| Hotline: 0983.970.780

Phát triển rong sụn để tạo sinh kế cho ngư dân

Thứ Tư 08/02/2023 , 06:38 (GMT+7)

Nghề đánh bắt thủy sản gần bờ thất bát, đời sống ngư dân khó khăn, xã biển Nhơn Hải tính tới chuyện trồng rong biển để tạo sinh kế cho người dân địa phương.

0

Vùng biển Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) có cả rừng rong mơ. Ảnh: V.Đ.T.

Tạo kế sinh nhai

Theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), vùng biển Nhơn Hải có cả rừng rong mơ. Đến mùa sinh sản của các loài cá rạn, rừng rong mơ trở thành nơi lũ cá trú ngụ để sinh sản.

Vào mùa này, vùng biển Nhơn Hải dày đặc các loài cá giò, cá dìa, cá mó, cá hồng, nhiều nhất là cá giò. Rong mơ là món “khoái khẩu” của  cá giò nên chúng phát triển rất nhanh, kéo nhau cả đàn đi đến bạt nước. Khi ấy, khai thác rong biển còn là kế sinh nhai của người dân địa phương.

Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7 hàng năm, thời điểm ấy rong mơ đã già, trai tráng trong làng kéo nhau ra biển khai thác rong. Rong rau câu chân vịt được tư thương mua với giá 1,3 triệu đồng/kg khô, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác rong đã tác động đến sự phát triển của những rạn san hô, các loài cá cũng bị mất nơi trú ngụ để sinh sản. Từ khi địa phương thành lập tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hoạt động khai thác rong biển của người dân bị nghiêm cấm để bảo vệ san hô và môi trường sống của các loài thủy sản.

Đầu những 2000, để tự tạo kế sinh nhai, người dân Nhơn Hải mày mò trồng rong sụn. Rong sụn được trồng dày dọc bờ biển, nhưng do chưa nắm bắt được kỹ thuật nên thất bại.

Đầu tháng 2 vừa qua, đoàn công tác Cục Thủy sản đã về làm việc với Sở NN-PTNT Bình Định và Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải để bàn giải pháp phát triển vùng nguyên liệu rong sụn, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương gắn với quản lý bảo vệ rạn san hô.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), rong sụn biển hiện nay là thực phẩm khá phổ biến, nhờ những ưu điểm nhiều dưỡng chất, hàm lượng dinh dưỡng và dồi dào vitamin. Ngoài ra, rong sụn còn là nguyên liệu để chiết xuất carrageenan, một loại keo có giá trị sử dụng lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, công nghiệp dệt, dược phẩm, công nghệ sinh học và sản xuất thức ăn chăn nuôi…

“Nhu cầu rong biển của thị trường hiện nay là rất lớn, trong nước đang thiếu nguồn nguyên liệu để phục vụ cho các nhà máy chế biến thực phẩm từ rong biển. Nhơn Hải có sẵn mặt nước, phát triển trồng rong sụn vừa thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, vừa tạo sinh kế ổn định cho người dân, vừa có thể phát triển dịch vụ du lịch câu cá giải trí tại khu vực này”, ông Trần Đình Luân, chia sẻ.

Empty

Đoàn công tác Cục Thủy sản làm việc tại xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải, trong năm 2023 này, ngành chức năng xã Nhơn Hải sẽ khuyến cáo ngư dân địa phương trồng rong sụn cả ở những vùng biển có mực nước nông và cả mực nước sâu để xem vùng nước nào phù hợp, sau đó nhân rộng để tạo sinh kế cho bà con.

“HTX chúng tôi đang sản xuất nước giải khát rong câu, nhưng mua nguyên liệu khó quá, năm nào nhiều nhất chúng tôi mua tại địa phương được hơn 100kg rong câu chân vịt khô, năm nào ít chỉ mua được 50-60kg, hầu hết là rong khai thác từ tự nhiên. Nếu trồng thành công, chúng tôi sẽ thay thế nguyên liệu rong câu chân vịt bằng rong sụn để hoạt động sản xuất nước giải khát của HTX được bền vững. Trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi sẽ lấy sản phẩm này đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương”, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng bộc bạch.

Vùng biển tiềm năng

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), hiện trên địa bàn xã này có 121 tàu thuyền nhỏ có chiều dài dưới 12m chuyên khai thác thủy sản vùng ven bờ, thu nhập bấp bênh. Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở địa phương cũng rất khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, địa phương sẽ đề xuất xin giao thêm mặt nước cho tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản để quản lý, đồng thời phát triển trồng rong sụn.

“Nếu phát triển nghề trồng rong sụn mang lại nhiều lợi ích, tôi tin chắc bà con sẽ hăng hái bảo vệ san hô và tham gia trồng rong để kiếm thêm thu nhập”, ông Nam bày tỏ.

Empty

Ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP (bìa phải) hướng dẫn cách trồng rong sụn cho ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải. Ảnh: V.Đ.T.

Cùng về xã Nhơn Hải với đoàn công tác của Cục Thủy sản có ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP (huyện Tuy An, Phú Yên). DBLP là công ty chuyên phát triển các loại rong biển từ khâu sản xuất giống, tổ chức vùng nguyên liệu.

Sắp tới, Công ty DBLP sẽ phát triển thêm khâu chế biến sản phẩm, đây là công ty duy nhất hiện đang sản xuất giống rong sụn nuôi cấy mô thành công tại Việt Nam. Ông Phương đã hướng dẫn kỹ thuật trồng rong sụn cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải.

“Khi còn là hạt giống thì rong sụn mọc chậm dưới 0,2%/ngày. Khi đạt kích thước 2cm trở lên rong tốc độ tăng trưởng sinh khối đạt 0,3-0,7% ngày. Khi rong phát triển đạt kích thước 5cm thì tốc độ 3-6% ngày. Khi rong đã thành bụi to trên 15cm đạt có thể đến 10% ngày. Do đó, người trồng cần kiên nhẫn, giai đoạn nhỏ cần chăm sóc tốt, quan trọng là cho ra biển sớm, không cần chờ biển lặng”, ông Đỗ Linh Phương chia sẻ.

Trong dịp này, Công ty DBLP cung cấp cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải 5.000 cây giống rong sụn Kappaphycus Alvarezii miễn phí để trồng thử nghiệm. Mỗi 2 tuần, công ty sẽ cử cán bộ xuống cùng bà con trồng rong sụn để theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật. Sau này, khi địa phương phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn, công ty sẽ cung cấp giống, hỗ trợ một phần chi phí và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm.

Empty

Rong sụn giống Kappaphycus Alvarezii được phát triển từ nuôi cấy mô. Ảnh: V.Đ.T.

“5.000 cây giống này là để bà con trồng thử trong 2 tuần, đến tháng 3/2023 trồng thêm 30.000 cây. Trồng nhiều, có sản lượng lớn người trồng mới phấn chấn. Nếu người trồng rong sụn có tâm huyết thì chắc chắn tỉ lệ thành công sẽ đạt đến 99%. Tại Phú Yên đã trồng thử nghiệm giống rong sụn Kappaphycus alvarezii từ tháng 3 đến tháng 9/2022 với 10.000 cây được trồng đã thu được sản lượng 30 tấn”, ông Đỗ Linh Phương cho hay.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, đánh giá mô hình trông rong sụn ở Nhơn Hải rất có tiềm năng, mở hướng phát triển sinh kế gắn với bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô và phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững cho địa phương, đặc biệt là về phát triển về du lịch. “Sắp tới, chúng tôi sẽ bàn với Sở NN-PTNT Bình Định về đề án chuyển đổi nghề đối với 121 tàu thuyền nhỏ và định hướng cho các hộ này tham gia vào Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản hoặc HTX nuôi biển để cùng phát triển sinh kế nuôi trồng rong biển”, ông Luân nói.

“Chúng tôi rất kỳ vọng mô hình này sẽ thành công và mong muốn được nhân rộng tại 3 địa phương vùng biển của thành phố Quy Nhơn là các xã Nhơn Lý, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng, đây là những địa phương có tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang thực hiện việc quản lý bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển được giao”, ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.