Chọn vùng biển
Theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), người tiên phong trồng thử nghiệm rong biển thương phẩm tại Bình Định, từ năm 2005 - 2006, ở Nhơn Hải đã có người trồng rong biển. Thời ấy chưa có giống rong cấy mô, giống rong khi ấy được chiết ra từ rong thương phẩm được người trồng mua tận Ninh Thuận. Cách trồng rong khi ấy là nuôi trong lồng, treo ngoài biển. Do người trồng rong chưa biết bao lưới để ngăn cá, lúc rong còn nhỏ bị cá ăn hết nên không đạt hiệu quả. Thêm vào đó, lúc ấy tiêu thụ rong còn khó dẫn đến nghề trồng rong biển “chết yểu”, không thể phát triển.
Trong đợt đi tham quan, học tập nghề trồng rong biển thương phẩm tại Phú Yên, đoàn công tác 32 người của tỉnh Bình Định quyết tâm học cho được bí quyết trồng rong biển của những doanh nghiệp đã dày dạn kinh nghiệm trong trồng rong biển thương phẩm.
Tại vùng trồng rong biển thương phẩm rộng 7ha của Công ty TNHH Okinawa ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), đoàn công tác của ngành thủy sản Bình Định được anh Lê Trung Vinh, người phụ trách Công ty TNHH Okinawa chia sẻ, vùng nước trồng rong biển hiệu quả nhất là vùng nước nông, sạch, có cát. Trên bờ phải có bãi cát để khi thu hoạch người trồng có chỗ phơi rong, vì khi thu hoạch sản lượng rong rất lớn.
Đặc biệt, vùng biển trồng rong phải tránh nơi có gành đá, vì gành đá là nơi trú ngụ của cá dìa, cá giò, trong khi rong biển là món “khoái khẩu” của 2 loại cá này. Nếu bị cá ăn lúc rong còn non (mới treo giống khoảng 4 - 5 ngày) thì rong sẽ mất sức không phát triển được. Rong trồng ở vùng biển không có gành đá thì lúc trời xẩm tối cá dìa, cá giò mới vào bờ kiếm mồi, ăn rong; nếu trồng rong ở vùng biển có gành thì rong sẽ bị lũ cá trú ẩn trong gành ra ăn cả ngày lẫn đêm, không ngăn được.
Theo anh Vinh, rong trồng ở vùng nước nông người trồng sẽ có lãi hơn. Bởi, rong thường bị gãy, rụng đến 1/3 do sóng biển đập mỗi ngày, mùa biển động có thể còn rụng nhiều hơn. Rong trồng ở vùng nước nông người trồng có thể lặn xuống biển thu hồi số rong rụng nên không bị thất thoát. Nếu trồng rong ở vùng biển sâu khoảng 2 - 3m, người trồng phải chọn luồng nước chảy dưới đáy biển giăng lưới để đón những cọng rong rụng, sau đó lặn xuống thu hồi lại để tránh thất thoát.
Cũng theo anh Vinh, vùng trồng rong lúc thủy triều xuống thấp nhất mực nước đạt 0,9m, lúc cao nhất đạt 2,7m là tốt nhất. Người trồng rong phải biết lặn để thu hồi số rong gãy rụng mới tránh được thất thoát, bảo đảm được thu nhập. Rong trồng ở vùng nước nông còn có cái lợi là người trồng có thể lội ra để cột dây rong giống, nếu trồng ở vùng nước sâu phải thao tác trên thuyền thúng sẽ bị chậm tiến độ công việc, tốn công nhiều hơn.
Qua thực tế tại vùng trồng rong thương phẩm của Công ty TNHH Okinawa ở thị xã Sông Cầu, đoàn công tác của ngành thủy sản Bình Định nắm được những kiến thức cơ bản trong trồng rong biển. Đây là hành trang sẽ được trang bị cho ngư dân vùng ven biển Bình Định trong lộ trình phát triển nghề trồng rong biển trong thời gian tới đây.
“Rong biển sẽ không phát triển nếu độ mặn vùng nước nuôi cao trên 35%o, độ mặn cao quá thân rong sẽ giòn, dễ bị gãy; mà độ mặn thấp quá, dưới 27%o rong biển cũng không sống nổi. Nhiệt độ trên mặt nước vùng trồng rong cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây rong. Nếu nhiệt độ trên mặt nước vùng nuôi đạt 30oC thì người trồng phải canh chừng, nếu nhiệt độ tăng lên 32 - 34oC thì phải cho dây treo rong chìm sâu xuống để tránh nóng thì rong mới phát triển ổn định”, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn), cho hay.
Chọn giống rong cho hiệu quả cao
Rong sụn đang là loài rong trồng có lãi cao nhất. Rong sụn có 3 loài, mỗi loài phục vụ một mục đích khác nhau. Trong đó, rong sụn trơn là loài cao sản, đang được thị trường ưa chuộng nhất. Rong sụn trơn có tinh bột cao nên được dùng để chế biến bánh kẹo, làm thức ăn cho người, sử dụng vào mục đích y học và công nghiệp nên luôn có giá cao hơn những giống rong sụn khác. Còn rong sụn gai thường được chế biến món gỏi để ăn vì rất giòn, cả rong sụn sứ xanh cũng vậy.
Tuy trồng rong sụn trơn có hiệu quả kinh tế cao hơn 2 giống rong sụn gai và rong sụn sứ xanh, nhưng nó vẫn có điểm yếu hơn các giống rong kia. Ví như rong sụn sứ xanh có thể trồng quanh năm nhưng loài rong này có hàm lượng tinh bột đạt thấp, rong bị giòn, còn rong sụn trơn chỉ trồng được 2 vụ/năm.
“Nếu trồng rong sụn trơn, ở Bình Định nên xuống giống vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 20 ngày, để đến tháng 3 âm lịch sang năm là thu hoạch, bởi khi ấy đến mùa gió nồm thời trở nóng, cây không phát triển, sản lượng đạt thấp. Trong thời gian này người nuôi có thể chuyển sang trồng rong sụn gai để có sản lượng, có thu nhập kín thời gian trong năm. 2 tháng sau, đến mùa gió nam thả giống rong sụn trơn trồng tiếp vụ 2, đến tháng 8 âm lịch là thu hoạch để tránh mùa biển động, bởi vào thời điểm này Bình Định đã vào mùa mưa bão. Đến gần Tết Nguyên đán năm sau tiếp tục thả giống trồng tiếp. Giống rong sụn trơn thích hợp với mùa nắng nhưng đòi hỏi nước phải mát, do đó phải thả giống vào cuối tháng Chạp”, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng chia sẻ.
Cũng theo anh Sáng, trong quãng thời gian nghỉ mùa biển động, người trồng rong có thể giữ giống trồng tiếp vụ tới để khỏi tốn chi phí mua giống. Khi giữ giống cần tránh vùng biển dễ bị nhiễm ngọt. Nếu vùng biển nuôi rong giống mà độ mặn hạ xuống 18‰ là rong chết sạch, phải bảo đảm độ mặn từ 25‰ trở lên.
Còn theo anh Lê Trung Vinh, hiện nay, rong sụn trơn được trồng nhiều nhất tại Ninh Thuận để phục vụ cho công nghiệp, rong sụn sứ xanh được trồng nhiều ở Khánh Hòa để phục vụ ẩm thực cho khách du lịch. Ở Bình Định, rong biển chủ yếu phục vụ khách du lịch, nhưng hầu hết là rong khai thác từ tự nhiên, chưa có rong trồng. Trong khi Bình Định hiện nay đang bùng nổ du lịch, đây là cơ hội để Bình Định phát triển trồng rong biển, để vừa cung ứng cho thị trường, vừa giảm khai thác làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
“Rong sụn cho năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha/năm, giá bán khoảng 0,1 USD/kg, lợi nhuận ròng khoảng 48 triệu/ha/năm, đây là nguồn sinh kế đầy hứa hẹn với người dân ven biển. Bên cạnh việc sử dụng làm thực phẩm và thức ăn bổ sung cho con người, rong biển còn được dùng trong nhiều lĩnh vực như phụ gia thực phẩm, thức ăn gia súc, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, phân bón sinh học, chất kích thích sinh học, bao bì sinh học và nhiên liệu sinh học”, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ.