12/15 chỉ tiêu đạt và vượt
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung, tỉnh nói riêng gặp nhiều khó khăn thách thức. Song, ngành nông nghiệp Bến Tre vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tốc độ tăng trưởng đạt 2,65%, hoàn thành đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông NTM, Bến Tre đã có 67 tổ hợp tác, 75 hợp tác xã tham gia vào xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Toàn tỉnh có 17 vùng trồng nội địa với diện tích trên 808 ha, có 43 vùng trồng xuất khẩu được cấp 93 mã số đang hoạt động với diện tích trên 705 ha, có 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương đạt 25,6% (24.640 ha). Diện tích được thực hiện liên kết đạt 20,6%.
Tỉnh đã công nhận thêm 16 xã NTM, 7 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu. Đến nay, tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh là 96 xã. Bên cạnh đó, có 6 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 37 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Trong năm, Bến Tre có thêm 79 sản phẩm đạt 3 sao (so với kế hoạch đạt trên 137%), nâng số sản phẩm OCOP của toàn tỉnh là 252 sản phẩm, trong đó 192 sản phẩm 3 sao, 56 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 5 sao của 112 chủ thể. Đến hiện tại, số hộ sử dụng nước sạch toàn tỉnh đạt 390.771 hộ, đạt 76,1%, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch năm 2023.
Tập trung 2 mũi nhọn kinh tế vườn và biển
Năm 2024, ngành NN-PTNT tỉnh Bến Tre tiếp tục tập trung 2 mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển đồng thời tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch đất đai và tổ chức lại dân cư nông thôn để phát triển một nền nông nghiệp tập trung, sạch, hữu cơ an toàn, truy xuất nguồn gốc, từng bước ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm nay, ngành NN-PTNT Bến Tre phấn đấu đạt các chỉ tiêu. Diện tích gieo trồng lúa đạt 23.450 ha, sản lượng 110.467 tấn. Diện tích dừa đạt 80.795 ha, sản lượng 711.000 tấn. Diện tích cây ăn trái đạt 25.000ha, sản lượng 315.000 tấn. Đàn bò đạt 240.000 con. Đàn heo đạt 450.000 con. Đàn gia cầm 8,5 triệu con. Trồng rừng tập trung đạt 20 ha. Khoán bảo vệ rừng đạt 2.921 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 1,80%. 100% tàu có đăng ký, trong đó tàu đánh bắt xa bờ 2.050 tàu. Tổng sản lượng thủy sản 511.100 tấn, trong đó khai thác 200.000 tấn và nuôi trồng 311.100 tấn. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt khoảng 80,7%.
Trong xây dựng NTM, Bến Tre quyết tâm xây dựng huyện Mỏ Cày Nam đạt chuẩn huyện NTM. Phấn đấu huyện Châu Thành, Thạnh Phú và Mỏ Cày Bắc cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM, huyện Chợ Lách cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao. Đồng thời, công nhận thêm 17 xã đạt chuẩn NTM, 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2024. Năm 2024, có từ 45 sản phẩm tham gia chu trình đánh giá OCOP đạt từ 3 sao trở lên gồm chứng nhận mới, tái chứng nhận và sản phẩm nâng cấp sao.
Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, năm 2023, chương trình xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Sự thành công này có sự hỗ trợ tích cực của các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, người dân đã nâng cao ý thức về vai trò của chủ thể của mình. Bên cạnh đó, mặc dù, nguồn vốn rất hạn hẹp nhưng nhờ sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh nên đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2023. Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến cuối nhiệm kỳ sẽ có 80% số xã đạt xã NTM (112 xã - PV). Bây giờ đã đạt 96 xã. Nghị quyết năm nay là 17 xã. Như vậy, nếu hoàn thành nhiệm vụ năm nay thì số xã NTM đạt chuẩn sẽ về đích trước 1 năm so với Nghị quyết”, ông Đoàn Văn Đảnh cho biết. Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cũng cho biết thêm, năm nay, nếu số xã NTM nâng cao và kiểu mẫu hoàn thành như kế hoạch thì cũng vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đaii biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Tập trung xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị
Cũng theo ông Đoàn Văn Đảnh, để thực hiện các chỉ tiêu năm 2024, ngành tập trung triển khai thực hiện tốt kết luận 359-KL/TU, đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Bên cạnh đó, lan tỏa cuộc cách mạng nhận thức từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nhất là khẩn trương rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch NTM ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại gắn với phát triển du lịch. Triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh, kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao...
Tại huyện Mỏ Cày Nam, kinh tế nông nghiệp chủ lực dựa trên cây dừa và chăn nuôi. Năm qua với quyết tâm chính trị cao huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn NTM. Về mục tiêu xây dựng Mỏ Cày Nam đạt chuẩn NTM, UBND huyện đã tổ chức các ban, ngành phấn đấu từ đây đến tết Giáp Thìn xây dựng các hồ sơ để gửi các ngành tỉnh góp ý và cố gắng hoàn thành trong quý II/2024.
“Ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, huyện xây dựng vườn dừa hữu cơ, vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị. Tết này, huyện đề nghị các phòng ban sử dụng sản phẩm OCOP của địa phương để làm quà tặng. Đối với xã NTM nâng cao và kiểu mẫu, huyện phấn đấu xây dựng 1 xã NTM kiểu mẫu, 3 xã NTM nâng cao. Trước đây, huyện chỉ đăng ký 2 xã NTM nâng cao nhưng ở huyện cũng quyết tâm xây dựng thêm xã NTM Bình Khánh đạt chuẩn NTM nâng cao”, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam chia sẻ.
Huyện Giồng Trôm là một trong những địa phương phát triển mạnh mô hình dừa hữu cơ. Ông Lê Văn Nhân, Chủ tịch UBND huyện cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các ngành mà đặc biệt là ngành NN-PTNT nên gần đây, địa phương này được nhiều doanh nghiệp tìm đến liên kết, xây dựng vùng trồng và bao tiêu trái dừa tươi xuất khẩu. Tính đến nay, có hơn 10 doanh nghiệp tìm đến đặt vấn đề liên kết bao tiêu trái dừa tươi.
“Sắp tới, địa phương kiến nghị ngành tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, phát huy vai trò quản lý nhà nước về mã số vùng trồng để tránh ảnh hưởng uy tín thương hiệu của ngành. Giồng Trôm mong muốn Sở NN-PTNT hỗ trợ để thực hiện tốt hơn nữa trong xây dựng chuỗi giá trị.”, Chủ tịch UBNd huyện Giồng Trôm bày tỏ.