Nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của ông Tập Cận Bình được giới quan sát xem là sẽ đánh dấu nhiều thay đổi nhân sự. Trong phiên họp mở đầu Đại hội đảng lần thứ 19, dự kiến bắt đầu ngày 18/10, việc sắp xếp nhân sự chủ chốt trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiệm kỳ thứ hai dưới thời ông Tập, sẽ được Ủy ban Thương vụ Bộ Chính trị hé lộ.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, việc sắp xếp nhân sự chịu ảnh hưởng từ hai người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân.
Mặc dù đã rời khỏi vị trí, các cựu lãnh đạo như ông Hồ và ông Giang được xem là có sức ảnh hưởng lớn đến “ai vào, ai ra” trong Bộ Chính trị. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khá nhiều sau những nỗ lực của ông Tập, nhờ chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi”, loại bỏ các phe phái và tập trung quanh ông những cộng sự trung thành, theo South China Morning Post.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập cũng nắm vững hầu hết các lĩnh vực trong hoạch định chính sách, nhờ vị trí chủ tọa của các “nhóm lãnh đạo trung tâm”.
Ngôi sao nào đang lên?
“Đại hội 19 này báo hiệu cho một kỷ nguyên mới dưới thời Chủ tịch Tập. Ông ấy chắc chắn sẽ đề cao những người trung thành, bởi họ có khả năng thực thi chắc chắn và xuyên suốt các chương trình nghị sự của nhóm lãnh đạo trung tâm”, Trần Đạo Ấn, Phó Giáo sư trường Khoa học Chính trị và Luật pháp, Đại học Thượng Hải, cho biết.
Mặt khác, nếu chính sách nghỉ hưu - phi chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn được giữ nguyên, Đại hội 19 tới sẽ chứng kiến 5 trong số 7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị nghỉ hưu, và 6 trong số 25 thành viên Bộ Chính trị cũng hết tuổi cống hiến. Trung Quốc quy định đảng viên từ 68 tuổi không được vào Bộ Chính trị.
Một số cái tên được giới quan sát chờ đợi sẽ trở thành những cộng sự gần gũi nhất của ông Tập Cận Bình.
Lật Chiến Thư
Ông Lật, 67 tuổi, là bạn thân của Tập từ khi họ còn ở tuổi 30, lúc cả hai đều là bí thư cấp huyện của hai địa phương liền kề nhau tại tỉnh Hà Bắc. Ông Lật hiện là Chánh văn phòng Trung ương Đảng, một thành viên ủng hộ vững chắc cho ông Tập trong Bộ Chính trị, đóng vai trò chính trong việc khởi xướng ủng hộ Chủ tịch Tập trở thành “lãnh đạo hạt nhân” của đảng.
Ông Lật cũng là thành viên đầu tiên của Bộ Chính trị ca ngợi Tập Cận Bình là “lãnh đạo hạt nhân” trong một cuộc họp hồi tháng 6 năm ngoái. Tháng 2 vừa qua, ông Lật nói các bài phát biểu của nhà lãnh đạo họ Tập là “hệ thống lý thuyết toàn diện”, chỉ dấu cho thấy một số tư tưởng chính trị của ông Tập sẽ được ghi trong văn kiện đảng.
Trợ lý hàng đầu của Tập Cận Bình, danh xưng được báo giới Hong Kong đặt cho ông Lật, được giao những nhiệm vụ chủ chốt về ngoại giao và chính sách, vượt tầm công việc truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng.
Trong một sự kiện được coi là phá vỡ giao thức ngoại giao, ông Lật được cử sang gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, tiền trạm cho chuyến thăm của ông Tập hồi đầu năm 2015.
Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình cũng bày tỏ sự ủng hộ với ông Lật, khi tham gia một cuộc họp tại tổng hành dinh Văn phòng Trung ương Đảng vào tháng trước.
Vương Kỳ Sơn
Ông Vương có rất ít cơ hội ở lại Bộ Chính trị, dù được coi là ngôi sao chống tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Trung Quốc, với thành tích xử lý hơn 200 quan chức cấp cao và 1,4 triệu cán bộ “nhúng chàm”. Ở tuổi 69, ông Vương quá một tuổi so với tuổi nghỉ hưu không chính thức ở Bộ Chính trị. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Vương vẫn sẽ được trọng dụng ở một vị trí khác, tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong công cuộc “đả hổ, diệt ruồi”.
Trần Mẫn Nhĩ
Ông Trần là một trong những thành viên được giới quan sát “ngắm nghía” kỹ nhất trong số các ngôi sao đang lên, và cũng là người trẻ nhất. Ở tuổi 57, ông Trần có nhiều khả năng được vào Bộ Chính trị.
Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner) là người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của đảng ở Chiết Giang. Ông cũng được nhìn nhận là người có thể kế thừa vị trí lãnh đạo cao nhất của ông Tập.
Trần hiện là Bí thư thành phố Trùng Khánh, trực thuộc trung ương, thay thế cho Tôn Chính Tài, người bị “ngã ngựa” trước thềm Đại hội 19. Trần thậm chí được xem là có thể vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Trước khi đến Trùng Khánh, ông Trần từng 5 năm làm việc trong chính quyền tỉnh Quý Châu. Với sự hỗ trợ của chính quyền trung ương, tỉnh Quý Châu thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu về công nghiệp, trở thành ví dụ hàng đầu của Trung Quốc về giảm nghèo và đổi mới - cả hai ưu tiên của ông Tập.
Hồ Xuân Hoa
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông và là ủy viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị. Ông Hồ từng công tác tại Tây Tạng và được đánh giá có nhiều thành tích trong quá trình làm việc tại Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.
Năm 2008, Hồ Xuân Hoa trở thành lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất Trung Quốc với chức vụ tỉnh trưởng. Một năm sau, Hồ được thăng chức Bí thư khu ủy Nội Mông.
Quyền lực
Báo giới phương Tây và Hong Kong đều chung nhận định ông Tập Cận Bình là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Ông Tập thậm chí còn được tôn xưng là “lãnh đạo hạt nhân”, điều mà người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào không có.
Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắc đến ông Tập trong 2.092 bài báo khác nhau, trong nửa đầu năm nay. Tờ Bloomberg thống kê rằng chưa có lãnh đạo nào ở Trung Quốc được nhắc đến tên nhiều như ông Tập trên Nhân dân nhật báo, kể từ năm 1946.