| Hotline: 0983.970.780

Bệnh khảm lá lây rộng, lan nhanh

Thứ Tư 13/09/2023 , 07:36 (GMT+7)

QUẢNG NAM Bệnh khảm lá xuất hiện rồi lây lan nhanh trên nhiều diện tích trồng sắn ở huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) khiến người dân rất lo lắng.

Toàn huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) đã có hơn 1/2 diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: Lê Khánh.

Toàn huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) đã có hơn 1/2 diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Ảnh: Lê Khánh.

Thời gian qua, người trồng sắn ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hiệp Đức đứng ngồi không yên khi nhiều diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Tính đến nay, bệnh đã lây lan ra đến hơn nửa diện tích trồng sắn của huyện này. Hầu hết các ruộng sắn đều đang trong giai đoạn tạo củ nên việc bị nhiễm bệnh có nguy cơ cao ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Trước đó, trong niên vụ năm 2022, bệnh khảm lá cũng đã xuất hiện tại những vùng trồng sắn ở huyện Hiệp Đức khiến nhiều hộ dân mất trắng. Đến năm nay, người dân tiếp tục xuống giống và kỳ vọng gỡ gạc lại, tuy nhiên 2 tháng sau khi xuống giống, một số diện tích sắn bắt đầu có biểu hiện nhiễm bệnh rồi lây lan khiến nông dân rất long lắng.

Gia đình bà Võ Thị Hòa (trú thôn 1, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức) có 1ha đất trồng hoa màu. So với các cây trồng cạn khác như bắp, mía, đậu… thì cây sắn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nên nhiều năm nay, toàn bộ diện tích này bà đều trồng sắn. Những vụ trước, cây sắn phát triển bình thường, cho năng suất và thu nhập ổn định nhưng đến niên vụ năm 2022, toàn bộ ruộng sắn của gia đình bà bị nhiễm bệnh khảm lá.

Cây sắn đang trong giai đoạn tạo củ nên bà con rất lo lắng khi nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Ảnh: Lê Khánh.

Cây sắn đang trong giai đoạn tạo củ nên bà con rất lo lắng khi nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Ảnh: Lê Khánh.

“Bình thường, với 1ha trồng sắn, sau khi trừ chi phí gia đình tôi có lãi từ 40 đến 50 triệu đồng. Nhưng năm ngoái thời tiết nắng hạn, bệnh khảm lá lại lây lan nhanh quá, cả 1ha sắn nhà tôi bị nhiễm bệnh nặng rồi mất trắng, không được củ nào. Năm nay sắn lại tiếp tục bị bệnh, lá xuất hiện các khảm vàng loang lổ, xoăn cong queo, rễ phát triển yếu. Còn vài tháng nữa sẽ thu hoạch, không biết có vớt vát lại được chút nào không”, bà Hòa chia sẻ

Được biết, những giống sắn mà người dân đang trồng chủ yếu là các giống cao sản như PLT01, KM94. Mặc dù sắn bị nhiễm bệnh nhưng do không tìm được nguồn giống đảm bảo, các hộ dân đành chấp nhận sử dụng lại các hom giống cũ, tiềm ẩn mầm bệnh. Việc không chọn lọc kỹ hom giống đã canh tác vụ trước, mua giống không rõ nguồn gốc, côn trùng gây hại cùng với trời nắng hạn cũng tạo điều kiện để bệnh khảm lá lây lan nhanh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây sắn.

“2 năm gần đây, bệnh khảm lá khiến cho việc trồng sắn không còn được hiệu quả như trước. Nếu cứ tiếp tục xảy ra tình trạng này, chắc tôi phải chuyển qua trồng các loại cây khác như mía, ngô. Cây sắn dễ trồng, đầu tư thấp, cho thu nhập cao nên chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng tìm ra nguồn giống không bị nhiễm bệnh, năng suất cao để bà con tiếp tục gắn bó với cây trồng này”, bà Võ Thị Ba, một hộ trồng sắn ở khối phố Bình An, thị trấn Tân Bình (huyện Hiệp Đức) nói.

Người dân mong muốn sớm có giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh để canh tác vì trồng sắn cho hiệu quả cao hơn các loại cây trồng cạn khác. Ảnh: Lê Khánh.

Người dân mong muốn sớm có giống sắn sạch bệnh, kháng bệnh để canh tác vì trồng sắn cho hiệu quả cao hơn các loại cây trồng cạn khác. Ảnh: Lê Khánh.

Theo ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Đức, toàn huyện có 216ha sắn thì hiện đã có 120ha bị nhiễm bệnh khảm lá, nhiều nhất là ở thị trấn Tân Bình. Những diện tích bị nhiễm trong niên vụ này đa số là những giống sắn cũ người dân lấy để trồng lại.

“Bệnh khảm lá sắn là bệnh do virus gây ra và không thể điều trị hiệu quả, chỉ còn giải pháp thay giống mới. Niên vụ năm nay, Trung tâm đã đưa vào trồng thử nghiệm giống sắn HN3, hiện cây đang trong giai đoạn cho củ và bước đầu cho thấy khả năng kháng bệnh khảm lá tốt. Kết thúc vụ sản xuất này, ngành nông nghiệp huyện sẽ có kế hoạch hỗ trợ giống sắn mới kháng bệnh khảm lá để thay thế giống cũ”, ông Lê Văn Hòa thông tin.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.