| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Tây Nguyên 'săn đón' giống sắn HN3, HN5

Thứ Năm 30/03/2023 , 09:15 (GMT+7)

GIA LAI Giống sắn (khoai mì) HN3 và HN5 đang được nông dân Tây Nguyên săn đón vì không chỉ kháng được 100% bệnh khảm lá, mà còn cho năng suất 'không thể tin nổi'.

UBND huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức hội thảo tổng kết mô hình thâm canh cây sắn giống mới, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Theo đó, giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3 và HN5 đã có kết quả đầy mỹ mãn với năng suất vượt trội.

z4220091883527_2b678d8c9d94c58b8a1102910e403318

Giống sắn HN3 và HN5 cho năng suất vượt trội. Ảnh: Đăng Lâm.

Hết lo bệnh khảm lá

Bệnh khảm lá sắn được phát hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai vào năm 2018 trên giống sắn HLS11. Tại đây, bệnh lây truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh.

Nếu như năm 2018, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Krông Pa diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá là 7,436ha thì đến năm 2022 con số này đã trên 14.000ha.

Nguyên nhân là do nguồn bệnh sẵn có còn sót lại trong đất và người dân sử dụng cây sắn đã bị nhiễm bệnh ở niên vụ trước làm hom giống để trồng lại. Ngoài ra, phần lớn nông dân hiện nay đều sử dụng phương thức canh tác quảng canh, không bổ sung dinh dưỡng sau mỗi vụ thu hoạch mà chủ yếu tập trung khai thác và “bóc lột” dinh dưỡng có trong đất.

Đặc biệt, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Krông Pa nói riêng chưa có hom giống sạch bệnh, kháng bệnh hoàn toàn, dẫn đến bệnh ngày càng lây lan trên diện rộng.

z4220086671531_72db159eddda2d3be3da92f10050d0ce

Nhiều người dân thích thú khi chứng kiến giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3 và HN5 cho củ rất nhiều, to và đồng đều. Ảnh: Đăng Lâm.

Trước những vấn đế cấp bách đó, năm 2022, UBND huyện Krông Pa đã xây dựng mô hình trồng giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3 và HN5 từ nguồn vốn sự nghiệp. Theo đó, mô hình triển khai thực hiện trên địa bàn 5 xã gồm: Chư Ngọc, Uar, Chư Rcăm, Chư Đrăng, Ia Rmok và thị trấn Phú Túc với tổng diện tích 20ha.

Tại đây, người dân được hỗ trợ đầu tư 50% giống, vật tư. Cụ thể, nhà nước hỗ trợ 100 bó hom giống/ha giống HN3, HN5; người dân đối ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi các hộ dân thu hoạch, nhà nước thu hồi 80% hom giống trên diện tích đăng ký mô hình để cấp cho các hộ đăng ký trong năm tiếp theo. Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ 70% hệ thống tưới tiết kiệm, người dân đối ứng 30%.

Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, hiện nay giống sắn HN3 và HN5 sinh trưởng phát triển rất tốt. Đặc biệt, giống sắn này kháng bệnh khảm lá 100%. Thậm chí, huyện cũng đã thử nghiệm trồng xen kẽ giống HN3 và HN5 với các giống sắn khác và cũng không bị lây bệnh khảm lá.

Cũng theo ông Châu, phía Bộ NN-PTNT cũng đã khẳng định hai giống sắn HN3 và HN5 kháng bệnh khảm lá 100%, có điều giống sắn này phù hợp và đảm bảo hàm lượng tinh bột ở vùng đất Krông Pa hay không mà thôi. Tuy nhiên, sau thời gian thử nghiệm cho thấy cả hai giống HN3, HN5 đều rất phù hợp để nhân rộng và phát triển ở huyện Krông Pa.

Năng suất "không thể tin nổi"!

Tại buổi hội thảo, hàng trăm nông dân từ các huyện của tỉnh Gia Lai và các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên, Tây Ninh… đã trực tiếp đến huyện Krông Pa chứng kiến giống sắn HN5 được người dân thu hoạch ngay tại vườn. Tại đây, trung bình 1 gốc sắn cho năng suất trung bình trên 10kg. Theo tính toán, chỉ cần 1 gốc sắn cho sản lượng 5kg thì 1ha cũng đã đạt trên 50 tấn.

z4220091964601_6244601a1d764fb30431110ed5e0b326

Trung bình 1 gốc sắn tại mô hình cho năng suất hơn 10kg. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Ksor Nan (buôn Nông Siu, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) cho biết, thật không thể tin nổi 1 gốc sắn lại có nhiều củ, củ to đều nhau đến như vậy. Rõ ràng, giống HN3 và HN5 có năng suất vượt trội hơn rất nhiều so với các giống sắn khác mà người dân nơi đây đã từng trồng.

“Gia đình tôi trồng 8 sào bằng giống sắn cũ KM140 cho năng suất chỉ hơn 10 tấn, sau khi trừ chi phí chỉ lời khoảng vài triệu đồng. Chúng tôi rất mong mùa vụ tới được nhà nước hỗ trợ giống HN5 về trồng để tăng năng suất, cải thiện thu nhập cho gia đình”, ông Ksor Nan chia sẻ.

Chứng kiến giống sắn HN5 cho năng suất vượt trội, ông Ksor Yel (xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa) cho biết, nhà trồng 4ha sắn giống cũ từ hơn 4 năm nay, năng suất chỉ khoảng 15 tấn/ha, đây là lần đầu tiên ông thấy giống sắn HN5 tốt đến như vậy. Đặc biệt, HN5 lại không bị bệnh khảm lá, điều mà người dân luôn lo lắng mỗi khi xuống giống.

“Rất mong nhà nước sớm nhân nhanh hai giống sắn này để hỗ trợ người dân tiếp cận để trồng từ vụ sau, giúp tăng năng suất, chất lượng, ổn định thu nhập”, ông Ksor Yel bộc bạch.

z4220092098412_ba463c13040402696a81876cff664b0f

Huyện Krông Pa hi vọng sớm nhân nhanh nguồn giống sắn HN3 và HN5 để đưa ra sản xuất. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Nguyễn Hùng (Viện Di truyền nông nghiệp, Bộ NN-PTNT) cho biết, với việc canh tác bình thường, giống sắn HN3 và HN5 đã có thể cho năng suất trên 30 tấn/ha. Còn để đạt trên 50 tấn/ha, người dân cần phải chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, phân bón đầy đủ. Đặc biệt, HN3 và HN5 là giống kháng bệnh khảm lá không chỉ ở mùa vụ đầu tiên mà cả những mùa vụ sau này. Chính vì vậy người dân có thể yên tâm sử dụng hai giống sắn này để giải bài toán bệnh khảm lá và cho năng suất vượt trội.

Trước những tính năng vượt trội của giống sắn HN3 và HN5, ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa đã đề nghị Sở NN-PTNT Gia Lai phối hợp cùng các sở, ngành thúc đẩy sớm việc công nhận các giống sắn kháng bệnh khảm lá cho vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.

“Hiện nay nguồn giống rất khan hiếm, giá thành cao nên người dân mua không được. Chính vì vậy, việc hỗ trợ nhanh cho người dân những giống sắn không bị bệnh khảm lá để đưa vào sản xuất đang là vấn đề rất quan trọng”, ông Châu cho biết.

TS Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng khoa Nông lâm nghiệp (Đại học Tây Nguyên) cho biết, giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3 và HN5 rất phù hợp trồng trên đất nghèo như ở huyện Krông Pa. Để giống sắn này phát triển tốt, người dân cần lên mặt luống rộng 30-40cm và thực hiện trồng đứng cây. Bên cạnh đó, giống sắn HN3 và HN5 chỉ trồng tối đa 8 - 9 tháng sẽ phải thu hoạch để đạt năng suất cũng như lượng tinh bột tốt nhất.

“Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện ươm giống trong nhà màng với công suất có thể đáp ứng tốt cây giống cho người dân. Địa phương nào có nhu cầu, chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn kỹ thuật xây dựng nhà màng để nhân nhanh giống HN3 và HN5 phục vụ người dân”, TS Minh chia sẻ.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.