| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ 25.000ha rừng khỏi nguy cơ suy thoái

Thứ Hai 21/08/2023 , 15:43 (GMT+7)

Đắk Nông Bên cạnh nhiệm vụ giữ rừng, Dự án Quản lý cảnh quan bền vững tại hai tỉnh Tây Nguyên còn đặt mục tiêu giảm phát thải 3 triệu tấn CO2.

Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo ngày 15/8. Ảnh: UNDP.

Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo ngày 15/8. Ảnh: UNDP.

Tại hội thảo “Thách thức và cơ hội cho ngành nông nghiệp ở Đắk Nông trong bối cảnh thực thi Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR)”, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có những giải pháp chủ động trong sản xuất kinh doanh nông sản đáp ứng yêu cầu mới.

Trong lúc chờ chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan, Sở NN-PTNT chủ động đẩy nhanh chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên xây dựng và tích hợp cơ sở dữ liệu các ngành hàng cà phê, hồ tiêu, cao su. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý các vụ phá rừng trái pháp luật.

Hệ thống lại và sẵn sàng cung cấp các thông tin liên quan về vị trí, diện tích, đối tượng vi phạm... đối với các vụ phá rừng trái pháp luật sau ngày 31/12/2020, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc nông sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ khi xuất khẩu sang châu Âu, hoặc khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Sở NN-PTNT cũng tham mưu xây dựng kế hoạch cấp mã số vùng trồng, quản lý mã vùng trồng. Song song với đó, tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông xây dựng kế hoạch, lộ trình để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chuỗi ngành hàng, trước mắt ưu tiên các ngành hàng có liên quan đến EUDR.

Với hơn 40 dân tộc và dân số khoảng 700.000 người, Đắk Nông có khoảng 50% diện tích là đất nông nghiệp và khoảng 45% là đất lâm nghiệp. Đắk Nông được xem là vùng nguyên liệu của nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu như cà phê, hạt tiêu, cao su và hạt điều. Riêng cà phê chiếm gần 20% sản lượng cà phê của cả nước.

Để phát triển bền vững các nhóm ngành hàng trên địa bàn Đắk Nông, từ giữa năm 2022 Bộ NN-PTNT đã phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) khởi động Dự án "Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông" (Dự án iLandscape).

Dự án iLandscape được thực hiện trong 4 năm từ 2022 tới 2026, hướng tới mục tiêu năm 2026, 25.000 ha rừng tự nhiên được bảo vệ, giảm lượng phát thải tương đương khoảng 3 triệu tấn CO2, đồng thời cải thiện sinh kế cho 35% dân số trong 2 tỉnh, đặc biệt là người dân tộc ít người và phụ nữ; và nâng cao tính bền vững trong sản xuất với mục tiêu các hàng hóa chính tăng 25% giá trị.

Tổng ngân sách của dự án là 5 triệu euro, do EU tài trợ thông qua UNDP tại Việt Nam. Ngoài ra, 4 tổ chức quốc tế cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho dự án là: Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Viện Lâm nghiệp Châu Âu (EFI), Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP).

Cà phê được xem là nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Ảnh: TL.

Cà phê được xem là nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Ảnh: TL.

Tập trung vào ngành cà phê, hội thảo xoay quanh 6 chủ đề chính: Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR); tác động tiềm năng của dự luật EUDR đối với ngành nông nghiệp của Đắk Nông; giải pháp thực hiện; cơ chế hợp tác; chiến lược truyền thông và vai trò và sự tham gia của các bên liên quan khi tham gia thực hiện EUDR.

Dự án iLandscape đang hỗ trợ Bộ NN-PTNT và hai tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng trong việc áp dụng cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng, đặc biệt là thực hiện quy định mới về EUDR của Liên minh Châu Âu.

Theo đánh giá của các chuyên gia dự hội thảo, EUDR ảnh hưởng trực tiếp với các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam. Đối với cà phê, EUDR mang tới những cơ hội cho Đắk Nông. Phương thức trồng cà phê lâu đời của tỉnh tạo cơ sở vững chắc để chấp nhận tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, diện tích rừng và sản xuất nông nghiệp được quản lý phù hợp với các nguyên tắc của EUDR. Việc triển khai dự án chuyển đổi canh tác kỹ thuật số là một bước đi đúng hướng nhằm đáp ứng nhu cầu của EUDR trong ngành hàng.

Bên cạnh đó, cà phê Đắk Nông cũng đối phó với một số thách thức. Việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định về nông nghiệp quy mô nông hộ trên khắp vùng trồng cà phê và sự thích ứng của nó với các yêu cầu của EUDR là vô cùng quan trọng. Khả năng truy xuất nguồn gốc và điều hướng các tiêu chuẩn của EUDR trong một khoảng thời gian ngắn, với nguồn lực hạn chế, chắc chắn bị cản trở do thiếu dữ liệu.

Hội đồng Châu Âu vừa thông qua Dự luật Quy định quản lý việc nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, châu Âu sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng, gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, bao gồm chăn nuôi gia súc, các sản phẩm ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ...

EUDR dự kiến áp dụng từ tháng 12/2024 đối với các nhà vận hành xuất, nhập khẩu và từ tháng 6/2025 đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.