Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Nguyễn Đức Ngọc (65 tuổi), ngụ thôn Tân Lập, xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) trung bình mỗi năm có lãi gần 400 triệu đồng sau khi đã trừ đi mọi chi phí đâu tư trên diện tích 6.000m2 quýt đường.
Ông Nguyễn Đức Ngọc bên vườn quýt sai trĩu quả đang cho thu hoạch
Dẫn chúng tôi ra vườn, ông Nguyễn Đức Ngọc với tay hái những trái quýt chín vàng trên cây nặng trĩu quả bóc mời khách. Mùi hương của từng chùm quýt đường “nguyên quán” miền Tây trên vùng đất Tân Lập chín vườn khiến bất kỳ ai cũng phải thòm thèm, muốn thử.
Quả đúng như chủ vườn giới thiệu, những trái quýt đường ở đây ngọt lịm, căng mọng nước và rất ít hạt, năng suất thì khỏi phải nói. Tuy mới chính thức cho thu hoạch trái được 2 năm qua nhưng hiện trung bình mỗi cây quýt đường hằng năm cho gia đình ông Ngọc khoảng 50kg quả.
Đặc biệt, loại quýt này cho ra trái quanh năm nên hầu như lúc nào vườn quýt của hộ ông Ngọc cũng có nguồn thu. Thương lái “ăn quen” hàng, cứ vài ngày lại cho xe vào vườn tự thu hoạch một lần. Gia chủ chỉ việc đếm cân tính tiền.
Gia đình ông Nguyễn Đức Ngọc vốn là người gốc Long An, một trong những vựa trái cây lừng tiếng bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long. Lên vùng đất Tân Lập, xã Đan Phượng định cư, thấy đất đai dọc theo sông Đạ Dâng “đá nhiều hơn đất” trồng gì cũng khó, theo kinh nghiệm nhiều năm của người chuyên trồng trái cây, ông Ngọc nhận định đây là loại đất chỉ phù hợp cho cam, quýt, bưởi...
Vậy là năm 2012, ông Nguyễn Đức Ngọc trở về quê cũ Long An mua hàng trăm cây quýt đường giống mới đưa lên Tân Lập trồng trên diện tích 6.000m2. Sẵn có kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái, dưới bàn tay lao động cần mẫn của ông Ngọc cùng vợ con, chẳng mấy chốc vườn quýt đã bén rễ, đơm cành vươn lộc tua tủa.
Ông Ngọc cho biết, so với thổ nhưỡng ở các tỉnh miền Tây, đất đai ở Tân Lập phù hợp cho cây ăn trái hơn rất nhiều, trong đó có quýt. “Đất ở đây có đá, rất mát, loại đất này nếu trồng cây ăn trái thì sẽ cho quả ngọt, mọng nước, chất lượng hơn hẳn trồng ở trên đất thịt”, ông Ngọc chia sẻ.
Hơn một năm sau, hàng trăm gốc quýt này đồng loạt đơm hoa, kết trái. Tuy nhiên, để cho cây tập trung chất dinh dưỡng phát triển gia đình ông Ngọc đã hái bỏ lứa hoa này, tiếp tục đầu tư, chăm sóc. Sang năm thứ 3, khi cây quýt đã trưởng thành, đủ điều kiện để cho trái thương phẩm mà vẫn giữ được cây khỏe mạnh ông Ngọc mới để cho hoa kết quả.
Ông Nguyễn Đức Ngọc bên vườn quýt sai trĩu quả đang cho thu hoạch
Là người có nhiều kinh nghiệm trồng cây ăn trái nhưng chính ông Ngọc cũng không ngờ cây quýt lại phù hợp với với vùng đất này đến vậy. Quýt đường liên tục ra hoa, kết quả, hoa nhiều tới nỗi ông Ngọc phải cắt tỉa bớt để trái to và đều. Trước mắt chúng tôi, những cây quýt đường chín mọng, từng chùm, từng chùm sai trĩu quả rũ xuống mặt đất. Không ít cành vì “gánh” quá nhiều quả mà gia chủ chưa kịp dựng thanh đỡ đã bị gãy toác.
Ông Ngọc cho biết, hai năm qua, từ khi vườn quýt cho thu hoạch, lúc nào gia đình ông cũng có thu nhập. So với trồng các loại hoa màu khác như cà phê, doanh thu từ cây quýt đường cao hơn hẳn. Giá quýt bán tại vườn trung bình là 20.000 đồng/kg, mỗi năm một gốc quýt cho hái khoảng 50kg quả. Như vậy, hằng năm mỗi cây quýt đường của gia đình ông Ngọc cho thu nhập trên dưới 1 triệu đồng.
Để có sản phẩm sạch, gia đình ông Ngọc còn dùng bẫy để bắt côn trùng, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc hóa học để trừ khử côn trùng và mầm bệnh. Ông Ngọc tiết lộ, trong vòng hai năm qua, từ khi vườn quýt đường này cho thu hoạch, mỗi năm gia đình ông thu lãi 400 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí đầu tư. “Cũng với diện tích đất này nếu trồng cà phê, bán được giá thì chỉ có lãi được vài chục triệu đồng thôi”, ông Ngọc nói.
Vài năm gần đây, do trồng quýt đường thu nhập cao hơn hẳn các loại hoa màu khách nên nhiều gia đình tại thôn Tân Lập cũng đã mạnh dạn chuyển đối cơ cấu cây trồng, chuyển nhiều diện tích canh tác sang trồng quýt đường. Theo ước tính của người dân địa phương, hiện nay thôn Tân Lập đã có khoảng 15ha quýt đường, mỗi trăm cho thu hoạch hằng trăm tấn quả. Quýt đường được các tiểu thương vào tận vườn thu mua sau đó vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ, trong đó có nhiều tỉnh thành phía Bắc.
Ông Nguyễn Minh Toản, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết, từ năm 2012, một số người dân gốc miền Tây lên địa phương định cư đã đưa giống quýt đường vào trồng thử nghiệm. Kết quả cho thấy tại nhiều vùng của xã Đan Phượng, nhất là Tân Lập, với thổ nhưỡng là đất pha đá rất phù hợp cho cây quýt đường sinh trưởng, phát triển. Quýt đường trồng ở Đan Phượng cho năng suất, chất lượng khá cao. Do đó, chính quyền xã đang khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi những vùng đất pha đá, không phù hợp với cà phê và cây hoa màu khác sang trồng cây ăn trái, trong đó có quýt đường… |