Người dân Quảng Ngãi đang rất bức xúc về một biệt phủ ngang nhiên xây dựng trên đất lúa. Đó là biệt phủ của đại gia Nguyễn Hồng Sơn có dáng vẻ rất nguy nga tại đường Triệu Quang Phục, thuộc phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi. Oái oăm thay, biệt phủ hoành tráng hàng ngàn mét vuông ấy, ngoài diện tích xây dựng được cho phép, lại có hẳn một công trình không phép đồ sộ trên 620 mét vuông trên đất lúa.
Ai cũng biết đất lúa đang bị thu hẹp do biến đổi khí hậu. Giữ gìn đất lúa có ý nghĩa quan trọng đến an ninh lương thực lẫn môi trường sinh thái. Vậy thì, biệt phủ bỗng dưng xây dựng trên đất lúa, thì trách nhiệm thuộc về ai?
Thi công một biệt phủ hàng ngàn mét vuông không đơn giản như làm tạm một túp lều mái lá. Để xây dựng biệt phủ phải trải qua công đoạn thẩm định hồ sơ rất chi tiết về mặt bằng dự án lẫn bản vẽ thiết kế. Vai trò của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ở đâu, khi đại gia Nguyễn Hồng Sơn làm lễ động thổ? Không người nào phát hiện ra 620 mét vuông đất lúa đã bị “phù phép” vào hệ thống cấu trúc nguy nga của biệt phủ hàng ngàn mét vuông chăng? Nếu chủ công trình không phải đại gia Nguyễn Hồng Sơn thì 620 mét vuông đất lúa có bị “quy hoạch” xây dựng oan uổng như thế không?
Bên cạnh 620 mét vuông đất lúa, biệt phủ của đại gia Nguyễn Hồng Sơn còn xâm chiếm 110 mét vuông đất thủy lợi và đất giao thông do Nhà nước quản lý để thực hiện một số hạng mục phụ trợ công trình như hồ cá, tiểu cảnh, thảm cỏ... Nghĩa là, biệt phủ không chỉ xâm hại đất lúa mà còn xâm lấn đất công. Tuy nhiên, thật khó hiểu, khi biệt thủ đã nên hình nên dạng thì mới bị phát hiện và lập biên bản.
Biệt phủ của đại gia Nguyễn Hồng Sơn được xây dựng ngay tại đô thị đông đúc, chứ không phải chốn thâm sơn cùng cốc. Người dân bình thường có thể không biết 620 mét vuông đất lúa nằm gọn trong biệt phủ, nhưng không lẽ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ngãi và Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cũng không nắm rõ thông tin?
Biệt phủ xây dựng trên đất lúa của đại gia Nguyễn Hồng Sơn, chắc chắn sẽ được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cưỡng chế tháo dỡ công trình để trả lại nguyên trạng 620 mét vuông đất lúa là điều phải thực hiện rốt ráo. Thế nhưng, câu chuyện nhức nhối không phải là minh định hệ lụy “cháy nhà ra mặt chuột” hay nhắc nhở bài học “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mà là thái độ bảo vệ đất lúa.
Diện tích 620 mét vuông đất lúa được trắng trợn gộp vào công trình xây dựng biệt phủ, đều do vợ và con gái của đại gia Nguyễn Hồng Sơn đứng tên. Người sở hữu đất lúa nhưng không canh tác, thì dĩ nhiên sẽ hình thành toan tính khác. Có lẽ, đã đến lúc phải có quy định cụ thể hơn để phát huy giá trị của đất lúa, nhằm tránh cho đất lúa bị bỏ hoang hoặc bị rơi vào tay những kẻ không mặn mà với cây lúa./.