| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết trồng quýt đường GlobalGAP kiếm tiền tỷ mỗi năm

Thứ Ba 29/08/2017 , 07:15 (GMT+7)

Nông dân Tống Văn Phong ở ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) thành công trồng quýt đường mỗi năm lợi nhuận trên 2 tỷ đồng, mở đường cho sản phẩm vào siêu thị và xuất khẩu.

Vươn lên làm giàu

Anh Phong kể, lúc mới cưới vợ anh chỉ có 2 công ruộng để làm lúa. Nhưng làm hoài không đủ ăn, anh đã mạnh dạn đổi 2 công ruộng lấy 1,5 công đất vườn để trồng cây ăn trái. Những năm trước, phong trào trồng quýt hồng ở Lai Vung phát triển rầm rộ, anh quyết định đào mương lên liếp trồng 250 cây. Năm thứ 3 cây chuẩn bị cho trái thì cơn lũ làm vườn quýt hồng chết gần hết.

16-20-19_nh_1_-_vuon_quyt_duong_ong_phong_triu_qu
Vườn quýt đường của anh Phong luôn tươi tốt

Bại không nản, anh lại tìm tòi và tham quan nhiều mô hình sản xuất và chọn cây quýt đường làm cây trồng chính. Anh dùng hết số tiền tích lũy bấy lâu nay để đầu tư mua cây giống và thiết kế lại đê bao đảm bảo chống lũ, chủ động nước tưới tiêu.

Anh Tống Văn Phong cho biết, để thành công với cây quýt đường, anh đã nghĩ ra cách làm riêng cho mình là sản xuất theo quy trình kỹ thuật, chọn thời điểm xử lý ra hoa phù hợp để cho trái nghịch mùa. Sự học hỏi và lòng say mê lao động đã giúp anh thành công. Mô hình cho thu nhập cao giúp gia đình anh vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Nhiều năm liền anh được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Nhờ sản phẩm chất lượng, uy tín, 10 năm qua, đầu ra cho quýt đường của anh luôn ổn định và lợi nhuận cao. Từ diện tích ban đầu, anh đã tích lũy vốn và mua thêm đất lập vườn. Đến nay, anh có trong tay 1,7ha quýt đường và thuê thêm 3ha trồng quýt đường, cam xoàn và mận An Phước cho lợi nhuận hàng năm trên 2 tỷ đồng.

16-20-19_nh_2_-_chon_quyt_duong_de_cung_cp_cho_sieu_thi
Anh Tống Văn Phong (trái) cung cấp quýt đường cho VinEco

Theo anh, bình quân 1 công quýt đường cho thu nhập khoảng 75 triệu đồng/năm. Vườn quýt của anh còn giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động, với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
 

Khoác áo mới cho trái đặc sản

Ngay từ những buổi ban đầu trồng quýt đường anh Phong đã có ý thức trong việc xây dựng thương hiệu, tạo sự khác biệt để thu hút người tiêu dùng. Người nông dân này làm ngay việc dán nhãn “Quýt đường Tư Phong” lên những thùng sản phẩm. Người mua chỉ cần nhìn vào nhãn hiệu ấy là biết ngay quýt của anh Phong, hàng loại 1 hay loại 2, họ mua ngay mà không phải chần chừ, hay lo ngại chất lượng trái không đạt.

Không chỉ phân loại sản phẩm đúng theo kích cỡ, anh Phong còn chú trọng đến việc sản xuất an toàn, thời gian cách ly thuốc BVTV đúng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Để tạo niềm tin vững chắc hơn nữa đối với khách hàng về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với quýt đường, anh Phong còn làm một việc mà ít người nông dân nào nghĩ đến. Và nếu đã nghĩ có lẽ cũng chưa mạnh dạn làm, đó là dán hình của mình, số điện thoại lên những thùng quýt và mang đi tiêu thụ.

16-20-19_nh_3_-_tht_quyt_duong_cu_nh_phong_cung_cp_80-100_tn_cho_cty_vineco
Trung bình mỗi tháng THT của anh Phong cung cấp từ 80 - 100 tấn quýt đường cho VinEco

Sau khi tham gia chuyến đi học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại Thái Lan do lãnh đạo tỉnh tổ chức vào năm 2014, anh Phong cho rằng mình “thức tỉnh” trước sự phát triển nông nghiệp của nước láng giềng và càng quyết tâm hơn với định hướng sản xuất sạch của mình.

Một năm sau đó, anh vận động những hộ dân xã Vĩnh Thới cùng tham gia thành lập Tổ hợp tác sản xuất quýt đường GlobalGAP đầu tiên trong tỉnh, do anh làm Tổ trưởng. Lúc đó có 11 nông dân (canh tác hơn 40ha) cùng chí hướng và đồng hành với anh để thực hiện “sứ mệnh” này.

Cuối năm 2016 tính hiệu vui đến với THT Sản xuất quýt đường GlobalGAP của anh đó là Cty VinEco thuộc Tập đoàn VinGroup đến khảo sát và bắt đầu ký hợp đồng tiêu thụ quýt đường. Những thành viên của THT vỡ oà trong niềm vui sướng. Vậy là công lao của họ đã được ghi nhận và trái cây xứ Vĩnh Thới bắt đầu được khoác "áo mới".

Anh Phong cho biết thêm, có 5 nhà vườn trong THT ký hợp đồng tiêu thụ với Cty VinEco. Theo đó sản phẩm được bán tại hệ thống siêu thị Vinmart của Tập đoàn VinGroup. Trung bình mỗi tháng THT cung cấp từ 80 - 100 tấn quýt đường cho VinEco. Ngoài ra, VinEco còn liên kết với THT để tiêu thụ cam soàn (2 - 2,5 tấn/ngày) và mận An Phước, giá bán cao hơn so với sản phẩm thông thường từ 15 - 20%.

16-20-19_nh_4_-_nho_trong_quyt_duong_moi_nm_nh_phong_thu_ve_tren_2_ty_dong
Nhờ trồng quýt đường mỗi năm anh Phong thu lãi trên 2 tỷ đồng

Để đáp ứng số lượng lớn, liên tục, trong khi diện tích và năng suất, chủng loại trái cây của THT chưa nhiều, anh Phong đã mở rộng mạng lưới liên kết với nông dân. Bên cạnh tiêu chí về kỹ thuật sản xuất, nông dân phải đáp ứng các tiêu chí về đạo đức, tác phong, tính cách con người và ký kết hợp đồng ràng buộc với THT. Đến nay, có khoảng 100 hộ dân liên kết với THT để cung cấp sản phẩm ổn định.

Với thành công trong nghề, anh Phong đã truyền đạt kinh nghiệm cho bà con nông dân cách sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV phù hợp để tránh lãng phí và bảo vệ tốt vườn cây, hướng dẫn cách xử lý các loại sâu bệnh... Ngoài ra, anh còn nhiệt tình cho bà con mượn cây giống, bảo lãnh mua vật tư nông nghiệp. Với cộng đồng, anh tích cực tham gia công tác xã hội như vận động đóng góp xây dựng cầu, đường, cất nhà tình thương góp phần xây dựng NTM ngày càng giàu đẹp.

 

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.