| Hotline: 0983.970.780

Biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng

Thứ Hai 18/07/2016 , 13:34 (GMT+7)

Rệp sáp bột hồng là loại sâu hại cây sắn rất khó phòng trừ, liên tiếp bùng phát trên các vùng nguyên liệu sắn ở Phú Yên.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên đã phối hợp với Cty Syngenta Việt Nam triển khai mô hình khảo nghiệm biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng nhằm trang bị kiến thức cho nông dân.

Tại ruộng sắn thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), mô hình khảo nghiệm với diện tích 1ha trên giống sắn KM94, đang bị rệp sáp bột hồng gây hại nặng, tỉ lệ từ 20 - 30%. Mô hình chia ruộng ra làm 4 phần, thực hiện theo 4 công thức: Không ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần (công thức 1); ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần (công thức 2); không ngắt ngọn, phun thuốc Actara 2 lần, mỗi lần phun cách nhau 7 ngày (công thức 3)  và ngắt ngọn, phun thuốc Actara 2 lần (công thức 4).

Trong quá trình thí nghiệm với các phương pháp điều tra, hiệu quả cao nhất thể hiện ở công thức ngắt ngọn, phun thuốc Actara 2 lần (công thức 4), tiếp đến là ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần (công thức 2).

Ông Bùi Văn Tứ, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đồng Xuân cho biết, mật độ rệp sáp bột hồng trên đọt sắn sau khi xử lý thì công thức 2 và 4 giảm xuống mạnh vì bẻ đọt nên tiêu hủy lượng lớn rệp sáp bột hồng trên đọt bị hại. Còn công thức 1, 3 mật độ rệp sáp bột hồng có giảm xuống nhưng thấp. Thông qua mô hình đánh giá hiệu quả các công thức thí nghiệm từ đó khuyến cáo nông dân áp dụng phòng trừ rệp sáp bột hồng vào những niên vụ mới.

Tại Buôn Lé A, xã Krông Pa, mô hình khảo nghiệm với diện tích 1ha trên giống sắn KM140, chia làm 4 phần cũng thực hiện theo 4 công thức. Mô hình này trình diễn cho nông dân thấy được biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương.

Ông Nay Xuân, nông dân ở xã Krông Pa tham gia mô hình cho hay: "Tôi tham gia mô hình nhận thấy sắn bị rệp sáp bột hồng ngắt ngọn, phun thuốc Actara thì hiệu quả cao, còn những bụi sắn không ngắt ngọn nhưng phun thuốc thì hiệu quả thấp hơn".

ThS Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, phân tích, công thức ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần (công thức 2) và ngắt ngọn, phun thuốc Actara 2 lần (công thức 4) đạt hiệu quả cao nhất, tỉ lệ rệp sáp bột hồng giảm mạnh, cây sắn phát triển tốt. Tuy nhiên xét về yếu tố ảnh hưởng môi trường và chi phí tiền mua thuốc, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng công thức 2, đó là ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần để phòng trừ rệp sáp bột hồng vào những niên vụ mới.

09-11-46_img_1782
Ảnh: La Hai

 

Cách đây 1 tháng, rệp sáp bột hồng gây hại 241ha ở hầu hết các vùng trồng sắn của tỉnh, hiện đã giảm xuống 228ha. Đây là năm thứ 4 liên tiếp rệp sáp bột hồng “đeo bám” trên cây sắn gây hại vùng trồng sắn ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tây Hòa… Bà Nguyễn Thị Mai ở xã Xuân Phước than vãn: "Tôi trồng 4 giạ (4.000 m2 ) sắn, năm rồi bị rệp sáp bột hồng gây hại, khi nhổ bụi sắn có chùm củ nhưng củ nào củ nấy chỉ bằng ngón tay út, tôi cày phá toàn bộ".

Còn ông KPá Bố ở xã Krông Pa bày tỏ: "Năm ngoái sắn nhà tôi bị rệp sáp bột hồng, tôi mua thuốc về phun, sau đó cây ra đọt non nhưng chỗ chùm đọt xoăn vẫn còn, khi nhổ lên có bụi chỉ được 1 củ duy nhất to bằng ngón chân cái. Năm nay tôi tham gia mô hình. Khi sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng, tôi bẻ đọt gom đốt rồi phun thuốc, từ chỗ bẻ, đọt cây sắn ra nhánh khác, phát triển cho củ bình thường".

Ông Nguyễn Văn Hạ, Giám đốc Trung tâm BVTV miền Trung cho biết, khi sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng thì cây còi cọc chậm phát triển, không cho năng suất, người trồng sắn thiệt hại lớn về kinh tế. Để ngăn chặn, địa phương cần vận động nhân dân không vận chuyển hom giống sắn từ khu vực đã bị nhiễm rệp sáp bột hồng đến các vùng khác. Khi sắn đã bị rệp sáp bột hồng gây hại thì tiến hành tiêu hủy nhằm cắt đứt nguồn lây lan, đặc biệt là không sử dụng cây sắn bị nhiễm làm giống. Khi ruộng có rệp sáp bột hồng gây hại phải ngắt ngọn, tiêu hủy và phun thuốc BVTV.

Theo tính toán của người trồng sắn, nếu cây phát triển bình thường đến vụ thu hoạch, năng suất đạt 17 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lãi 20 - 25 triệu đồng. Nếu sắn bị rệp sáp bột hồng không biết cách phòng trừ kịp thời thì cây không cho năng suất. Trong 4 năm liên tiếp tỉnh Phú Yên bị rệp sáp bột hồng hại sắn, có thời điểm lên đến gần 500ha, bà con thiệt hại hàng tỉ đồng.

 

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.