| Hotline: 0983.970.780

Bí mật trang sức bạc người Mông

Thứ Tư 28/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

Từ bạc trắng, có thể làm ra các đồ trang sức làm đẹp cho con trai, con gái khi đi lễ hội, đi chơi chợ, là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới, đám hỏi, làm của hồi môn...

Bằng bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ, những người thợ chạm khắc bạc dân tộc Mông ở xã San Sả Hồ, Hầu Thào (huyện Sa Pa, Lào Cai) đã làm ra những món đồ trang sức tinh xảo và đẹp mắt.

Năm 2014, nghề chạm khắc bạc của người Mông đen ở Sa Pa đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đỉnh cao nghệ thuật

Trong gian nhà gỗ đơn sơ ở thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, tranh thủ lúc rảnh rỗi, ông Thào A Chư nổi lửa lò nung đúc mẻ bạc mới. Ngoài 50 tuổi, ông Chư đã có hơn chục năm theo nghề chạm khắc bạc, và cũng là một trong số ít nghệ nhân người Mông ở Sa Pa có thể làm ra được những đồ trang sức bằng bạc tinh xảo nhất.

Khi than trong lò đã rực hồng, Thào A Chư bỏ những mảnh bạc vụn vào chiếc nồi đất nhỏ rồi đặt vào lò nấu. Chỉ ít phút sau, dưới sức nóng cả ngàn độ C, bạc trong nồi bắt đầu tan chảy thành thứ chất lỏng đỏ rực.

Thoăn thoắt bôi dầu vào lòng chiếc khuôn làm bằng ống trúc nhỏ, ông Chư dùng kìm kẹp lấy chiếc nồi đã “chín đỏ” trong lò, đổ nước bạc vào lòng khuôn để tạo thành phôi bạc dài theo ý muốn.

Để làm thành chiếc vòng đeo tay truyền thống của người Mông, phôi bạc được đưa lên đe, dùng búa đập để tạo hình tròn hay dẹt, dày hay mỏng, sau đó mới đến công đoạn khó nhất là trạm trổ các hoa văn, họa tiết.

Bằng những chiếc đục sắt đơn giản, nghệ nhân này có thể tạo ra được những hoa văn rất tinh xảo trên nhiều món đồ trang sức như vòng tay, vòng cổ, nhẫn đeo tay, khuyên tai…

09-45-14_chm-khc-bc-s-p-2
09-45-14_chm-khc-bc-s-p-5
Đồ trang sức của người Mông được chạm khắc hoa văn tinh xảo

Theo Thào A Chư thì việc chạm trổ hoa văn tốn rất nhiều thời gian, đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, tỉ mỉ, có bàn tay khéo léo, có óc tưởng tượng giỏi mới làm được. Người thợ bạc giỏi khi chạm trổ không cần phải nhìn mẫu, vì các hình ảnh hoa văn, họa tiết đã ở sẵn trong đầu, cứ thế hiện dần ra theo từng nhát đục.

Những mảnh hồn của bạc

Thào A Chư lim dim đôi mắt: Nghề làm bạc có từ lâu lắm rồi, do tổ tiên người Mông mình truyền lại. Với người Mông, bạc trắng là thứ tài sản giá trị nhất. Từ bạc trắng, có thể làm ra các đồ trang sức làm đẹp cho con trai, con gái khi đi lễ hội, đi chơi chợ, là lễ vật không thể thiếu trong đám cưới, đám hỏi, làm của hồi môn ông bà, bố mẹ để dành cho con gái khi về nhà chồng, đặc biệt là có thể làm ra những chiếc vòng vía cho trẻ em và người lớn đeo khi ốm để trừ tà ma, khỏi ốm đau, bệnh tật.

Tôi hỏi về những chiếc vòng cổ cả đàn ông và phụ nữ người Mông hay đeo, A Chư bảo có 2 loại vòng cổ, một loại chỉ dùng để trang sức, hai đầu thường được chạm khắc hình chim mỏ dài, còn loại vòng cổ đeo để trừ tà ma (gọi là vòng vía) thì có biểu tượng chiếc khóa, khi đứa trẻ bị ốm thầy cúng sẽ làm lễ cúng và cài khóa chiếc vòng lại, để giữ cho ma quỷ không xâm nhập vào người được, cũng là để giữ hồn vía, linh hồn ở lại, không bay đi mất…

Có những chiếc vòng vía bằng bạc được người Mông đeo đến tuổi trưởng thành, cũng có những chiếc vòng vía theo suốt cuộc đời một con người, như tấm bùa hộ mệnh cho chủ nhân…

Tìm hiểu thêm, thì trong cách sử dụng đồ trang sức bạc của người Mông ở Sa Pa cũng có nhiều điều độc đáo. Trước đây lên Sa Pa, tôi luôn thắc mắc tại sao những người phụ nữ Mông lại đeo khuyên tai to thế, có cụ già đeo 2 đôi chiếc khuyên tai to và nặng kéo dái tai trĩu xuống tới ngang cằm.

Thì ra, người Mông ở đây quan niệm phụ nữ đeo khuyên tai (tiếng Mông là khu chê) càng to, thì càng chứng tỏ đó là người khỏe mạnh, chăm chỉ làm ăn. Khu chê có nhiều hình dáng: hình dấu hỏi, hình xoắn ốc, hình trăng lưỡi liềm, hình tròn… được chạm trổ hoa văn tinh tế.

Với nhẫn bạc cũng có hai loại là tiết diện tròn và tiết diện dẹt. Có thể nhận ra những chàng trai, cô gái Mông chưa có vợ, có chồng khi thấy họ đeo nhẫn tiết diện tròn. Còn với người đeo 2 chiếc nhẫn trên một ngón tay là đã có vợ, có chồng. Cùng với các trang sức trên, phụ nữ Mông thường trang điểm thêm chiếc lược cài trên mái tóc và đeo thêm một bộ xà tích bạc bên hông, có cả nhíp bạc, tăm bạc, dao nhỏ… để làm đẹp, làm sang thêm cho bộ trang phục thổ cẩm.

Nỗi lo mai này...

Chia tay Thào A Chư, tôi tiếp tục xuôi dốc hàng chục cây số xuống thung lũng Mường Hoa, rồi lại ngược dốc lên lưng núi đá để tìm vào bản Mông Thào Hồng Dến, xã Hầu Thào.

Từ lâu tôi đã nghe nói nơi đây vẫn còn những người thợ bạc lão luyện. Đường lên thôn Thào Hồng Dến phía dưới đã được đổ bê tông, nhưng còn khoảng 2km phía trên vẫn là đường đá, dốc ngược, khiến chiếc xe cứ như con ngựa lồng lộn, vật vã với đá sỏi. Thật đen đủi vì hôm nay mấy thợ bạc giỏi nhất là: Sùng A Páo, Giàng A Sính, Sùng A Chớ đều đi bẻ ngô ở trên nương xa không về.

Nhưng dù sao tôi vẫn may mắn khi gặp được Giàng A Chang, chàng trai trẻ người Mông duy nhất của bản biết chạm khắc bạc. A Chang khoe với tôi bộ đục chạm khắc bạc gồm hơn chục chiếc khác nhau, chiếc búa bằng sừng trâu và chiếc đe cổ có mặt đe loe ra sáng bóng do cụ kỵ nhà anh để lại mà anh coi chúng như “báu vật” không bao giờ bán đi.

09-45-14_chm-khc-bc-s-p-3
Giàng A Chang tranh thủ lúc nông nhàn chạm khắc đồ trang sức làm đồ lưu niệm bán cho khách du lịch

Nhờ có những đồ nghề đó, với niềm đam mê với các món đồ trang sức, A Chang đã tự mày mò học nghề chạm khắc bạc được hơn một năm nay để tạo ra các sản phẩm cho vợ mang đi bán cho khách du lịch. Nhưng A Chang cũng chỉ coi đây như nghề phụ để kiếm thêm đồng tiền mua mắm muối, nên chỉ tranh thủ làm vào lúc rảnh rỗi, vì còn bận làm nương.

Giàng A Chang chia sẻ: Đồng bạc hoa xòe nguyên chất để làm đồ trang sức bây giờ hiếm lắm. Những đoàn khách Tây vào Thào Hồng Dến thường gửi lại cho mình những đồng tiền xu bằng kẽm để mình làm thành đồ trang sức cho họ.

Nói rồi A Chang đưa tôi xem một xấp tiền xu của nhiều nước khác nhau mà anh đang giữ của khách để làm vòng tay và nhẫn…

Từ những đồng xu nhỏ, Giàng A Chang đã “phù phép” biến nó thành những chiếc nhẫn, vòng đeo tay, khuyên tai, lược cài đầu nhỏ xinh. Có những đồ trang sức anh giữ nguyên mẫu họa tiết truyền thống của người Mông, có thứ anh cải tiến hoa văn theo yêu cầu của khách. Anh bảo những trang sức có hoa văn cầu kỳ thì làm rất mất công, như khuyên tai hay vòng tay thì mỗi ngày chỉ làm được một đôi, còn nhẫn mỗi ngày có thể làm được 5 - 6 chiếc.

- Thế mỗi tháng vợ anh bán những đồ trang sức này được bao nhiêu tiền? Tôi hỏi.

Ánh mắt A Chang bỗng chùng xuống, giọng anh buồn buồn:

- Mỗi tháng được gần 1 triệu thôi. Vì không phải làm bằng bạc nên nhẫn chỉ bán 30.000 đồng/cái; vòng tay 80.000 đồng/cái; lược 100.000 đồng/cái; vòng tay, khuyên tai 200.000 đồng/đôi…

- Thế ông Páo, ông Sính, ông Chớ có làm bạc thường xuyên nữa không?

- “Chúng nó” cũng đi làm nương suốt, có khi cả tháng mới về nhà, bây giờ ít làm lắm. Có người đến nhà đặt thì mới làm thôi.

Cũng như ở bản Cát Cát, ở thôn Thào Hồng Dến, xã Hầu Thào, nghề chạm khắc bạc cũng đang đứng trước nguy cơ mai một, khi những người thợ giỏi đều đã cao tuổi, như đốm lửa phiêu diêu trước gió chẳng biết tắt lúc nào, còn đám thanh niên rất ít người tha thiết theo nghề của tổ tiên.

Rồi sau này ai sẽ giữ lửa lò nung, giữ những mảnh hồn của bạc? 

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị, miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình

Chiến tranh đã lùi xa, non sông thu về một mối nhưng còn biết bao người con đất Việt đã nằm xuống. Tất cả đã hóa thân thành bản anh hùng ca bất tử.

Bình luận mới nhất