Các đại biểu tiến vào Đại lễ Đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh tham dự phiên bế mạc Đại hội |
Theo THX, tham dự phiên bế mạc có các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và hơn 2.336 đại biểu đại diện cho gần 90 triệu đảng viên và 4,5 triệu tổ chức Đảng cơ sở. Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì lễ bế mạc. Theo kế hoạch, CPC sẽ bầu Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trong phiên họp toàn thể đầu tiên vào hôm nay (25/10).
Sau khi bỏ phiếu, Chủ tịch Tập tuyên bố, CPC lần thứ 19 đã bầu ra Ban chấp hành trung ương khóa tới gồm 204 ủy viên chính thức và Ủy ban Giám sát Kỷ luật trung ương (CCDI) gồm 133 người. Ngoài ông Tập Cận Bình, một số nhân vật nổi bật như Vương Hỗ Ninh, Lưu Kỳ Bảo, Hứa Kỳ Lượng, Tôn Xuân Lan, Lý Khắc Cường, Uông Dương, Trương Xuân Hiền, Triệu Lạc Tế, Hồ Xuân Hoa, Lật Chiến Thư và Hàn Chính cũng được bầu vào CPC khóa 19.
Trong khi đó, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) nhật báo lớn nhất ở Hồng Kông, vị chính khách đáng chú ý nhất thời gian qua là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm CCDI khóa 18- ông Vương Kỳ Sơn đã không có tên trong danh sách Ban chấp hành trung ương đảng khóa mới.
Ông Vương được ví là “soái ca” trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình mang tên “đả hổ diệt ruồi” kể từ khi ông Tập ngồi vào ghế lãnh đạo cao nhất Trung Quốc suốt 5 năm qua.
Theo SCMP, lý do ông Vương Kỳ Sơn xin nghỉ hưu là năm nay đã ở tuổi 69 tuổi, trong nhiệm kỳ vừa qua ông luôn là nỗi khiếp sợ của bè lũ quan tham trong nước.
Theo Reuters, trong số 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 chỉ có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp tục được bầu vào Ủy ban Trung ương khóa 19. Ông Vương Kỳ Sơn và bốn ủy viên còn lại là các ông Trương Cao Lệ, Du Chính Thanh, Trương Đức Giang và Lưu Vân Sơn đều đã quá tuổi quy định và không có trong danh sách ban lãnh đạo mới.
Cũng theo THX, tại phiên bế mạc hôm qua, các đại biểu đã bỏ phiếu về sửa đổi điều lệ đảng, chính thức đưa "tư tưởng Tập Cận Bình" vào bản điều lệ mới. Theo đó, học thuyết mới được gọi "tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới", được ông Tập nêu ra trong báo cáo chính trị dài 68 trang tại khai mạc đại hội đảng hôm 18/10.
Theo giới quan sát quốc tế, kể từ thời Mao Trạch Đông, người sáng lập ra đất nước Trung Quốc hiện đại thì đây là lần đầu tiên một lãnh đạo đương quyền có hệ tư tưởng được ghi nhận và nêu tên chính thức trong điều lệ đảng. Trước đó, ngoài "tư tưởng Mao Trạch Đông", điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc còn ghi nhận cả "lý luận Đặng Tiểu Bình". Tuy nhiên ông Đặng chỉ được thêm tên vào điều lệ đảng sau khi qua đời vào năm 1997. Hãng tin AFP bình luận, tư tưởng mới của ông Tập sẽ là kim chỉ nam cho đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian tới.
Hơn 3.000 nhà báo trong nước và quốc tế đã tới đưa tin về sự kiện Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, trong số đó có 1.818 nhà báo nước ngoài, đến từ 134 quốc gia, tăng 19,6% so với kỳ đại hội trước. |