tạo những sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn… đó là những mục tiêu quan trọng phải thực hiện.
Trong đó, việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống phải gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, ngành nghề truyền thống còn góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống cho một số bộ phận gia đình ở nông thôn, đặc biệt góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại địa phương, nhằm cụ thể các nội dung, chương trình hỗ trợ bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống.
Ông Trương Tấn Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết biết thêm, Sở cũng đã kiến nghị các sở, ngành liên quan trên địa bàn, hằng năm tiếp tục phối hợp và triển khai thực hiện đồng bộ những chính sách lồng ghép các nguồn kinh phí từ chương trình, mô hình, dự án...nhằm hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
“Sở cũng phối hợp tăng cường tuyên truyền phổ biến công tác bảo vệ môi trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ, cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hóa và gia tăng giá trị sản phẩm; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động… Qua đó, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống bền vững", ông Trương Tấn Đạt chia sẻ.