Lên vùng miền Tây gò đồi của xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch - Quảng BÌnh), lên vùng bãi rác và nơi Nhà máy Phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ (Công tyTNHH Phát triển Dự án Việt Nam) đang ngày đêm họat động. Bà Phạm Thị Ngọc Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho hay: “Chúng tôi đầu tư dự án xử lý rác thải và khâu cuối là phân hữu cơ để đưa vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tạo nên một chuỗi khép kín từ đầu vào là rác và đầu ra là nền nông nghiệp hữu cơ sạch”.
Ý tưởng “hãy bảo vệ sức khỏe từ những sản phẩm đang làm” đã thôi thúc bà Ngọc Tú sau khi đầu tư Nhà máy đã tiếp tục xây dựng mô hình nông nghiệp hữa cơ cho sản phẩm sạch.
Trên vùng đất rộng chừng 12 ha, cạnh máy xử lý rác thải là nơi được quy hoạch làm khu canh tác nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ của nhà máy xử lý rác thải. Trên đó là hệ thống nhà màng lưới hiện đại với công nghệ tưới khép kín, máy điều hòa nhiệt độ, quạt thoáng khí…các phân khu nhà màng được bố trí cách quãng qua những tuyến đường rộng. Ngoài những loại cây ăn quả nhập khẩu như nho Mỹ, sung Mỹ… Công ty dành khá nhiều diện tích trồng hoa lan, dâu tây.
Theo bà Ngọc Tú, hơn hai vạn cây hoa lan các loại được nhập khẩu từ nước ngoài về nuôi dưỡng tại đây. Qua hơn 3 tháng, hoa lan phát triển tốt, mầm khỏe, cây hiếm khi bị sâu bệnh và sẽ xuất bán vào dịp tết Tân Sửu đang đến gần.
Rời khu hoa lan, chúng tôi đến khu trồng dâu tây. Kỹ sư Trần Văn Tùng đang làm và hướng dẫn công nhân đưa chậu dâu tây lên giá đỡ. Vừa làm, anh vừa cho hay: “Dâu tây sử dụng phân bón hữu cơ của nhà máy nên phát triển tốt. Chúng tôi cũng sẽ xuất bán cây vào dịp Tết để cho khách hàng có nhu cầu mua về chưng. Còn lại, sẽ thu hoạch quả vào sau Tết”.
Công ty cũng tạo được nhiều điểm nhấn khi trồng nhiều loại hoa như cúc, hướng dương ngay cạnh nhà máy cho mọi người đến xem, chụp ảnh. Chị Lê Thị Hân (ở thành phố Đồng Hới) cho hay: “Khi cả nhà tôi đến đây để chụp ảnh, xem hoa… thì có cảm giác thật yên bình. Không ai nghĩ là đang ở trong khu vực của nhà máy xử lý rác thải”.