100 tổ khuyến nông cộng đồng nâng cao tay nghề cho nhà nông
Tại Bến Tre, thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh này đã quan tâm hỗ trợ xây dựng được khoảng 100 tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ). Theo Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Trung tâm Khuyến nông Bến Tre), tùy vào vùng sinh thái, điều kiện và loại hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản mà thành phần của tổ KNCĐ có sự khác nhau, tuy nhiên vẫn nằm trong khung thống nhất chung.
Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện thực tế sản xuất mỗi địa phương mà tổ KNCĐ thể hiện vai trò, chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Cùng với các cơ quan chức năng, tổ KNCĐ sẽ tư vấn, chuyển giao kỹ thuật tốt nhất đến với nông dân.
Ông Châu Hữu Trị, Giám đốc Khuyến nông Bến Tre cho biết: Lực lượng nòng cốt của tổ KNCĐ vẫn là cán bộ khuyến nông, một số nơi có cán bộ tài nguyên môi trường, hội nông dân xã, nông dân sản xuất giỏi..., có nơi mời cả cán bộ trạm trồng trọt và BVTV, trạm chăn nuôi và thú y, một số vùng đặc thù còn có hội viên hội cựu chiến binh, các nghiệp đoàn, thành viên câu lạc bộ nông dân tỷ phú… Để hoạt động thông suốt, có nơi còn có phó chủ tịch UBND xã cùng tham gia.
“Trong các tổ KNCĐ, chúng tôi đặt nặng vai trò, nhiệm vụ cho các kỹ sư, các lực lượng có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ tư vấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chia sẻ các kinh nghiệm, kết nối thị trường, hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích chung của chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Mục tiêu là tạo ra sản phẩm vừa có năng suất đáp ứng được yêu cầu thị trường, bà con nông dân được mùa, được giá. Đồng thời xây dựng được chuỗi hàng hóa có sự kết nối, phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới”, ông Châu Hữu Trị chia sẻ.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của lãnh đạo các địa phương, nhiều tổ KNCĐ đã xây dựng kế hoạch và nội dung hoạt động, hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật canh tác của Trung tâm Khuyến nông Bến Tre.
Thạc sĩ Lê Trí Nhân, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bến Tre, khi các tổ KNCĐ được thành lập, Trung tâm sẽ đến và sinh hoạt cùng với thành viên, cùng nắm bắt nhu cầu thực tế của bà con nông dân. Qua đó, Trung tâm xây dựng quy trình hỗ trợ kỹ thuật để các thành viên tổ KNCĐ nâng cao tay nghề, hướng đến làm dịch vụ tại địa phương. Đây là mục tiêu mà Trung tâm muốn hướng đến trong thời gian tới.
Tổ KNCĐ xã Quới Thành (huyện Châu Thành, Bến Tre) gồm các thành viên nòng cốt là hội viên Hội Nông dân xã, cán bộ tài nguyên môi trường, khuyến nông viên, nông dân sản xuất giỏi. Từ khi thành lập đến nay, Tổ luôn kịp thời hỗ trợ hiệu quả mỗi khi nhà vườn cần tư vấn kỹ thuật.
Ông Đỗ Minh Luân, Tổ trưởng Tổ KNCĐ xã Quới Thành cho biết: Mục tiêu của Tổ là tiếp cận, hướng dẫn khoa học kỹ thuật tiên tiến như tỉa cành tạo tán, chăm sóc cây trồng, nhận biết sâu bệnh hại... để từ đó bà con hiểu được và tự tìm hiểu những giải pháp xử lý đạt hiệu quả.
Trong đợt hạn mặn năm ngoái, qua tổ KNCĐ, bà con thường xuyên được tham dự các hội thảo, tập huấn về giải pháp canh tác cây ăn trái trong điều kiện hạn mặn. Ngoài các giải pháp công trình như củng cố đê bao, nạo vét mương vườn để ngăn mặn trữ ngọt, bà con còn được hướng dẫn biện pháp canh tác trong mùa nắng hạn kéo dài và nước mặn xâm nhập.
Ông Văn Công Năm ở ấp Tiên Chánh, xã Tiên Long (huyện Châu Thành) cho biết, đợt hạn mặn lịch sử năm 2019 - 2020, do thiếu nước ngọt và nhiễm mặn nên vườn sầu riêng 8 công với 160 gốc của gia đình ông đã chết 30 gốc, số còn lại bị ảnh hưởng nặng.
Rút kinh nghiệm từ đợt thiệt hại đó, sau khi kết thúc mùa mưa, ông Chánh cũng như bà con nông dân địa phương hiện đã có ý thức về công tác phòng chống hạn mặn. Năm ngoái, ông quyết định đầu tư 65 triệu đồng để đào hầm 1.200m2, sâu 3,5m, trữ được trên 4.000 khối nước nên mới yên tâm hơn. Ngoài ra, qua hướng dẫn của tổ KNCĐ, ông áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác cho vườn sầu riêng trong mùa nắng hạn và xâm nhập mặn như tưới nước tiết kiệm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ cho cây...
Nhờ làm tốt công tác phòng chống hạn mặn, vụ sầu riêng vừa qua, với 120 gốc, ông Năm thu hoạch được trên 10 tấn trái, bán giá bình quân 60.000 đồng/kg, thu về trên 600 triệu đồng, lãi khoảng 500 triệu đồng. Năm nay, ông rất tự tin và sẵn sàng cùng với vườn sầu riêng của mình vượt qua mùa hạn mặn sắp tới.
Cầu nối liên kết nông dân – doanh nghiệp
Tại Tổ hợp tác sầu riêng Phú Hội (xã Phú Đức, huyện Châu Thành, Bến Tre), thông qua Tổ KNCĐ của xã, bà con được Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Bến Tre tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn sầu riêng theo quy trình để được cấp mã số vùng trồng. Qua đó, bà con tuân thủ các biện pháp quản lý phù hợp, loại bỏ các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là ruồi đục quả và các loại rệp sáp, đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép.
Qua khảo sát đánh giá, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số vùng trồng cho 22,5ha sầu riêng của Tổ hợp tác sầu riêng Phú Hội. Đây là niềm phấn khởi của bà con trong Tổ hợp tác bởi sầu riêng được xuất khẩu với giá cao.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Phú Hội cho biết, sau khi được hướng dẫn thực hiện xây dựng mã số vùng trồng, bà con rất phấn khởi. Tín hiệu đáng mừng này tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định của cây sầu riêng. Bà con cũng thực hiện theo các chuẩn mực, quy định về dư lượng thuốc BVTV, bên cạnh đó áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để đảm bảo đạt yêu cầu chất lượng của nước bạn.
Còn tại xã Tân Phú, cũng thuộc huyện Châu Thành, Tổ KNCĐ được thành lập hồi đầu năm 2023 với 7 thành viên. Ông Trần Văn Út Tám, Tổ trưởng Tổ KNCĐ xã Tân Phú chia sẻ: “Mình tuyên truyền bà con cách thức lựa chọn, sử dụng phân bón, thuốc BVTV đảm bảo chất lượng, hạn chế vấn đề thuốc giả, phân giả, đồng thời đăng ký xây dựng mã số vùng trồng để đầu ra thuận lợi hơn. Ngoài ra, Tổ KNCĐ cũng kết nối với doanh nghiệp bao tiêu, hướng dẫn bà con chăm sóc sầu riêng ra hoa, trái đồng loạt”.
Đặc biệt trong khâu quản lý, chăm sóc, khi giá sầu riêng tăng nóng, nhiều thương lái bất chấp thu hoạch sầu riêng không đủ tuổi dẫn đến giảm chất lượng, mất uy tín, gây hệ lụy cho ngành hàng. Do đó, Tổ KNCĐ xã Tân Phú đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con ghi chép nhật ký sản xuất, nắm chính xác thời gian từ lúc hoa nở đến thu hoạch. Sầu riêng đủ tuổi phải đạt từ 90 - 100 ngày đối với giống Ri6 và 110 - 115 ngày đối với giống Monthong.
Dù khá mới mẻ nhưng các tổ KNCĐ đã thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ của mình trong chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Tổ KNCĐ còn là cầu nối giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước trong thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của ngành, địa phương.
Trong 30 năm qua, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã triển khai thực hiện thông tin, tuyên truyền với khoảng 6.000 lớp. Bên cạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn khuyến nông, Trung tâm đã xây dựng gần 400 mô hình trình diễn khuyến nông, trong đó có nhiều mô hình đã được nhân rộng...