| Hotline: 0983.970.780

Biển Đông, chúng tôi có mặt: Quê hương giữa trùng khơi

Chủ Nhật 22/06/2014 , 13:14 (GMT+7)

Đã 3 năm trôi qua, ký ức về chuyến thăm Trường Sa trong tôi vẫn mới nguyên.

Không chỉ có sóng biển, nắng hanh hao và gió táp khô người, Trường Sa còn có những “cây phong ba” thách thức sự khắc nghiệt và những “cơn sóng ngầm” đang gầm gừ ngày đêm, có tiếng trẻ thơ với tiếng cười trong vắt giữa mênh mang sóng biển.

Và, hạnh phúc biết bao khi được ra tận nơi, được cầm trong tay nắm đất bạc màu nắng gió, được ngâm mình trong làn nước biển xanh ngắt của quê hương.

Đã 3 năm trôi qua, ký ức về chuyến thăm Trường Sa trong tôi vẫn mới nguyên.

QUÊ HƯƠNG LÀ ĐÂY

Sáu giờ sáng một ngày đầu tháng 5, khi bình minh vừa ló rạng, quét một lớp vàng lăn tăn trên mặt nước lấp lánh, cũng là lúc con tàu HQ996 rú lên 3 hồi còi dài, từ từ tách ra khỏi cầu tàu ở quân cảng Cát Lái, TP.HCM, đưa chúng tôi ra với Trường Sa.

Vậy là mong ước bao lâu nay của tôi đã thành hiện thực. Nhìn đoàn người đưa tiễn vẫy chào đang nhỏ dần trên cầu cảng, trong tôi trào lên bao cảm xúc: Hồi hộp, xúc động xen lẫn hãnh diện…

Chuyến đi này, đoàn có gần 200 người, do Chuẩn đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Lê Văn Đạo làm trưởng đoàn và Phó đoàn là ông Lê Minh Châu, Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tàu sẽ ghé thăm các đảo: Trường Sa Lớn, Đá Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Tiên Nữ và nhà giàn DK1.

18-37-39_nh-1
Đảo Trường Sa Lớn

6 giờ sáng, sau 2 ngày lênh đênh trên mặt biển, lúc mọi người còn đang mơ màng trong giấc ngủ, bất chợt tiếng loa trên tàu vang lên: “Tàu chuẩn bị cập đảo Trường Sa Lớn!”.

Niềm vui vỡ òa, chúng tôi đồng loạt vùng dậy lao ra boong tàu, đảo Trường Sa Lớn ở ngay trước mặt, như một con tàu khổng lồ được ánh bình minh nhuộm một một màu vàng óng.

Tàu cập cảng, quân và dân trên đảo đã đợi sẵn, đón chúng tôi, xen giữa màu áo trắng - xanh của các chiến sĩ hải quân là đủ sắc màu quần áo có thể gặp bất cứ đâu giữa đời thường.

Một phần máu thịt của đất nước nơi chúng tôi đang đứng có tình quân dân thắm đượm giữa đại dương bao la. Đặt chân lên đảo, cảm giác trong tôi thật khó diễn tả, bồi hồi, xúc động rưng rưng.

Vào trung tâm đảo, chúng tôi ai nấy bồi hồi, xúc động khi thấy cột mốc chủ quyền sáng lên trong nắng hè, cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Không ai bảo ai, chúng tôi ào đến vòng quanh cột mốc, người thì vuốt ve, sờ tận tay, có người thì quỳ xuống nâng niu, chụp ảnh lưu niệm.

18-37-39_nh-3
Tác giả bên cột mốc khẳng định chủ quyền trên đảo Trường Sa

Chuyến đi này, đoàn còn mang niềm vui rất lớn khác cho quân dân trên đảo Sinh Tồn, đó là việc khởi công xây dựng nhà văn hoá trị giá gần 13 tỉ đồng. Đây là số tiền được quyên góp từ 1 ngày lương của 115 ngàn CBCNV Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

“Lâu nay, chúng tôi chỉ nghe, thấy Trường Sa qua báo chí. Đây là lần đầu tiên được đến với đảo. Đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng của đất nước, chúng tôi thật sự xúc động và khâm phục! Giữa trùng khơi nắng gió, cuộc sống khắc nghiệt là thế, nhưng sự sống vẫn mãnh liệt”, ông Lê Minh Châu xúc động nói.

18-37-39_nh-14
Lễ tưởng niệm những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì biển đảo quê hương

MẦM NON VƯƠN GIỮA PHONG BA

Dạo một vòng trên những con đường bê tông rợp bóng cây trên đảo, dưới hàng cây phong ba chúm chím hoa trắng, ngắm bầy heo đủng đỉnh ủi đám cỏ kiếm ăn, bầy gà vịt chí chóe giành nhau những hạt gạo từ tay người lính, nghe tiếng trẻ thơ cười khanh khách, trong veo, cất lên giữa sóng biển ì ầm bốn bề… thấy lòng xiết bao bình yên. Quê hương là đây.

Trong hàng quân dân đón đoàn từ đất liền ra thăm, tôi thấy một “chú lính” hải quân nhí, chỉ cao ngang bụng người lớn. Hỏi ra mới biết, cậu bé tên Chin Si, một trong số 9 đứa trẻ trên đảo Trường Sa Lớn và còn là “siêu quậy” đáng yêu nhất trên đảo.

18-37-39_nh-4
Chú hải quân nhí Nguyễn Chin Si trên đảo Trường Sa Lớn

“Nó quậy lắm chú ạ. Chỉ thích mặc đồ giống mấy chú hải quân, suốt ngày cứ lẽo đẽo theo các chú. Nhưng các cô chú ai cũng quý”, anh Nguyễn Xuân Yên, bố của Si, nói.

Quả là cậu bé rất hiếu động, tinh nghịch. Chỉ qua vài phút làm quen, Chin Si đã líu lo với tôi như đã thân từ lâu lắm: “Chú thấy quần áo hải quân của con có đẹp không? Nhưng không biết khi nào con mới có súng như mấy chú nhỉ?”. “Con lấy súng để làm gì?”. “Để con ra biển canh gác như mấy chú, không cho kẻ xấu lên đảo!”.

Chin Si vừa nói vừa tung tăng chân sáo đưa tôi đi thăm các điểm trên đảo, từ đường băng, hải đăng đến nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà văn hóa, chùa Trường Sa Lớn...

Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi “triết lý”: “Mỗi em bé sinh ra và lớn lên ở Trường Sa là một biểu tượng sống động cho dòng chảy ngàn đời nay của người Việt Nam”. Còn với tôi, trẻ thơ nơi đây, như mạch nước ngọt giữa trùng dương mặn chát, giúp sự sống vươn mình giữa phong ba…

“Theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì quần đảo Trường Sa sẽ có 4 cảng cá tại các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết và cảng cá kết hợp khu trú bão trên đảo Đá Tây. Tổng lưu lượng thuỷ sản qua 4 cảng này khoảng 22.000 tấn/năm. Nơi đây sẽ có cả điện công nghiệp để sơ chế biến hải sản xuất khẩu chứ không đơn thuần chỉ có điện năng lượng phục vụ sinh hoạt như hiện nay!”, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo phấn khởi nói.

Bất kỳ ai khi đặt chân tới đảo Trường Sa Lớn, đều tìm đến nhà gia đình anh Nguyễn Tấn Thi - chị Nguyễn Thị Thanh Thuý để thăm bé gái Nguyễn Ngọc Trường Xuân, công dân đầu tiên cất tiếng khóc chào đời trên đảo.

“Lúc nghe tiếng cháu cất tiếng khóc, các cô chú đứng ở ngoài cùng reo to, xúc động rơi nước mắt”, anh Thi nói. Cũng đúng thôi, giữa nghìn trùng phong ba, mầm sống đầu tiên đã đâm chồi. Đó thực sự là điều kỳ diệu.

Nói về tên con, anh Nguyễn Tấn Thi, cha của Nguyễn Ngọc Trường Xuân, cho biết: “Ngọc là tên của bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, người đã theo dõi sức khỏe cho hai mẹ con suốt thời gian mang thai, Trường là Trường Sa. Còn Xuân là tên lót của bác sĩ Hồ Xuân Lãng, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho cháu ra đời”.

Do điều kiện ở đảo chưa đủ nên học hết lớp 4, các em phải vào đất liền học lớp 5 và thi chuyển. Năm nay, Trà My, con gái vợ chồng anh Thi, chị Thúy, đã học hết lớp 4, sẽ tạm xa đảo để về đất liền học. Âu yếm nhìn con đang lui cui tưới cho liếp rau nhỏ xíu ngoài vườn, anh Thi nói: “Hồi cùng gia đình ra đảo, cháu còn níu tay bà nội, một hai đòi có nội. Vậy mà giờ, chuẩn bị về với nội, lại buồn. Suốt ngày cứ loay hoay hết tưới, bắt sâu cho rau, lại hì hụi dọn bếp, lau nhà. Làm xong mọi việc, cháu lại vào quanh quẩn bên cạnh em Trường Xuân”.

18-37-39_nh-9
Thăm bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, công dân đầu tiên chào đời giữa trùng khơi

Tình cảm của Trà My đối với Trường Sa được em gửi gắm bằng những dòng tâm sự viết dở dang trong cuốn tập học trò, đầy cảm xúc: “Rồi đây, không còn bao lâu nữa tôi sẽ rời xa mảnh đất yêu thương này, rời xa ba mẹ và em tôi, rời xa thầy cô, rời xa các em nhỏ mà tôi yêu mến, những người đã cùng tôi chiều chiều đạp xe trên đường băng...

18-37-39_nh-11
Bé Trà My đang cố gắng làm thật nhiều việc khi còn trên đảo

Tôi không bao giờ quên trái cây nơi đây. Hằng ngày tôi cùng các em nhỏ quây quần dưới gốc cây bàng vuông, cây tra để tìm hái được trái chín rồi chia sẻ cùng nhau...".

Ra Trường Sa, tận mắt thấy những người lính kiên cường, ngày ngày luyện tập, những người dân vẫn giong tàu ra biển mang về sản vật của biển quê hương, những mầm sống vẫn không ngừng vươn cao… mới thấy, bão táp phong ba hay “sóng ngầm” không ngừng gầm gừ, chỉ làm ý chí sắt đá, quyết tâm gìn giữ biển đảo quê hương của triệu triệu trái tim Việt tăng thêm ngàn lần.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm