| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre thành công huy động sức dân

Thứ Ba 30/10/2012 , 11:00 (GMT+7)

Huy động sức dân xây dựng NTM là một trong những giải pháp được các địa phương trong tỉnh Bến Tre thực hiện khá thành công.

Huy động sức dân xây dựng NTM là một trong những giải pháp được các địa phương trong tỉnh Bến Tre thực hiện khá thành công. Theo đó, nhiều địa phương nằm ngoài danh sách xã điểm XD NTM đã chọn giải pháp huy động sức dân “mở đường nông thôn” đạt kết quả đáng khích lệ.

LẤY GTNT LÀM BÀN ĐẠP

Xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm là một điển hình trong việc huy động sức dân mở đường thông thôn. Ông Ngô Tú Anh, Chủ tịch UBND xã Long Mỹ, chia sẻ: Lúc nhận quyết định của tỉnh chỉ đạo về việc thực hiện Chương trình MTQG XD NTM, đối chiếu với 19 tiêu chí thì địa phương không biết lấy tiêu chí nào làm bàn đạp xuất phát. Khi đó mọi người nhìn nhận, không có nguồn vốn hỗ trợ từ tỉnh và Trung ương thì việc vận động đóng góp của dân trên vùng đất chật, người đông, ít DN là cả một vấn đề. Một mét đất, một cây trồng đều là tài sản quí giá của bà con.

Từ cái khó đó, UBND huyện Giồng Trôm đã tổ chức cho cán bộ các xã đi tham quan, học tập một số mô hình XD NTM ở An Giang, Củ Chi (TP HCM)… Sau những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm thì BCĐ NTM xã Long Mỹ quyết định lấy tiêu chí GTNT là bàn đạp trong quá trình XD NTM.

Xuất phát điểm làm GTNT tại ấp 6, trước đây lầy lội, khi đó dân đã hiến đất, góp tiền bơm cát, mua sắt, đá, xi măng để làm đường. Đến đầu năm 2010, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con mỗi ngày một tăng nên bà con tiếp tục hiến đất, góp tiền mở rộng con đường bê tông bề ngang 2,2 m, có chiều dài gần 1 km.

Khi con đường hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy ngay hiệu quả, giá trị hàng nông sản gồm: dừa, heo, gà, bò… đã tăng giá 10-20% tùy loại. Cuối năm 2011, khi bắt tay vào XD NTM, địa phương đã lấy con đường GTNT ấp 6 làm mô hình điểm để nhân rộng sang ấp 4.


Bộ mặt nông thôn ở Bến Tre ngày càng thay đổi

NHÂN DÂN ĐỒNG THUẬN CAO

Ông Ngô Tú Anh cho hay, lúc bắt tay vào làm con đường ấp 4, xã đã tập trung toàn bộ lãnh đạo xã trực tiếp xuống địa bàn, bám sát dân để tìm hiểu tâm tư và phân tích rõ hiệu quả kinh tế giữa có đường và không đường giao thông cho bà con hiểu và thế là 300 hộ dân đồng thuận đóng góp hơn 5,7 ha đất sản xuất và hoa lợi trên mặt đất.

Ngoài ra, bà con còn đóng góp 200.000 đồng/1.000 m2 để mua nguyên vật liệu làm con đường dài 1.900 m, mặt đường 2,2 m theo chuẩn NTM với tổng kinh phí 1,8 tỉ đồng. Hiện tại, con đường đã thi công được khoảng 50%, xe ba gác, xe du lịch đã lưu thông vận chuyển hàng hóa, đưa đón người dân từ quê ra thành phố và ngược lại.

Ông Hồ Nhật Tân, ấp 4, xã Long Mỹ đã hiến hơn 500 m2 đất vườn để làm đường, nói: Chỉ với ý nghĩ làm sao đi lại thuận tiện 2 mùa mưa nắng, vận chuyển được hàng hóa, rút ngắn thời gian, bán hàng nông sản được giá thì việc mình hiến đất làm đường sẽ được hưởng lợi dài dài, không chỉ đời mình mà đời con, đời cháu mình cũng được hưởng lợi. Nghĩ vậy nên khi hiến đất, tôi chẳng tiếc. Bây giờ nhìn con đường, thấy sự đóng góp của mình là xứng đáng.

Sống trên mảnh đất thuộc ấp 4 từ sau giải phóng, đến bây giờ người dân nơi đây mới thấy được chiếc xe du lịch về tận nhà. Bây giờ đi Sài Gòn chỉ cần điện thoại cho dịch vụ là có xe đưa đón tận nhà. So với cách đây vài tháng thì nằm mơ cũng chưa thể thấy.

Con đường ấp 4 đang đi vào hoàn thiện đã giúp cho khoảng 300 hộ dân hưởng lợi trực tiếp. Địa phương đang tiếp tục nhân rộng mô hình nhân dân đóng góp làm đường nông thôn sang ấp 3. Con đường ấp 3 nối liền ấp 4 và liên thông sang các xã Lương Phú, Thuận Điền đi về huyện Giồng Trồm và TP Bến Tre đang thi công nền hạ.

Ông Nguyễn Văn Đặng, Tổ trưởng tổ 4, ấp 3, xã Long Mỹ, cho biết: Con đường ấp 3 có chiều dài 1.800 m, từ ngày vận động đến ngày thi công chỉ khoảng 60 ngày. Lúc mới phát động thì bà con có người thuận, người không, tuy nhiên qua sự phân tích của lãnh đạo cấp xã bà con đồng thuận ngay.

Cụ thể ấp 3 có khoảng 400 hộ sinh sống phụ thuộc vào vườn dừa và có 90% hộ chăn nuôi heo, gà. Mỗi khi bán dừa, heo, xe có trọng tải khoảng 1 tấn không vào đến tận nhà vận chuyển được thì giá luôn thấp hơn ngoài đường khoảng 10-20%. Nếu như bà con hiến vài chục hay vài trăm mét đất cùng với hoa lợi trên đất và góp 250.000 đồng/1.000 m2 để đầu tư mở đường thông thoáng thì sẽ hưởng lợi lâu dài đến đời con, đời cháu.

Ông Hồ Văn Thiệt, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Bến Tre, cho biết: Công tác tuyên truyền, vận động người dân góp đất, hoa lợi, góp công, tiền… để làm đường giao thông nông thôn đang được nhiều người dân đồng thuận. Hiện tại, các địa phương đã và đang tập trung nhân rộng mô hình huy động sức dân làm giao thông nông thôn.

Chị Đoàn Thị Diễm, ấp 3, xã Long Mỹ chia sẻ: "Trước đây đường chỉ có tấm đan 8 tấc, hai xe qua mặt phải người dừng người đi, các cua quẹo đã có nhiều người ngã. Cuộc sống gia đình phải đi làm thuê, làm mướn hằng ngày nhưng địa phương vận động hiến đất, dừa, tiền để làm đường thì tôi sẵn lòng đóng góp".

Ông Ngô Tú Anh cho biết thêm: Toàn xã có khoảng 1.200 ha đất nông nghiệp với 2.150 nhân khẩu sinh sống nhưng chỉ có 116 kinh doanh nhỏ lẻ không có DN lớn, xã không nằm trong 25 xã điểm xây dựng NTM nên chưa có được nguồn vốn phân bổ từ Chương trình XD NTM của tỉnh. Vì thế, nếu không huy động sức dân làm GTNT thì không biết bao giờ đường làng thông thoáng.

Kết quả đã có 3/7 ấp đã làm được con đường giao thông đạt theo tiêu chuẩn NTM. So với 19 tiêu chí NTM thì xã đã đạt được 6 tiêu chí: Thủy lợi, điện, bưu điện, y tế, văn hóa, an ninh trật tự đã đạt theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM; 3 tiêu chí đạt 80% là: nhà ở dân cư, giáo dục, hệ thống tổ chức chính trị.

Qua một năm bắt tay thực Chương trình XD NTM, hiện Long Mỹ đã rút ra được một số kinh nghiệm: Công tác tuyên truyền vận động phải đưa lên hàng đầu và phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Đảm bảo tính công khai “dân biết, dân làm, dân kiểm tra và cuối cùng là dân hưởng thụ”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm