| Hotline: 0983.970.780

Bèo bọt chế độ thú y viên cấp xã

Thứ Năm 12/05/2022 , 08:38 (GMT+7)

Gắn bó với công việc thú y xã ngót 40 năm, nhưng đến nay phụ cấp mỗi tháng của bà Lưu Thị Duyên chưa đến 1,5 triệu đồng, không đủ tiền xăng xe đi lại.

Bà Lưu Thị Duyên tư vấn chuyên môn về phòng bệnh cho gà ở xã Tân Tiến. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Lưu Thị Duyên tư vấn chuyên môn về phòng bệnh cho gà ở xã Tân Tiến. Ảnh: Đinh Mười.

Phụ cấp không đủ đổ xăng

Hệ thống thú y ở cơ sở tại Hải Phòng vẫn còn đầy đủ và hoạt động hiệu quả trong những năm qua, tuy không bết bát như ở một số địa phương, song chế độ chính sách cho lực lượng thú y viên cấp xã, phường thực sự rất đáng buồn.

Bà Lưu Thị Duyên, trú tại xã Tân Tiến, huyện An Dương có lẽ là thú y viên kỳ cựu nhất ở Hải Phòng bởi năm nay đã bước sang tuổi 65. Ở cái tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi để vui vầy với con cháu nhưng bà Duyên còn nhanh nhẹn, hàng ngày vẫn tự đi xe máy rong ruổi khắp các đường làng ngõ xóm, các trang trại,… để tiêm phòng và chữa bệnh cho vật nuôi.

Gặp chúng tôi khi đang đi tiêm vacxin cho gà tại gia đình ông Đỗ Trọng Hùng, thôn Do Nha, xã Tân Tiến, bà Duyên chia sẻ, sau khi ra trường năm 1983, bà gắn bó với lĩnh vực thú y cho đến tận hôm nay.

Ngót nghét 40 năm lăn lộn với nghề nhưng do chỉ làm ở cấp xã nên bà Duyên không được biên chế, chỉ hợp đồng với Trạm thú y huyện An Dương và được trả phụ cấp thù lao mang tinh chất hỗ trợ gọi là.

“Năm 1983, khi bắt đầu vào nghề, phụ cấp của tôi là 350.000 đồng, sau gần 40 năm, tăng lên được 1,4 triệu đồng”, bà Duyên bộc bạch.

Việc phụ cấp thấp là điều đáng buồn nhưng một phần là do là quy định nên cũng có thể thông cảm phần nào, điều lạ lùng là với thù lao ít ỏi như vậy nhưng bà Duyên vẫn gắn bó được với nghề tận mấy chục năm trời, thậm chí là say sưa với việc chữa bệnh cho con gà, con lợn,…

Có lẽ, với những người thuộc thế hệ như bà Duyên, việc gắn bó với thú y không đơn giản chỉ là thu nhập, bởi thực tế những đồng thù lao như vậy, cộng thêm tiền công cũng khó có thể đủ để trang trải những điều cơ bản cho cuộc sống, gia đình.

Nhờ lực lượng nhân viên thú y xã nên việc tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi được đảm bảo. Ảnh: Đinh Mười.

Nhờ lực lượng nhân viên thú y xã nên việc tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi được đảm bảo. Ảnh: Đinh Mười.

Như hiểu được suy nghĩ này, bà Duyên phân trần, nếu chỉ sống bằng đồng phụ cấp, tiền đổ xăng cũng không đủ, cần phải có chuyên môn, yêu công việc, được người dân tin tưởng rồi tranh thủ làm thêm dịch vụ mới bám được với nghề.

“Ngày nào cũng phải đi, mình làm tốt người dân tin tưởng, nhiều việc. Nghề này cần xem việc chữa vật nuôi người khác như của gia đình mình mới tồn tại được”, bà Duyên tâm sự.

Câu chuyện về chế độ đãi ngộ và thu nhập của lực lượng thú y xã không chỉ riêng tại huyện An Dương mà là câu chuyện của cả TP. Hải Phòng, đi đến đâu hỏi cũng đều nhận được câu trả lời như nhau.

Đơn cử như tại huyện Kiến Thụy, địa phương này có 18 xã, thị trấn, tương đương với đó là 18 nhân viên thú y xã, việc chi trả phụ cấp do UBND các xã, thị trấn thực hiện, nhưng do quá thấp nên nhiều người đã xin nghỉ.

“Vai trò của lực lượng thú y cấp xã rất quan trọng, nhưng chế độ đãi ngộ hiện quá thấp so với những đóng góp của họ. Rất nhiều người xin nghỉ, chúng tôi phải động viên mãi anh em mới tiếp tục cống hiến được đến bây giờ”, ông Trần Sinh Thanh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kiến Thụy cho hay.

Bà Lưu Thị Duyên đã 65 tuổi và có 40 năm gắn bó với nghề thú y viên. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Lưu Thị Duyên đã 65 tuổi và có 40 năm gắn bó với nghề thú y viên. Ảnh: Đinh Mười.

Khó tìm thế hệ kế cận

Khách quan nhìn nhận, dù chế độ về lương dù thấp nhưng thực tế khi thực hiện công việc, nhân viên thú y tại các xã, phường đều có thù lao và nếu làm tốt, những cán bộ này hoàn toàn có thể làm thêm dịch vụ để tăng thu nhập.

Tuy nhiên, vấn đề chính mà các nhân viên thú y tại các xã tâm tư nhất chính là xã hội chưa nhìn nhận đúng đắn vai trò của họ, đâu đó vẫn còn những cái nhìn thiếu khách quan, phân biệt từ dư luận.

Còn cơ quan nhà nước chưa đảm bảo chế độ tương xứng với những người đóng góp rất quan trọng trong phát hiện và phòng dịch bệnh cho vật nuôi tại các địa phương, về về già không được lương hưu.

Đơn cử như trường hợp bà Duyên, gần 40 năm rong ruổi khắp các con đường làng, ngõ xóm để thực hiện nhiệm vụ, không khó khăn nào làm chùn bước chân nhưng chỉ cần xin nghỉ là tất cả đều chấm hết, không có bất cứ chế độ gì. Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến ngành thú y ngày càng ít thu hút sinh viên dự thi khiến các địa phương đang đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực, thiếu tầng lớp kế cận.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kính, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện An Dương thừa nhận, nếu không có lực lượng thú y ở các xã, mảng dịch bệnh gần như không giám sát được và nguy cơ dịch bệnh bùng phát diện rộng là rất lớn.

Tuy vậy, hiện các xã, thị trấn ở An Dương lực lượng thú y đều đã lớn tuổi, những người đã gắn bó với nghề lâu năm còn nlớp trẻ gần như không có khiến cho việc tìm thế hệ kế cận gặp khó khăn.

“Giờ về các xã tìm nhân viên thú y rất khó, có xã không tìm được ai, chúng tôi lo lắng thế hệ bây giờ về nghỉ sẽ không biết tìm thế hệ kế cận ở đâu”, ông Kính bộc bạch.

Nếu vắng bóng lực lượng thú y, việc phòng, chống dịch bệnh động vật sẽ rất khó khăn. Ảnh: Đinh Mười.

Nếu vắng bóng lực lượng thú y, việc phòng, chống dịch bệnh động vật sẽ rất khó khăn. Ảnh: Đinh Mười.

Cùng chung nhận định, ông Trần Sinh Thanh, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi và thú y huyện Kiến Thụy cũng bày tỏ lo lắng cho thế hệ kế cận, ông cho biết đang phải tìm biện pháp để đào tạo nhưng cũng khó như mò kim đáy bể.

“Giờ ít người học về thú y do chế độ đãi ngộ chưa tốt, những người học thú ý ra thường làm cho các tập đoàn kinh tế, các công ty, ít ai về làm tại các địa phương nên thời gian tới chắc nhân lực cho các xã sẽ khó khăn”, ông Thanh bộc bạch.

UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch 145/KH-UBND triển khai Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác thú y trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2030, với mục đích nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, đảm bảo thúc đẩy sản xuất chăn nuôi phát triển bền vững.

Kế hoạch tập trung vào việc rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về chăn nuôi, thú y cũng như kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y đảm bảo tinh gọn, đáp ứng yêu cầu thực thi, phù hợp với thực tiễn, nhất là trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật.

Với kế hoạch này, vai trò của lực lượng thú y được nhìn nhận đúng hơn và có những chế độ đãi ngộ phù hợp hơn để duy trì lực lượng thú y ở cấp xã, phường, góp phần kiểm soát dịch bệnh động vật hiệu quả hơn.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.