| Hotline: 0983.970.780

Biến đổi khí hậu đe dọa nhiều nền kinh tế

Thứ Năm 09/03/2023 , 10:21 (GMT+7)

Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc chứng kiến ​​nền nhiệt độ cao kỷ lục vào đầu tháng 3, trong khi Đức dự báo mất tới ngót nghìn tỷ USD vào năm 2050.

Hình ảnh chụp một hồ chứa thuộc tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc hôm 9/2/2023 bị cạn trơ đáy.  Ảnh: AFP

Hình ảnh chụp một hồ chứa thuộc tỉnh Quý Châu, phía tây nam Trung Quốc hôm 9/2/2023 bị cạn trơ đáy.  Ảnh: AFP

Dữ liệu cho thấy, tại thành phố Vũ Hán nằm ở vùng trung lưu sông Dương Tử (Trường Giang), hôm 6/3 ghi nhận nhiệt độ 26 độ C, cao hơn 12 độ C so với mức trung bình nhiều năm vào đầu tháng 3, trong khi Bắc Kinh và các thành phố lân cận cũng có nhiệt độ lên tới 22 - 25 độ C vào cùng thời điểm.

Vào năm ngoái, Trung Quốc đã trải qua nhiều tháng ròng nắng nóng khắc nghiệt, với 267 trạm đo nhiệt độ kỷ lục vượt quá 40 độ C trong đợt hạn hán kéo dài 70 ngày vào mùa hè trên khắp lưu vực sông Dương Tử, gây ra nhiều vụ hỏa hoạn và thiệt hại mùa màng của nông dân.

Cơ quan dự báo thời tiết khí tượng Trung Quốc cảnh báo, năm nay cả nước sẽ phải đối mặt với một năm thời tiết khắc nghiệt nữa do biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc, nơi có nhà máy thủy điện siêu lớn Bạch Hạc Than nằm ở thượng lưu sông Dương Tử hiện đã ở giữa đợt hạn hán được dự báo còn kéo dài đến tháng 4, với lượng mưa trung bình thấp hơn 60% so với bình thường kể từ tháng 11 năm ngoái.

Trong khi đó Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc và là cửa xả lũ chính của sông Dương Tử, cũng không thể phục hồi sau đợt hạn hán năm ngoái, với mực nước hôm đầu tuần này lại giảm xuống dưới 7m, gần mức thấp kỷ lục. Truyền thông nhà dẫn lời các quan chức thời tiết Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo hàng tháng vào tuần trước rằng, nhiệt độ trung bình trong cả tháng 2 đã cao hơn 1,6 độ C so với mức bình thường, trong khi lượng mưa trung bình cũng thấp hơn 3,9% so với trung bình nhiều năm.

Ông Gao Rong, phó giám đốc Trung tâm Khí tượng Quốc gia cho biết, thời tiết thay đổi cũng đồng nghĩa với việc mùa xuân đến sớm ở nhiều khu vực phía nam sông Dương Tử, cá biệt có nơi sớm hơn bình thường tới 20 ngày.

Ngoài ra, điều kiện áp suất thấp trong tuần này cũng góp phần gây ra hiện tượng sương mù dày đặc và ô nhiễm ở nhiều đô thị lớn ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc ở, nơi các hoạt động công nghiệp nặng đang được đẩy mạnh.

Lũ lụt phá hủy nhiều khu vực dân cư ở Kreuzberg, Đức vào ngày 19 tháng 7 năm 2021. Ảnh: Reuters

Lũ lụt phá hủy nhiều khu vực dân cư ở Kreuzberg, Đức vào ngày 19 tháng 7 năm 2021. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến liên quan, nghiên cứu mới công bố cho biết thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra có thể khiến Đức thiệt hại kinh tế tích lũy lên tới 956 tỷ USD (900 tỷ euro) vào giữa thế kỷ này. Báo cáo do các công ty nghiên cứu kinh tế Prognos & GWS và Viện Nghiên cứu Kinh tế Sinh thái quốc gia Đức thực hiện nhằm chuẩn bị cho Bộ Môi trường nước này xây dựng chiến lược thích ứng với khí hậu.

Hiện cũng đang nổ ra các cuộc tranh luận khá căng thẳng trong liên minh cầm quyền về cách nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong các lĩnh vực đầy thách thức như giao thông vận tải và xây dựng để trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2045 hay không.

Các bộ Kinh tế và Môi trường của Đức đã trích dẫn nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ cực cao, hạn hán và lũ lụt có thể gây thiệt hại từ 280 tỷ euro đến 900 tỷ euro trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2050, tùy thuộc vào mức độ nóng lên toàn cầu.

Cụ thể là những mất mát bao gồm thiệt hại về sản lượng nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, sập đổ nhà cửa do mưa lớn và lũ lụt, ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa và tác động đến hệ thống y tế.

Đặc biệt, nghiên cứu trên không tính đến những thiệt hại phi tài chính như suy giảm sức khỏe cộng đồng, tử vong do nắng nóng và lũ lụt và tổn thất về đa dạng sinh học.

Theo con số thống kê từ Bộ Kinh tế, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra đã gây thiệt hại cho Đức ít nhất 145 tỷ euro từ năm 2000 đến năm 2021. Trong đó chỉ riêng 5 năm qua nước này đã mất tới 80 tỷ euro thiệt hại, nặng nhất là trận lũ lụt tồi tệ vào năm 2021 ở các bang Rhineland-Palatinate và North Rhine-Westphalia.

Nghiên cứu cũng cho thấy, những khoản thiệt hại này có thể được giảm hoàn toàn thông qua các biện pháp thích ứng với khí hậu như lưu trữ carbon nếu biến đổi khí hậu chỉ ở mức nhẹ. Đồng thời báo cáo cho biết thêm rằng, khoảng 60% đến 80% chi phí có thể được tiết kiệm theo cách trên, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nghiên cứu đã không đề cập đến các biện pháp thích ứng khí hậu có thể khiến chính phủ liên bang và các tiểu bang phải trả giá bao nhiêu.

(Reuters)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.