Chính quyền vào cuộc
Ông Trần Văn Đang, Chủ tịch UBND xã Hải Phú bộc bạch: “Mặc dù không phải là xã điểm triển khai mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; nhưng nhờ sự truyên truyền, vận động có hiệu quả, sự hỗ trợ kịp thời nên người dân trên địa bàn xã đã hưởng ứng tích cực”.
Đến nay, trên địa bàn xã Hải Phú có 17/17 xóm triển khai, thực hiện mô hình. Tổng số hộ thực hiện là 1.920 hộ; trong đó số hộ sử dụng hình thức hố xử lí rác hữu cơ có nắp đậy là 900 hộ. Ngoài ra, mỗi gia đình còn có 2 thùng rác chứa rác hữu cơ và vô cơ riêng biệt, với tổng số cả xã đạt trên 2.000 thùng.
Theo ông Đang, cảnh quan, môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM bền vững và kiểu mẫu; góp phần xây dựng một miền quê đáng sống, một môi trường nông thôn trong lành, sạch sẽ. Do đó, năm 2014, địa phương đã xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt đạt quy chuẩn môi trường.
Với khoảng 3.000 hộ với trên 10.000 nhân khẩu, trung bình mỗi tháng Tổ dịch vụ vệ sinh môi trường xã thu gom gần 170 tấn rác các loại. Do việc phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình được thực hiện tốt, nên đã giảm tải lượng rác thải hữu cơ rất lớn về khu xử lý rác; đảm bảo tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã đạt trên 90%.
Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Hải Phú, bà Phạm Thị Kim Tuyết chia sẻ, mô hình đã tạo nên phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng đến toàn thể nhân dân, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng thiết thực.
Hiệu quả từ mô hình
Xóm Lưu Rong là một trong những cơ sở thực hiện rất quyết liệt mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở xã Hải Phú. Thời điểm hiện tại, 100% hộ gia đình trên địa bàn xóm đã tham gia mô hình.
Ông Trần Văn Dũng, Trưởng xóm Lưu Rong chia sẻ, cơ sở triển khai, thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ năm 2018. Thời gian đầu, người dân vẫn còn lưỡng lự, không muốn tham gia. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, người dân đã hiểu rõ được tác hại của rác thải khi thải ra môi trường nên đã dần thay đổi ý thức.
Ông Dũng bảo: “Mô hình đã đem lại nhiều hiệu quả như giảm lượng rác thải (giảm 50% rác thải) trước khi đưa ra lò đốt rác; giảm ô nhiễm môi trường. Rác thải hữu cơ sau khi ủ thành phân bón, bón cho cây trồng rất tốt, tăng chất màu cho đất, không có mùi hôi thối và giảm chi phí mua phân bón hóa học”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hương (xóm 5) áp dụng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã hơn 2 năm nay. Bà cho biết, trước đây các loại rác sinh hoạt của gia đình, bà đều gom chung vào 1 thùng, nên lượng rác thải trước khi được đưa ra lò đốt rác thường rất nhiều. Từ khi được tuyên truyền, bà đã chủ động mua 2 thùng đựng rác riêng biệt và đào hố xử lý rác hữu cơ ở sau vườn cây.
“Chi phí mua thùng chứa rác hữu cơ, vô cơ và nắp đậy hố xử lí rác hữu cơ chỉ hơn 200.000đ, vừa túi tiền của tôi. Tội gì mà không áp dụng trong gia đình, vừa bảo vệ môi trường, vừa có phân bón hữu cơ bón cho vườn bưởi sau nhà”, bà Hương thổ lộ.
Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hải Hậu, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 27 xã với 114 chi hội sử dụng 8.610 nắp đậy hố xử lí rác hữu cơ. Và, 26.587 hộ đã sử dụng 2 thùng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.