Một cửa hàng hóa chất tại tỉnh Chai Nat hạ giá bán thuốc diệt cỏ paraquat và glyphosate cùng thuốc trừ sâu chlorpyrifos. Ảnh: Bangkok Post. |
Pamorn Sriprasert là một trong những nông dân trồng sắn ở quận Nong Bunnak, Nakhon Ratchasima. Ông canh tác trên diện tích 48ha trong hơn 25 năm qua. Dù giá sắn trên thị trường rất khó dự báo, Pamorn vẫn rất vui vẻ với công việc của ông cho đến khi 26 thành viên của Ủy ban Chất độc hại Quốc gia Thái Lan (NHSC) ngày 22/10 bỏ phiếu cấm ba loại hóa chất gồm paraquat, glyphosate và chlorpyrifos.
NHSC thay đổi xếp hạng ba hóa chất trên từ chất độc Loại 3 lên Loại 4, tức cấm sản xuất, xuất nhập khẩu hoặc sở hữu.
Pamorn nói với Bangkok Post rằng ông thường phun paraquat và glyphosate lên đất để diệt cỏ. Khi lệnh cấm có hiệu lực, Pamorn cùng hàng nghìn nông dân trồng sắn khác sẽ buộc phải dừng sử dụng và gửi các hóa chất này tới nhà chức trách để xử lý.
Theo Pamorn, lệnh cấm, dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/12, sẽ ảnh hưởng nặng nề tới người trồng sắn Thái Lan.
“Tôi đã xem biện pháp thay thế đề xuất. Không có gì tốt hơn các hóa chất bị cấm đó nếu xét về hiệu quả và chi phí. Tôi chưa thấy có loại máy móc nào có thể giúp chúng tôi giải quyết cỏ dại”, Pamorn nói, cảnh báo nông dân đang mất dần niềm tin vào Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan.
“Chúng tôi không chắc liệu bộ đủ khả năng giúp loại bỏ những tác động tiêu cực lên nông dân hoặc tìm biện pháp thay thế mang tính thực tiễn”.
Pamorn mô tả nông dân tại Nakhon Ratchasima cảm thấy “bị phản bội” bởi các chính trị gia từ đảng Bhumjaithai. Thứ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Mananya Thaises là thế lực đứng sau lệnh cấm. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, thủ lĩnh đảng Bhumjaithai, cũng ủng hộ lệnh cấm.
“Đảng Bhumjaithai từng cam kết tăng giá bán sắn nhưng lệnh cấm làm tăng chi phí thu hoạch, khiến nông sản này kém cạnh tranh hơn, Pamorn chỉ trích.
Cục Nông nghiệp - thuộc Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan - cũng phản đối mạnh mẽ lệnh cấm, cho rằng chi phí thu hoạch sẽ tăng 10 lần. Theo nghiên cứu, chi phí thu hoạch sắn có thể tăng từ gần 940 baht/ha lên 7.500 baht/ha nếu thuê nhân công nhổ cỏ, hoặc khoảng 3.440 baht/ha nếu thuê máy diệt cỏ.
Nỗi buồn người nông dân
Ý tưởng cấm ba loại hóa chất diệt cỏ từng được nêu ra từ hơn hai năm trước. Trong hơn một năm qua, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan được khuyến khích nghiên cứu các biện pháp thay thế và chuẩn bị cho nông dân để họ chuyển sang trồng trọt không hóa chất.
“Tuy nhiên, bộ lại có vẻ nhàn rỗi”, Witoon Lianchamroon, giám đốc BioThai, nhóm vận động ủng hộ lệnh cấm, nói.
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan được kỳ vọng sớm thông báo các biện pháp hạn chế ảnh hưởng đến nông dân trồng các loại cây kinh tế - như cọ, mía, lúa và sắn - nhưng họ lại không hành động.
“Tôi không biết đây có phải hệ quả của trò chơi chính trị hay không nhưng bộ không nên im lặng. Nông dân địa phương cần biết cách chính phủ sẽ hỗ trợ họ”.
Ngày 6/11, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan thành lập một ủy ban để giám sát và giảm ảnh hưởng từ lệnh cấm, gồm 17 đại diện đến từ các cơ quan khác nhau. Wisit Srisuwan, phó giám đốc Cục Khuyến khích Hợp tác, nói cục đã cung cấp máy diệt cỏ cho 71 hợp tác xã nông nghiệp.
‘Tác dụng phụ’
Lệnh cấm hóa chất đã tạo ra ảnh hưởng sâu rộng. Theo Hiệp hội Đổi mới Thương mại Nông nghiệp Thái Lan (TAITA), ủng hộ dùng hóa chất, Thái Lan sẽ gặp rắc rối với một số quốc gia như Mỹ - nhà xuất khẩu thuốc phun cây trồng cho Bangkok.
Khi lệnh cấm có hiệu lực, Thái Lan không được phép nhập sản phẩm có chứa paraquat, glyphosate và chlorpyrifos. Sự thay đổi này có thể bị Mỹ coi là rào cản phi thuế quan.
Voranica Nagavajara Bedinghaus, giám đốc điều hành TAITA, cho rằng Brazil, Argentina, Mỹ, Canada và Australia sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Chuỗi thực phẩm của Thái Lan sẽ sụp đổ vì một quyết định được đưa ra nhưng thiếu sự cân nhắc đến ảnh hưởng”, bà nói. Một số công ty đã bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm đang đệ đơn kiện các cơ quan chính phủ Thái Lan.
Sự chuyển đổi chậm chạp
Không phải toàn bộ các lĩnh vực phản đối lệnh cấm. Ngành gạo hoan nghênh quyết định từ chính phủ, cho rằng chính sách đó sẽ giúp nông dân bước vào ngành nông nghiệp hữu cơ.
Charoen Laothamatas, chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Gạo Thái Lan, ủng hộ cấm paraquat, glyphosate, chlorpyrifos, và đã đề nghị nông dân giảm sử dụng hóa chất.
“Nhiều bên mua đang thắt chặt quy định để bảo vệ người tiêu dùng”, theo Charoen. “Nếu nông dân phớt lờ lệnh cấm hoặc không giảm dùng hóa chất, xuất khẩu gạo sẽ bị ảnh hưởng”. Ông cho biết tiêu dùng gạo toàn cầu đang hướng đến các sản phẩm không hóa chất.
Sarawut Rungmekarat, giảng viên Khoa Nông nghiệp, Đại học Kasetsart, Bangkok, cho rằng nông dân Thái Lan cần chuẩn bị để chuyển sang trồng trọt không hóa chất. Nông dân cần dành thêm thời gian để diệt cỏ bởi các biện pháp thay thế sẽ không có tác dụng nhanh và hiệu quả như những hóa chất bị cấm.
Không kiểm soát được cỏ dại, năng suất có thể giảm tới 80%, Sarawut cảnh báo. Ông cũng chưa thấy chính phủ Thái Lan có kế hoạch giúp quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
“Hiện chưa có biện pháp diệt cỏ thay thế hiệu quả. Do đó, tác động kinh tế lên nông dân sẽ rất lớn”.