Sáng 26/7, tại Hà Nội, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” (SAFEGRO), Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức Lễ ký kết triển khai hỗ trợ của Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” đối với các tác nhân chuỗi giá trị rau, thịt được lựa chọn của Hà Nội.
Mục tiêu của lễ ký kết là thống nhất nội dung triển khai hỗ trợ nâng cấp các tác nhân trong chuỗi, cam kết và duy trì các kết quả hỗ trợ của Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” đối với các tác nhân chuỗi rau, thịt được lựa chọn của Hà Nội.
Các tác nhân chuỗi được lựa chọn triển khai trong giai đoạn đầu là: Chuỗi rau từ Hợp tác xã Văn Đức (Gia Lâm); Chuỗi thịt từ Hợp tác xã Hoàng Long (Thanh Oai); Chợ Văn Đức (Gia Lâm); Chợ Kim Quan (Thượng Thanh, quận Long Biên).
Các nội dung hỗ trợ của Dự án đối với các tác nhân chuỗi không chỉ là các yếu tố kỹ thuật về an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế mà còn triển khai các nội dung về sản xuất, liên kết chuỗi giá trị bền vững, phát triển sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, góp phần tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm nông sản.
Giám sát cộng đồng, bình đẳng giới, nâng cao nhận thức truyền thông, giáo dục, văn hóa an toàn thực phẩm.
Để hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị, Dự án sẽ hỗ hỗ trợ một số trang thiết bị nhằm phục vụ cho việc kiểm soát và cải thiện an toàn thực phẩm.
Các Hợp tác xã điều hành sản xuất sẽ được Dự án hỗ trợ xây dựng hệ thống số hóa quản lý kế hoạch sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Xây dựng bộ quy chế và thành lập nhóm giám sát cộng đồng với thành phần là các nông dân giỏi, nhằm giám sát, quản lý. Hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất, sơ chế an toàn, đúng với các quy định của các hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế.
Điểm khác biệt trong hoạt động triển khai của Dự án đó là có sự tham gia của toàn bộ hệ sinh thái cộng đồng. Các nội dung hỗ trợ được triển khai qua 3 giai đoạn, giai đoạn 1 hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị. Giai đoạn 2 hỗ trợ và kiểm chứng mô hình, giai đoạn 3 tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình. Thời gian hỗ trợ của Dự án dự kiến đến năm 2025.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác Hà Nội cho biết, đến nay Hà Nội đã xây dựng và phát triển 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông lâm, thủy sản. Trong đó, có 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 106 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Đồng thời, Hà Nội cũng đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 900 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm và đặc sản vùng miền, hỗ trợ lưu thông hàng hóa trên địa bàn thành phố.
Để Dự án đạt hiệu quả thiết thực, ông Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Bộ NN-PTNT và các chuyên gia của dự án ngoài việc hỗ trợ cần tiếp tục nhân rộng hỗ trợ các chuỗi nông lâm thủy sản khác của thành phố trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Văn Đức chia sẻ: Dự án mang tính cộng đồng cao, giúp thay đổi nhận thức của người sản xuất; cải thiện được vấn đề môi trường, giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất; nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn, bền vững, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thời gian tới, cần nhân rộng ở nhiều địa phương phương khác để nâng cao chất lượng rau, mang ra thị trường những sản phẩm cạnh tranh hơn.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết: “Chúng ta vừa phải đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng vừa phải xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm của mình. Đây là một dự án lớn, hôm nay chỉ là khởi đầu thôi, trong thời gian 5 năm phấn đấu không chỉ dừng lại ở 2 chuỗi này mà còn lan tỏa, mở rộng sang nhiều sản phẩm khác, nhiều địa phương khác”.