| Hotline: 0983.970.780

Biến đổi khí hậu tác động nặng nề đến Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba 18/06/2019 , 13:40 (GMT+7)

Không chỉ sạt lở, sụt lún, các tỉnh vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phải đối diện với những tác động nghiêm trọng của tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra.

Diễn đàn “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long”.

Tại Diễn đàn “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long”, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vào các tháng mùa khô, ĐBSCL chịu tác động mạnh bởi xâm nhập mặn, đây là đặc tính của vùng.

Mức độ xâm nhập hàng năm có tính quy luật tương đối rõ rệt, tuy nhiên trong những năm gần đây, nguồn nước thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL đã thay đổi quy luật tự nhiên bởi việc xây dựng, vận hành các hồ chứa thủy điện thượng lưu, dẫn đến xâm nhập mặn có những thay đổi lớn, gây khó khăn lớn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Giai đoạn trước năm 2012, mặn thường xâm nhập đáng kể từ tháng 2 đến tháng 4, đỉnh mặn xuất hiện vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 (là tháng có dòng chảy kiệt nhất, gió Chướng hoạt động mạnh nhất). Những năm gần đây dòng chảy thượng nguồn đầu mùa khô về thấp, xâm nhập mặn xuất hiện từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn xuất hiện vào tháng 2; hoặc đầu tháng 3. đợt xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016, chiều sâu xâm nhập mặn cao nhất lên tới 90 km, dẫn đến hàng loại cửa lấy nước được xây dựng trước đây ở khoảng cách cách cửa sông 35-50 km không thể lấy nước ngọt.

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL đang bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, Cà Mau là tỉnh duy nhất trong vùng ĐBSCL và cả nước có 3 mặt giáp biển nên đang chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu so với các tỉnh trong khu vực.

Các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL đang bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Theo ông Hải, trong đợt nắng nóng kéo dài do hiện tượng EnNino cuối năm 2015, đầu năm 2016, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Diện tích lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại gần 53.000ha; trên 43.000ha rừng tràm bị khô hạn nghiêm trọng; đường giao thông bị sụp, lún, lở đất, hư hỏng trên 112km; hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh An Giang đã xảy ra khoảng 120 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng làm mất đất đai, thiệt hại nhà cửa, cơ sở hạ tầng, đường giao thông ước tính lên đến hàng trăm tỉ đồng. Điển hình là vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 22/4/2017 tại bờ sông Hậu khu vực Vàm Nao làm nhấn chìm hoàn toàn 15 căn nhà, 2 nền đất, cắt đứt hoàn toàn đường giao thông liên xã và ảnh hưởng trực tiếp đến 108 hộ dân và 1 nhà máy xay xát phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu chỉ riêng vụ sạt lở này là khoảng 88 tỉ đồng và nguy cơ sạt lở vẫn còn diễn biến phức tạp và có thể tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Cũng theo ông Hải, tỉnh Cà Mau đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống sạt lở, cả giải pháp công trình và phi công trình; đã xử lý khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài gần 29.000m; các đoạn kè gây bồi tạo bãi đã tạo được bãi bồi ven biển phía bên trong kè, khôi phục hàng trăm ha rừng phòng hộ ven biển.

Nhằm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư bảo vệ bờ biển, ông Hải đưa ra những kiến nghị như giao đất cho doanh nghiệp với thời gian từ 50-70 năm; cho chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất rừng phòng hộ bên trong sau khi doanh nghiệp đầu tư kè tạo bãi và trồng rừng diện tích tương ứng phía ngoài; không áp dụng cơ chế vay lại các dự án ODA đối với các dự án ứng phó thiên tai.

  • Tags:
Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.