| Hotline: 0983.970.780

Bay đến rìa vũ trụ: Cuộc cạnh tranh mới hứa hẹn bùng nổ

Thứ Hai 19/07/2021 , 09:50 (GMT+7)

Khi bay vào rìa vũ trụ, Richard Branson không chỉ đánh dấu một ngành dịch vụ mới cho loài người, mà còn mở ra một cuộc chạy đua khốc liệt khác.

Một chuyến bay không người lái vào vũ trụ do Công ty Blue Origin triển khai. 

Một chuyến bay không người lái vào vũ trụ do Công ty Blue Origin triển khai. 

Một trong những ứng dụng dễ thấy nhất mà công ty Virgin Galactic đưa ra khi đưa tỷ phú Richard Branson tới rìa vũ trụ, đó là tạo ra bước đệm cho việc vận chuyển điểm - điểm trên Trái đất. Thay vì trở về điểm xuất phát ở bang New Mexico, các kỹ sư có thể tính toán để đưa phi hành đoàn đến một điểm khác ở bên kia địa cầu, giống những gì ngành hàng không thương mại đang làm hiện nay. 

Nếu có thể làm được, những chuyến bay theo quỹ đạo dạng này sẽ giảm thời gian di chuyển từ 12 giờ xuống dưới một giờ. Bên cạnh việc rút ngắn thời gian, ngành du hành vũ trụ còn tránh những rủi ro khi các chuyến bay phải băng qua các đại dương.

Trên khía cạnh vận chuyển, phi thuyền của công ty SpaceX, thuộc sở hữu của ông trùm công nghệ Elon Musk, lại nhỉnh hơn Virgin Galactic. Nguyên do bởi khả năng chịu tải cao hơn, yêu cầu đường băng ngắn hơn, và có thể quay vòng khi hạ cánh.

Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tiễn, công nghệ Shepard mới của công ty Blue Origin, thuộc sở hữu của tỷ phú Jeff Bezos, hoặc Starship của SpaceX vẫn chưa giải quyết được rủi ro khi hạ cánh thẳng đứng ở những khu dân cư đông đúc. Ngoài ra, các khía cạnh pháp lý cần phải được tính toán, chưa kể  các khoản đầu tư lớn vào việc xây dựng và bảo trì các cảng vũ trụ.

Thiết kế SpaceShipTwo của Virgin Galactic đơn giản hơn, nhờ sử dụng một máy bay siêu thanh lớn có tên WhiteKnightTwo, đưa tàu vũ trụ của Richard Branson lên độ cao 15km, trước khi tên lửa đẩy của tàu đưa hành khách lên tới độ cao 80km, rồi rơi tự do trong điều kiện không trọng lượng. Nhưng mục tiêu trước mắt của tỷ phú Branson vẫn là giúp khách hàng trải nghiệm cảm giác bay vào vũ trụ, đồng thời cố gắng giảm áp lực 3G mà họ phải chịu, khi tăng tốc từ 1.500 km/h lên 4.000 km/h bằng tên lửa đẩy.

Những chuyến du hành vũ trụ với chi phí lên tới 250.000 USD/lượt như Richard Branson thông báo, nhóm khách hàng tiềm năng của ông có lẽ chỉ giới hạn cho một số quốc gia giàu có, những người không chỉ yêu cầu mà còn có đủ khả năng chi trả.

Trong lúc chờ những đột phá mới về công nghệ, hướng đi của tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, và hiện là chủ sở hữu Blue Origin, là nâng cao trải nghiệm hành khách. Suất bay đầu tiên cùng ông vào ngày 20/7 tới, trị giá 28 triệu USD, đã được chuyển nhượng thành công cho Oliver Daemen. Nam thanh niên 18 tuổi vốn đăng ký ở đợt bay thứ hai, nhưng sẵn sàng chi nhiều hơn để đi vào lịch sử ngành du hành vũ trụ.

Daemen sẽ bay cùng Jeff Bezos và em trai ông, Mark Bezos, và bà Wally Funk, 82 tuổi, nữ phi công từng tham gia chương trình đào tạo nữ phi hành gia "Mercury 13". Chuyến bay này xác lập nhiều kỷ lục, như Daemen trở thành người trẻ nhất từng bay vào vũ trụ, còn bà Funk là người lớn tuổi nhất.

Mô phỏng căn cứ của con người trên Sao Hỏa. Ảnh: ESA.

Mô phỏng căn cứ của con người trên Sao Hỏa. Ảnh: ESA.

Nếu như trước đây hàng chục năm, cuộc chơi bên ngoài Trái đất chỉ dành cho những siêu cường như Mỹ, Nga, thì nay cánh cửa mở rộng cho rất nhiều công ty tư nhân. Theo một chuyên gia vũ trụ của Bloomberg, việc tiếp cận thị trường vốn dễ dàng cộng với khả năng hoạt động độc lập, không lệ thuộc vào Chính phủ, giúp những quỹ đầu tư tư nhân của Branson, Bezos hay Elon Musk có thể thu hút hàng tỷ USD. Số lượng vệ tinh quay quanh Trái đất được dự báo sẽ tăng khoảng 10 lần, lên ngưỡng 50.000 vào thập niên sau.

Việc "bình dân" hóa những chuyến bay vào vũ trụ cũng là nền tảng để con người đổ bộ lên Mặt trăng hoặc Sao Hỏa trong tương lai. Elon Musk từng ấp ủ hy vọng ấy, nhưng chưa thể giải bài toán "Trở về Trái đất". Cả ông lẫn NASA đều hiểu, không thể mang theo nhiên liệu tên lửa đi thám hiểu cùng rồi trở về, vì quá nặng.

Nếu có thể xây dựng những trạm trung chuyển thiết yếu trong không gian, các tỷ phú ngành công nghệ sẽ giải được bài toán khó nhất ấy. Vấn đề là quyết tâm của họ đến đâu, bởi nguy cơ thiệt mạng, như lời thừa nhận của Elon Musk, là rất lớn.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.