| Hotline: 0983.970.780

Biển nuốt làng, người dân hốt hoảng

Thứ Ba 18/10/2022 , 11:48 (GMT+7)

Người dân thôn Tân Xuân xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa không giấu nổi vẻ lo lắng trên khuôn mặt trước nguy cơ biển “nuốt” làng.

 15 ha đất bị biển “nuốt chửng”

Cả thôn Tân Xuân có vài căn nhà nằm cạnh mé nước. Nơi đây vẫn còn dấu vết của những căn nhà bị sóng biển kéo sập, lộ chân móng, trồi trên bãi cát.

Cách mé nước vài chục mét là căn nhà ông Nguyễn Văn Đượng (55 tuổi) ở Tân Xuân, Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Cạnh nhà ông Đượng trước đây là rừng phi lao chắn sóng, nay chỉ toàn rác, củi khô, chất thải từ biển đưa vào. Phía dưới mé nước là bờ kè vừa bị vùi sụt vì những đợt sóng liên tục vỗ bờ.

Ông Đượng đã bỏ nghề cào ngao, đãi dắt trên biển mấy tháng nay một phần vì biển lấn làng, nuốt đất và cũng bởi do ông đã có tuổi, nên khó đủ sức gắng gượng.

Ông Nguyễn Văn Đượng (thôn Tân Xuân). Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Văn Đượng (thôn Tân Xuân). Ảnh: Quốc Toản.

Lão ngư đã dành hai phần ba cuộc đời lênh đênh trên sóng nước không giấu nổi vẻ lo lắng trên khuôn mặt chai sạn trước nguy cơ biển “nuốt” làng. Ông lão đứng bần thần một hồi lâu nhìn về phía bờ kè vừa bị sóng đánh tan nát, giọng có vẻ gượng gạo trước sự xuất hiện của các vị khách lạ.

“Trước đây, mé nước cách bờ vài trăm mét nên ngư dân còn chỗ để cào ngao, bắt cá. Nhưng một vài năm nay, biển cứ lấn dần, ăn mòn cả đất của người dân.

Mỗi khi dân làng nghe tin bão xa, lập tức thu xếp đồ đạc, chạy vào trong làng tránh trú. Mới từ cơn bão số 10 năm ngoái đến nay mà biển lấy đi của người dân nhiều như thế đấy! Cả khu này không biết ngày mai sẽ ra sao nếu biển cứ lấn dần vào đất liền. Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng cảnh nước biển xâm thực mạnh như bây giờ”, ông Đượng chia sẻ.

Cạnh nhà ông Đượng trước đây là rừng phi lao chắn sóng, nay chỉ toàn rác, củi khô, chất thải từ biển đưa vào. Ảnh: Quốc Toản.

Cạnh nhà ông Đượng trước đây là rừng phi lao chắn sóng, nay chỉ toàn rác, củi khô, chất thải từ biển đưa vào. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Bùi Thị Hương (vợ ông Đượng) ngồi kế bên thủ thỉ: “Dân biển khá hiểu chu kỳ con nước lên xuống. Có lúc biển bồi cát, có lúc lại xói lở. Một vài năm trở lại đây, nước biển xâm lấn mạnh vào bờ mà không thấy bồi cát như trước nữa. Gia đình cũng muốn đi khỏi nơi này lắm rồi, nhưng không có tiền nên đành chấp nhận. Biển yên ả ngày nào thì tốt ngày đó, còn không thì…”.

Theo lời kể của nhiều người dân thôn Tân Xuân, khoảng 10 năm về trước cũng tại nơi này, có vài hộ gia đình bị sóng biển đánh sập cả móng nhà, phải vội vàng dắt díu nhau vào trong làng. Nhiều gia đình khác muốn đi khỏi nơi này, nhưng cứ dùng dằng mãi vì không có tiền mua đất làm nhà nên đành chấp nhận số phận.

“Có năm, mưa bão kết hợp với biển động khiến nước ngập sâu vào nhà dân. Trước tình thế khẩn cấp, nhiều người dân xóm Tân Xuân cùng Bộ đội biên phòng phải trèo lên ngọn hải đăng để tránh trú. Số dân còn lại thì phải di chuyển vào sâu trong làng để tránh ngập. Người dân thôn Tân Xuân mong mỏi chính quyền nhanh chóng có phương án khắc phục sự cố để ổn định tâm lý và đời sống nhân dân”, bà Nguyễn Thị Kim, người dân thôn Tân Xuân cho biết.

Do nhân tai hay thiên tai?

Theo UBND Hoằng Phụ thời gian gần đây, đặc biệt vào khoảng tháng 6, tháng 7/2022, do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn vỗ bờ với tần suất cao nên hiện tượng sạt lở đất do xâm thực tại vị trí bờ biển tiếp giáp với Sông Mã (thôn Tân Xuân) diễn ra mạnh.

Diện tích đất bị sạt lở do biển xâm thực khoảng 15ha. Trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 15.000m2; diện tích thuộc quy hoạch cụm công nghiệp bị xâm thực khoảng 22.000m2; diện tích rừng sản xuất khoảng 112.000m2... Đặc biệt, tình trạng sạt lở đã làm mất đất ở của 3 hộ dân với khoảng 1.000m2 đất và ảnh hưởng tới khuôn viên làm việc của Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới. Đáng nói là hiện nay tình trạng sạt lở đang tiếp diễn, có nơi sạt lở tới 150m chiều rộng tính từ mé nước vào bờ.

Bờ kè chắn sóng bị vùi sụt do sóng biển dồn dập vỗ bờ. Ảnh: Quốc Toản.

Bờ kè chắn sóng bị vùi sụt do sóng biển dồn dập vỗ bờ. Ảnh: Quốc Toản.

Theo quan sát, dãy rừng phòng hộ với những rặng phi lao xanh mướt chạy dọc bờ biển, đoạn qua thôn Tân Xuân dần bị biển “nuốt chửng”. Bờ biển ngổn ngang hàng nghìn gốc phi lao và thân cây bị sóng đánh dạt vào bờ. Người dân thôn Tân Xuân không dám tiến gần khu vực này vì lo ngại sạt lở. Theo lời kể của người dân, trước đó vào năm 2007, tình trạng nước biển xâm thực vào đất liền cũng diễn ra nhưng không mạnh như bây giờ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: “Đây là sự việc vượt quá tầm và khả năng xử lý của địa phương. Chúng tôi đã có kiến nghị tới cấp có thẩm quyền, đề nghị có phương án xử lý tình trạng trên. Để ổn định đời sống người dân, cần đầu tư công trình phòng chống sạt lở, xâm thực bờ biển để người dân yên tâm, ổn định đời sống...”.

Theo đánh giá của UBND huyện Hoằng Hóa, nếu tình trạng sạt lở, xâm thực tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh như thời gian vừa qua sẽ gây nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các hộ dân trong khu vực và Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới.

Người dân thôn Tân Xuân lo lắng trước cảnh biển 'nuốt' làng. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân thôn Tân Xuân lo lắng trước cảnh biển "nuốt" làng. Ảnh: Quốc Toản.

Trong khi đó, theo phản ánh của bà con thôn Tân Xuân, ngoài ảnh hưởng của thời tiết, hiện tượng biển xâm thực có thể do tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực cửa biển Lạch Hới và tác động của từ việc hút cát để thực hiện dự án của Tập đoàn FLC từ nhiều năm trước khiến dòng chảy bị thay đổi, xâm lấn, gây sạt lở.

“Có thời điểm, tàu hút cát vừa đi vừa hút cát. Họ dùng máy móc hiện đại nên tiếng máy hút rất êm, nên khó phát hiện và ngăn chặn hành vi này. Khi người dân phát hiện thấy tàu hút cát thì họ đã chạy xa”, bà Bùi Thị Hương (thôn Tân Xuân cho hay).

Đại úy Nguyễn Đình Hoàn – Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Hới cho biết, đầu năm 2022 xảy ra một vụ hút cát trái phép nhưng không nằm trong dòng chảy cửa Lạch Hới. Do đó, rất khó có cơ sở khẳng định hành vi hút cát gây ra hiện tượng biển xâm thực.

Hàng nghìn gốc phi lao 'phơi xác' bên bờ biển. Ảnh: Quốc Toản.

Hàng nghìn gốc phi lao "phơi xác" bên bờ biển. Ảnh: Quốc Toản.

Trong khi đó ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho rằng, cần có đánh giá khoa học mới có thể kết luận được nguyên nhân gây sạt lở tại khu vực này.

“Nói về địa chất, ngày xưa người Pháp đặt tên cho biển Hoằng Hóa là Hải Tiến, có nghĩa là “biển tiến (lấn) vào. Đến nay, biển ở khu vực này vẫn đang tiến vào bờ, nhưng mức độ chậm nên rất khó phát hiện. Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh, đề nghị mở hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học để đánh giá cấu trúc địa chất tại khu vực. Về lâu dài, cần xây dựng bờ kè chắn sóng để đảm an toàn cho khu vực này”, ông Hoành nói.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, đề xuất các giải pháp xử lý hiện tượng biển xâm thực nhằm ổn định đời sống nhân dân.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.