| Hotline: 0983.970.780

Biến vườn tạp thành vườn kinh tế

Thứ Sáu 03/07/2020 , 09:01 (GMT+7)

Hiệu quả kinh tế của cây ăn quả như một luồng gió mới thổi vào huyện trung du miền núi, biến những diện tích vườn tạp ở đây thành vườn kinh tế.

Vườn bưởi da xanh đã cho gia đình ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định) cuộc sống sung túc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vườn bưởi da xanh đã cho gia đình ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân, Bình Định) cuộc sống sung túc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chính quyền tiếp sức

Cách đây hơn chục năm, bức tranh kinh tế vườn ở huyện trung du Hoài Ân (Bình Định) còn rất ảm đạm, dù diện tích đất vườn ở đây rất nhiều.

Hồi ấy, những khu vườn của các hộ gia đình ở Hoài Ân hầu như không được chăm chút, vườn nhà nào cũng lưa thưa chục cây mít ta, chục cây dừa ta, dăm chục cây chuối, cây cau…

Thu nhập từ vườn hầu như không được người dân ở đây tính vào nguồn thu kinh tế của gia đình hàng năm, đồng nghĩa vườn tược có đó mà như không.

Thế nhưng chừng chục năm trở lại đây, Hoài Ân trở thành điểm sáng về kinh tế vườn của tỉnh Bình Định.

Nhận thấy tiềm năng về kinh tế vườn của vùng đất trung du đang “ngủ vùi”, chính quyền địa phương huyện Hoài Ân đã “đánh thức” bằng nhiều chính sách hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn người dân ở đây biến những khu vườn tạp thành vườn kinh tế bằng những loại cây ăn quả có giá trị, cho thu nhập cao. Những khu vườn trước đây “có như không”, chẳng ai dám ngó ngàng giờ đã trở thành những vùng đất đẻ ra vàng.

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, từ năm 2016, huyện đã quy hoạch vùng phát triển cây ăn quả tại các địa phương.

Song song đó, huyện vận động nông dân cải tạo lại vườn nhà, vườn đồi theo hướng giảm diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như bưởi da xanh, bơ, dừa xiêm…

Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây bưởi thông qua dụng cụ xác định mini - pan ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây bưởi thông qua dụng cụ xác định mini - pan ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để kích thích người dân tham gia cải tạo vườn tạp, huyện Hoài Ân đã triển khai chính sách hỗ trợ 100% cây giống và hỗ trợ một phần chi phí xây dựng hệ thống dẫn nước, phân bón 3 năm đầu để nông dân  phát triển cây ăn quả.

Đặc biệt, Hoài Ân còn tiên phong xây dựng mô hình trồng bưởi da xanh và dừa xiêm theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) để sau đó nhân rộng trên địa bàn.

Chủ trương và chính sách, kèm theo sự hỗ trợ về nhiều mặt của chính quyền địa phương đã tạo động lực thúc đẩy người dân Hoài Ân cải tạo vườn nhà, vườn đồi thành vườn kinh tế.

Đổi đời

Ông Phạm Đình Đô (57 tuổi) ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ vừa dắt chúng tôi đi thăm gần 10ha đất vườn đồi của ông đã phủ kín các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, vừa nói những lời tâm tư đầy vẻ tiếc nuối.

“Tôi sở hữu gần 10ha đất gò đồi từ những năm sau giải phóng, thế nhưng từ đó đến nay tôi chưa khai thác hết tiềm năng của vùng đất này, vì mãi loay hoay với các loại cây điều, cây keo cho thu nhập chẳng đáng là bao.

Hơn ba năm nay, nhờ có sự hướng dẫn, động viên của ngành nông nghiệp huyện, tôi đã biến gần 10ha đất gò đồi thành vùng cây ăn quả. Hiện đã trồng được 4ha bưởi da xanh hơn 2 năm tuổi; 1ha cam và 1ha quýt đã được hơn 3 năm tuổi; chung quanh rào tôi trồng thêm dừa xiêm, mít Thái. Nếu tôi tìm đến với cây ăn quả sớm hơn thì giờ này đã có “tiền đống” vào nhà”.

Ông Phạm Đình Đô ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) với những cây quýt đã được hơn 3 năm tuổi của mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Phạm Đình Đô ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân) với những cây quýt đã được hơn 3 năm tuổi của mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Đặng Văn Cấp ở xã Ân Tường Đông cũng là người “giàu có” về đất đai như ông Đô. Cả diện tích vườn nhà, vườn đồi ông Cấp đang sở hữu khoảng 10ha. Hiện trên toàn bộ diện tích nói trên ông Cấp đã trồng 1.000 cây dừa ta, 1.200 cây bưởi da xanh, 250 cây bơ sáp, 40 cây sầu riêng, 150 cây dâu xanh.

“Hai năm nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 500 triệu đồng từ các loại cây ăn quả. Nhận thấy dừa ta cho hiệu quả kinh tế không cao bằng dừa xiêm nên tôi đang cho phá dừa ta trồng dừa xiêm và trồng thêm bơ, bưởi, sầu riêng. Để ổn định theo hướng bền vững, tôi đã xây dựng hệ thống ống dẫn nước tưới cho cây, tạo thành vườn cây ăn trái quy mô lớn”, ông Cấp bộc bạch.

Bưởi da xanh trồng ở Hoài Ân cho quả to, đều tăm tắp, chất lượng ngon nên người tiêu dùng rất thích. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bưởi da xanh trồng ở Hoài Ân cho quả to, đều tăm tắp, chất lượng ngon nên người tiêu dùng rất thích. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ở Hoài Ân hiện nay, ai có nhiều đất đai, cây trái nhiều thì có thu nhập cao; ai có ít đất đai nhưng đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao thì cuộc sống cũng được ổn định hơn so với trước đây.

Theo chia sẻ của ông Võ Đông Sơ, chủ vườn bưởi da xanh ở khu phố Thanh Tú, thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân), trước đây, khu vườn nhà ông Sơ được trồng “hùm bà lằn” nhiều loại cây, mỗi loại một ít.

Đến vụ thu hoạch, vợ ông hái quả đi bán lẻ ở các chợ quê, thu nhập từ cây trái chỉ đủ mua thức ăn hàng ngày. Năm 2013, ông Sơ phá bỏ toàn bộ những loại cây đứng trông vườn, sau đó mua bưởi da xanh từ các tỉnh phía Nam về trồng.

“Cây bưởi hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, lại được chăm sóc chu đáo nên 40 cây bưởi trong vườn nhà tôi phát triển rất tốt, cho quả to, đều tăm tắp, mọng nước. Đặc biệt, bưởi da xanh trồng trên đất Hoài Ân cho chất lượng quả rất ngon, nên trước vụ thu hoạch thương lái đã đến vườn đặt cọc tiền và bao tiêu toàn bộ sản phẩm”, ông Sơ bộc bạch.

Các chủ nhà vườn trồng cây ăn quả có giá trị cao ở Hoài Ân được chính quyền hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống tưới trong vườn cây. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Các chủ nhà vườn trồng cây ăn quả có giá trị cao ở Hoài Ân được chính quyền hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống tưới trong vườn cây. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mục tiêu của huyện Hoài Ân là trong năm 2020 sẽ mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lên 2.300ha, trong đó có 800ha cây ăn quả có múi; đến năm 2030 diện tích cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao ở huyện này sẽ tăng trưởng đến 1.591ha.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nông dân cải tạo vườn tạp, vườn đồi, sử dụng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trước đây trồng cây lâm nghiệp trái phép đã được nhổ bỏ để trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lưới để phục vụ sản xuất. Chúng tôi sẽ thành lập các HTX mới cùng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, ông Nguyễn Hữu Khúc.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.