Thường xuyên theo dõi triều cường, đo độ mặn
Do tác động của El Nino, mùa mưa kết thúc sớm, nguồn nước từ thượng nguồn đổ về bị sụt giảm nên xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 ở vùng ĐBSCL xảy ra sớm và độ mặn, độ sâu xâm nhập mặn gia tăng.
Ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang cho biết, xâm nhậm mặn mùa khô 2023 – 2024 được dự báo kéo dài ít nhất từ tháng 1 – 4/2024.
Cụ thể, trên sông Cái Lớn, trong tháng 1, tại trạm Xẻo Rô (cách biển 8km) độ năm cao nhất ghi nhận được từ 15 – 17‰ và dự báo đạt đỉnh vào tháng 4 với độ mặn cao nhất là 24 – 26‰. Tại trạm Gò Quao (cách biển 35km) độ mặn cao nhất từ 3 – 5‰, đạt đỉnh từ 13 – 15‰ và tháng 4.
Tương tự, trên sông Cái Bé, tại trạm An Ninh (cách biển 7km) độ mặn cao nhất ghi nhận được trong tháng 1 từ 10 – 12‰ và dự báo đạt đỉnh váo tháng 4 từ 18 – 20‰. Tại trạm Long Thạnh (cách biển 30km) đạt đỉnh mặn vào tháng 4 với độ mặn từ 3 – 4‰.
Chiều sâu xâm nhập mặn trên sông Cái Lớn dự báo trong tháng 1 này là 4‰, nước mặn xâm nhập sâu 35km (đến thị trấn Gò Quao) và độ mặn 1‰ xâm nhập 43km (tới bến phà Xáng Cụt).
Thời gian xâm nhập mặn tăng cao xảy ra vào các ngày triều cường (24 - 26/1). Dự báo trong tháng 3/2024, độ mặn 4‰ sẽ xâm nhập vào sâu 50km (đến kênh Năm Dần) và độ mặn 1‰ xâm nhập 60km (đến đầu kênh Xáng Xà No, tỉnh Hậu Giang). Thời gian xâm nhập mặn tăng cao được dự báo xảy ra vào các ngày triều cường (7 – 9/3 và 14 – 16/3).
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đơn vị đã triển khai các giải pháp để bảo vệ tốt sản xuất lúa vụ mùa và đông xuân 2023 – 2024. Đến giữa tháng 1/2024, tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh là 352.660ha, trong đó lúa vụ mùa 2023 – 2024 gần 72.400ha và lúa vụ đông xuân 2023 – 2024 trên 280.000ha. Hiện phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng từ đẻ nhánh đến trổ, chín. Riêng lúa vụ mùa đang thu hoạch sẽ dứt điểm vào đầu tháng 2/2024.
Với những dự báo trên, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Kiên Giang đã tăng cường theo dõi, cập nhật thông tin tình hình khí tượng, thủy văn của các cơ quan chuyên môn và chia sẻ thông tin với các địa phương và các ngành.
Đồng thời, thông tin kịp thời đến chính quyền các cấp những tình huống thời tiết cực đoan có thể xảy ra và các giải pháp ứng phó an toàn, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bên cạnh đó, vận hành linh hoạt, có hiệu quả các hệ thống cống, công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, ứng phó hiệu quả với hạn, xâm nhập mặn.
Các huyện, thành phố trong tỉnh, nhất là các địa phương ven biển tăng cường kiểm tra các đê bao, công trình thủy lợi nhằm phục vụ cho sản xuất và bảo vệ sản xuất, phát hiện sớm các sự cố để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên theo dõi triều cường, đo kiểm tra độ mặn nước trước khi bơm vào ruộng. Kiểm tra, tu sửa, gia cố bờ bao, bờ thửa, cổng bọng; có giải pháp tích trữ, sử dụng nước ngọt một cách khoa học, tiết kiệm và hợp lý. Đồng thời, bón bổ sung một số loại phân bón, chế phẩm nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho cây trồng.
Tại tỉnh Hậu Giang, tình trạng xâm nhập mặn có thể xảy ra từ các hướng khác nhau. Cụ thể, từ hướng biển Đông, mặn có thể vượt qua sông Hậu và các kênh nhánh như kênh Cái Côn, Mái Dầm và từ Đại Hải (tỉnh Sóc Trăng) qua các trục kênh cấp 2 uy hiếp huyện Châu Thành, TP Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp.
Ngoài ra, các trục kênh chính qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu cũng có thể là nơi mặn xâm nhập vào tỉnh Hậu Giang. Mặn từ các trục kênh này có thể ảnh hưởng đến thị xã Long Mỹ và một phần huyện Phụng Hiệp.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, vùng có nguy cơ hạn, ảnh hưởng mặn đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh có tổng diện tích ước khoảng từ 90.000 - 110.000ha, bao gồm vụ lúa đông xuân 2023 – 2024 và hè thu 2024.
Toàn dân tham gia làm thủy lợi
TP Cần Thơ là địa phương vùng giữa của ĐBSCL. Trong tháng 1/2024, ranh mặn 4g/l ảnh hưởng sâu nhất trên các cửa sông khoảng 30 – 45km. Nhờ hệ thống đê bao khép kín, thuận lợi cho việc tích trữ nguồn nước ngọt, những năm qua, vùng sản xuất lúa của Thành phố được đảm bảo an toàn qua các đợt hạn mặn.
Tuy nhiên, tình trạng khô hạn vẫn xảy ra, do đó các giải pháp tích trữ nước được ngành nông nghiệp Thành phố quan tâm. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2024, ngành nông nghiệp Thành phố đã xây dựng kế hoạch thủy lợi mùa khô trong năm nhằm đưa ra giải pháp ứng phó khô hạn, thiếu nước sản xuất.
Trong đó, phát động phong trào toàn dân tham gia làm thủy lợi, nâng cao nhận thức, hình thành tập quán lâu dài, bền vững trong nhân dân về công tác thủy lợi và ý thức trách nhiệm trong việc tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi sau mỗi năm.
Kế hoạch cũng chú trọng nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tưới tiêu nội đồng bị bồi lắng, ách tắc kết hợp với tu bổ hệ thống đê bao, bờ bao nhằm đảm bảo chủ động trong công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất. Tiêu biểu như quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã triển khai 19 công trình nạo vét, khơi thông dòng chảy, 15 công trình liên quan đến công tác thủy lợi mùa khô, nạo vét kênh thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài hơn 5.100m.
Hiện các cơ quan chuyên môn của Thành phố đang tăng cường công tác ứng phó khô hạn, thiếu nước, dự trữ nước phục vụ sản xuất. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ đã xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, phân định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Theo dõi diễn biến khí tượng, thủy văn, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, cảnh báo xâm nhập mặn.
Vụ lúa đông xuân 2023 – 2024, toàn TP Cần Thơ xuống giống gần 73.000ha. Hiện các trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng. Để diện tích này đảm bảo an toàn, thắng lợi trong mùa khô 2024, ngành nông nghiệp Thành phố khuyến cáo bà con nông dân áp dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa, tưới tiết kiệm nước…
Ngày 23/1, Bộ NN-PTNT ban hành chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 – 2024.
Trong đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương rà soát kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2024 phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn. Xác định rõ nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể. Đồng thời, thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh, các địa phương bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước. Khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng.
Cục Trồng trọt chỉ đạo tổ chức thực hiện lịch thời vụ vụ đông xuân, hè thu năm 2024 ở các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt ở vùng ĐBSCL.